Hà Nội muốn làm bãi giữa sông Hồng thành công viên

Quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đang nghiên cứu phát triển bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng thành công viên văn hóa du lịch, điểm đến vui chơi, tham quan du lịch.

Theo kế hoạch được UBND quận Hoàn Kiếm đưa ra, công viên văn hóa du lịch được xây dựng chủ yếu dựa trên địa hình tự nhiên; tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan đô thị, kết hợp với xây dựng không gian du lịch văn hóa gắn kết lịch sử, các phong tục tập quán truyền thống, văn hóa gắn liền với sông nước…

Với khu vực bãi giữa sông Hồng, quận dự tính tổ chức khu chức năng không gian cảnh quan nông nghiệp du lịch, có thể vẫn cho các hộ dân trồng cây ngắn ngày nhưng quy hoạch chuyển đổi cây ngắn ngày phù hợp. Du khách có thể tham quan, chụp ảnh, hưởng thụ các giá trị cây nông nghiệp đặc sắc theo hướng nông nghiệp hiện đại.

Khu vực này cũng tổ chức khu chức năng không gian sáng tạo, sân chơi, thảm cỏ xen kẽ với các cây lâu năm hiện có; tổ chức không gian vui chơi, tập thể thao như sân trượt cỏ cơ bản theo địa hình tự nhiên; khu chức năng câu cá, bơi lặn, tham quan mặt nước sông Hồng…

Tại khu vực bãi bồi ven sông, đơn vị sẽ tổ chức các khu chức năng không gian công viên cây xanh (cơ bản giữ lại các cây lớn hiện có), khu chức năng trồng cây ngắn ngày, cây cảnh, cây hoa theo mùa, kết hợp phục vụ khách du lịch.

Đồng thời, quận Hoàn Kiếm sẽ tổ chức khu dịch vụ, khu vực thể thao để làm nơi sinh hoạt cộng đồng gắn với không gian mặt nước; không gian nghệ thuật cộng đồng, không gian sáng tạo với trọng tâm nhấn mạnh nội dung giá trị lịch sử văn hóa sông Hồng.

Hà Nội muốn làm bãi giữa sông Hồng thành công viên
Khu vực bãi giữa sông Hồng dự kiến được cải tạo thành công viên văn hóa du lịch. Ảnh: Google Maps.

Quận Hoàn Kiếm dự kiến quy hoạch mạng lưới giao thông nội bộ, đường dạo của khu vực bãi giữa, bãi ven sông Hồng theo hướng thiết kế thân thiện môi trường, sử dụng vật liệu truyền thống, tổ chức lại bãi tắm sông hiện có cho sạch đẹp, hấp dẫn du khách.

Cảnh quan theo các hướng tiếp cận từ trên cao (hướng nhìn từ cầu Long Biên, cầu Chương Dương), hướng tiếp cận đường sông, đường bộ sẽ được nghiên cứu tổ chức, đảm bảo yếu tố về tạo dựng khung cảnh thiên nhiên, vẻ đẹp văn hóa, lịch sử, sinh thái; thiết kế cảnh quan bố trí mảng không gian cây xanh; thiết kế kiến trúc nhỏ hài hòa với cảnh quan thiên nhiên…

Chiều 16/3, lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cho biết địa phương đang khảo sát để tiếp tục mở rộng các dự án làm sạch sông Hồng trên địa bàn phường Phúc Tân và Chương Dương. Quận cũng hướng đến mục tiêu phát triển bãi giữa, bãi ven sông Hồng thành công viên văn hóa, du lịch của thủ đô.

Việc phát triển khu vực bãi giữa sông Hồng của quận Hoàn Kiếm nhằm hướng tới mục tiêu cụ thể hóa định hướng quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Trong đó, địa phương khai thác hiệu quả quỹ đất và lợi thế tiềm năng, vẻ đẹp tự nhiên của sông Hồng, đầu tư cải tạo khu vực bãi giữa, bãi bồi ven sông thành công viên văn hóa du lịch, định hướng lấy sông Hồng là trục cảnh quan tạo không gian mở, xanh, có hạ tầng đô thị văn minh, hiện đại, làm điểm đến vui chơi, tham quan du lịch hấp dẫn du khách.

Cùng với đó, quận sẽ tôn tạo không gian xanh, cảnh quan, mặt nước, giải quyết vấn đề lấn chiếm đất bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng, vi phạm trật tự xây dựng, cải thiện vệ sinh môi trường.

Khu vực bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, thuộc địa bàn phường Chương Dương và Phúc Tân. Diện tích này không cố định mà phụ thuộc mùa mưa lũ từng năm, tiếp giáp với 3 quận: Ba Đình, Hai Bà Trưng và Long Biên. Khu vực bãi giữa có diện tích khoảng 23 ha nằm chủ yếu trên địa bàn phường Phúc Tân, trong đó có một phần (khoảng 1 ha) thuộc địa phận quận Long Biên.

Cùng ngày, UBND quận Hoàng Mai cho biết địa phương dự kiến tổ chức tuyến phố đi bộ tại dự án khu đô thị mới phía nam đường vành đai 3 thuộc phường Đại Kim, quận Hoàng Mai và xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì. Trong đó, địa phương dự kiến phân 4 khu vực chính cho phố đi bộ gồm: Khu ẩm thực, thương mại – dịch vụ, văn hóa – nghệ thuật và khu vực thể thao.

Tuyến phố đi bộ được tổ chức thí điểm trong 2 năm tới, trước khi chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2024. Tuyến phố dự kiến có chiều dài 889 m, trên diện tích hơn 13.600 m2. Mặt cắt đường rộng 13 m, chiều rộng mỗi bên vỉa hè 3,1 m và được bổ sung 2 m khoảng lùi nhà phố.

Nếu phố đi bộ ở quận Hoàng Mai được hoạt động, đây sẽ là không gian đi bộ thứ năm của Hà Nội, sau phố đi bộ hồ Gươm, khu phố cổ Hà Nội, phố Trịnh Công Sơn và phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây hoạt động từ dịp 30/4-1/5 năm nay.

Nguồn: Zingnews.vn

Bài Viết Liên Quan

Back to top button