Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công: “Hướng tới thập kỷ PTBV tốt đẹp hơn”

(TGA) – Trong thời điểm khó khăn hiện nay, Việt Nam và toàn thế giới phải đối mặt với hàng loạt thách thức từ thiên tai, sự bất ổn chính trị và nhất là đại dịch Covid-19 thì việc phấn đấu đạt được mục tiêu: “Hướng tới thập kỷ PTBV tốt đẹp hơn: Không để ai bị bỏ lại phía sau” càng trở nên cần thiết. Đây cũng là chủ đề của Diễn đàn Doanh nghiệp PTBV lần thứ 8 và Lễ Công bố CSI 2021 lần thứ 6 do VCCI, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự PTBV Việt Nam (VBCSD) phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức ngày 9/12/2021 tại Hà Nội.

Phóng viên Kỳ Thế giới Ảnh – Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự PTBV Việt Nam xung quanh vấn đề này.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công:
Ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch VCCI.

Thưa ông, xin ông đánh giá vài nét về việc thực thi các mục tiêu PTBV của Việt Nam trong những năm gần đây?

Theo báo cáo Chỉ số PTBV của Bertelsmann Stiftung và Tổ chức Mạng lưới giải pháp PTBV của Liên hợp quốc (SDSN), PTBV là nhu cầu cấp bách và xu thế tất yếu trong tiến trình phát triển của xã hội loài người. Tại Hội nghị thượng đỉnh năm 2015 của Liên hợp quốc, Chương trình nghị sự 2030 vì sự PTBV (CTNS 2030) đã được các nước thành viên Liên hợp quốc đồng thuận thông qua. Chương trình này đã đưa ra tầm nhìn cho giai đoạn phát triển 15 năm tới với 17 mục tiêu PTBV và 169 mục tiêu cụ thể, định hướng phương thức thực hiện, các quan hệ đối tác toàn cầu và các hành động triển khai thực hiện.

Có thể khẳng định, kể từ khi Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc được thông qua, tiến trình đạt tới sự phát triển thịnh vượng và hài hòa dưới cả 3 góc độ kinh tế – xã hội – môi trường tại mỗi quốc gia giờ đây đã có đích đến cụ thể và thống nhất. Trong gần 6 năm theo đuổi thực hiện các mục tiêu PTBV, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường. Xét trên phạm vi toàn cầu, thứ hạng của Việt Nam về kết quả thực hiện các Mục tiêu PTBV (SDG) liên tục tăng trong giai đoạn 2016 – 2021, giúp vị thế của Việt Nam trên bảng xếp hạng toàn cầu cũng được cải thiện không ngừng với chuỗi tăng về thứ hạng, từ vị trí 88/149 quốc gia năm 2016 lên vị trí 51/165 quốc gia năm 2021.

Việt Nam được đánh giá đã và đang thực hiện tốt một số chỉ tiêu về xóa đói nghèo; một số khía cạnh trong đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người; cải thiện trong các khía cạnh trao quyền lực và cơ hội tham gia chính trị cho phụ nữ; đảm bảo đầy đủ và quản lý bền vững tài nguyên nước và hệ thống vệ sinh cho tất cả mọi người, đặc biệt là mục tiêu tăng cường phương thức thực hiện và thúc đẩy đối tác toàn cầu vì sự PTBV…

Cho đến thời điểm này, trong số 17 mục tiêu PTBV, Việt Nam chỉ được đánh giá ở mức “hoàn thành” đối với 2/17 mục tiêu là Chất lượng giáo dục, Tiêu thụ và sản xuất có trách nhiệm. Mặc dù quãng đường phía trước để thực hiện mục tiêu PTBV còn nhiều chông gai, nhưng việc Việt Nam đã dần vươn lên những vị trí cao hơn bảng xếp hạng đã cho thấy những nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân trong quá trình thực hiện các mục tiêu PTBV đã được cam kết.

Nỗ lực thúc đẩy và thực thi PTBV đã tác động như thế nào đến cộng đồng doanh nghiệp thời gian vừa qua, thưa ông?

PTBV đối với các DN có thể hiểu đơn giản là chiến lược quản trị DN phát triển thích ứng được với mọi hoàn cảnh, dựa trên cơ sở bảo đảm hài hòa các lợi ích về kinh tế (lợi nhuận, doanh thu) với lợi ích của người lao động và bảo vệ môi trường. Chính vì vậy, trong nhiều năm trở lại đây, nhiều DN dần chuyển dịch định hướng, chiến lược kinh doanh từ “kinh doanh vì lợi nhuận” sang kinh doanh có trách nhiệm.

Thời gian qua, nhất là khi trải qua 4 đợt dịch Covid 19, PTBV không chỉ là “kim chỉ nam” trong trạng thái ổn định mà còn đóng vai trò quan trọng dẫn dắt doanh nghiệp thích ứng và phục hồi khi đối mặt với khủng hoảng. Đặc biệt là đối với các doanh nghiệp thực hiện chiến lược PTBV nói chung, và áp dụng Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) do VCCI xây dựng nói riêng, đã cho thấy sức chống chịu tốt hơn hẳn so với mặt bằng chung. Các doanh nghiệp này có sức bền dẻo dai hơn, nên khả năng phục hồi cũng cao hơn.

Đại dịch Covid-19 theo một cách nào đó, là “cú hích” quan trọng để các doanh nghiệp thay đổi tư duy nhìn nhận về khủng hoảng, từ đó có sự chuẩn bị và đầu tư, thậm chí tập trung nhiều nguồn lực hơn cho việc thiết lập
khung quản lý rủi ro và kế hoạch hoạt động kinh doanh liên tục.

Theo ông, đâu là thách thức lớn nhất đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong thực hiện các mục tiêu PTBV thời gian tới?

Thách thức lớn nhất hiện nay đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong thực hiện các mục tiêu PTBV là
nhận thức và năng lực của toàn hệ thống (con người, cơ sở hạ tầng, tài chính và thể chế) còn thấp, làm cho những thói quen cũ trong sản xuất đời sống và quản lý chậm thay đổi. Nhận thức về PTBV của không ít cơ quan, DN và người dân còn chưa đầy đủ, thiếu thống nhất; các chính sách kinh tế – xã hội còn thiên về tăng trưởng nhanh về kinh tế và ổn định xã hội mà chưa quan tâm đúng mức đến tính bền vững khi khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, gắn với bảo vệ môi trường…

Nguồn lực tài chính để thực hiện các mục tiêu PTBV ở Việt Nam chủ yếu vẫn là nguồn lực công, trong khi đó cân đối ngân sách Nhà nước và dư địa để mở rộng quy mô động viên ngân sách Nhà nước đang đối mặt với nhiều thách thức. Việc huy động nguồn lực tư nhân, các nguồn lực trong xã hội lại hạn chế, khi mà các DN tư nhân chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ, năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động thấp, còn các DN FDI chưa tạo được sự lan tỏa về năng suất và công nghệ trình độ cao.

Bên cạnh đó, nhiều DN Việt vẫn đang sử dụng công nghệ lạc hậu, năng suất lao động thấp, sức cạnh tranh không cao, trình độ phát triển khoa học công nghệ (nhất là R&D và chuyển giao công nghệ) còn thấp. Tài nguyên thiên thiên bị suy giảm nghiêm trọng, một phần bị hủy hoại do phương thức tăng trưởng còn nặng theo chiều rộng, sử dụng năng lượng hóa thạch là nguyên liệu đầu vào, trong khi trình độ sử dụng công nghệ mới để giảm tiêu hao vật chất còn thấp.

Đáng chú ý, đại dịch Covid-19 đang tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế – xã hội toàn cầu, khiến các chuỗi cung ứng sản xuất bị ngưng trệ, nhiều lĩnh vực dịch vụ phải đóng cửa, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp PTBV tại Việt Nam.

Xin ông cho biết các chương trình hành động của VCCI đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 của Chính phủ?

Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững được ban hành theo Quyết định số 622/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó đã nêu rõ 17 mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030, bao gồm 115 mục tiêu cụ thể, tương ứng với các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu được thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc vào tháng 9/2015. Kế hoạch hành động thể hiện nỗ lực và cam kết của Chính phủ trong việc thực hiện các Mục tiêu SDGs của Việt Nam.

Mới đây, ngày 1/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh (TTX) giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 với các mục tiêu nhằm đưa Việt Nam bắt kịp, tiến cùng, vượt lên, hướng tới khát vọng thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội.

Trong xu thế chung đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hội đồng doanh nghiệp vì sự PTBV
Việt Nam (VBCSD) trong những năm qua và trong thời gian tới luôn phát huy vai trò định hướng, hỗ trợ doanh nghiệp trong thực hiện PTBV.

Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Quốc gia về PTBV và Nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như các bộ, ngành, địa phương thực hiện các sáng kiến như: Tổ chức các diễn đàn đối thoại chính sách về PTBV; thực hiện chương trình đánh giá xếp hạng doanh nghiệp bền vững dựa trên bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững CSI; huy động sự tham gia của doanh nghiệp trong việc thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh cũng như Diễn đàn cấp cao vì mục tiêu xanh toàn cầu 2030 (Diễn đàn P4G); triển khai sáng kiến về nền kinh tế tuần hoàn…

VCCI và VBCSD cũng kiến nghị, tư vấn cho Chính phủ trong thực hiện các giải pháp giải quyết các thách thức trong các mô hình đối tác công tư (PPP) nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thu hút sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp trong thực hiện các mục tiêu PTBV của Việt Nam.

VCCI và VBCSD cũng tích cực khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững, công nghệ sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường; thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo và đẩy mạnh thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, hỗ trợ nâng cao năng suất lao động trong doanh nghiệp; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực quản lý, quản trị doanh nghiệp…

Trân trọng cảm ơn ông!

THIÊN HOA (Thực hiện)

Bài Viết Liên Quan

Back to top button