Bắc Giang: Tập trung xây dựng và phát triển nguồn nhân lực bán dẫn

Ngày 16/4, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội thảo “Thực trạng, giải pháp phát triển nguồn lao động trong ngành công nghiệp bán dẫn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang”.

Hội thảo được tổ chức tại Trung tâm hội nghị tỉnh Bắc Giang và có sự tham dự của lãnh đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và đại biểu một số trường như: Đại học Bách khoa Hà Nội; Đại học FPT… và lãnh đạo Công ty TNHH Hana Micron Vina và các doanh nghiệp đối tác do Hana Micron Vina giới thiệu.

Bắc Giang: Tập trung xây dựng và phát triển nguồn nhân lực bán dẫn
Quang cảnh Hội thảo “Thực trạng, giải pháp phát triển nguồn lao động trong ngành công nghiệp bán dẫn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang” 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn cho biết, tỉnh Bắc Giang với vị thế chiến lược và tiềm năng phát triển đã và đang chứng kiến sự bùng nổ của ngành công nghiệp bán dẫn. Để phát triển ngành công nghiệp này, tỉnh xác định phải tập trung vào việc xây dựng lực lượng lao động chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu của thị trường và công nghệ; đồng thời tăng cường hợp tác giữa các tổ chức đào tạo, doanh nghiệp và các nhà nghiên cứu để xây dựng một môi trường học tập và nghiên cứu tiên tiến, phản ánh đúng xu hướng và yêu cầu của ngành công nghiệp bán dẫn.

Theo ông Mai Sơn , việc tạo điều kiện thuận lợi để thu hút và giữ chân các chuyên gia, nhà nghiên cứu có kinh nghiệm từ Trung ương và các doanh nghiệp quốc tế đóng vai trò rất quan trọng để ngành công nghiệp bán dẫn của tỉnh Bắc Giang phát triển mạnh mẽ.

Bắc Giang: Tập trung xây dựng và phát triển nguồn nhân lực bán dẫn
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn phát biểu khai mạc hội thảo thực trạng, giải pháp nguồn lao động ngành công nghiệp bán dẫn.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Xuân Ngọc, Phó Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang cho biết, tính đến nay, tại các khu công nghiệp của tỉnh Bắc Giang có 3 doanh nghiệp sản xuất chất bán dẫn với tổng số 8.074 lao động. Do ngành công nghiệp bán dẫn là ngành sản xuất mới tại tỉnh Bắc Giang nói riêng và cả nước nói chung nên nguồn lao động được đào tạo chính về chuyên ngành công nghiệp bán dẫn hạn chế, chủ yếu là lao động được đào tạo về các chuyên ngành liên quan.

Để đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động làm việc trong ngành công nghiệp sản xuất chất bán dẫn, ông Nguyễn Xuân Ngọc cho biết, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang sẽ là cầu nối cho các trường đại học, cao đẳng liên hệ, tiếp cận, liên kết với doanh nghiệp trong các khu công nghiệp và ngược lại. Bên cạnh đó xây dựng hệ thống và cung cấp các thông tin về nhu cầu thị trường, nguồn nhân lực, xu hướng phát triển của ngành nghề trong tương lai. Về phía các trường đại học, cao đẳng, ông Ngọc cho rằng cần có sự tham khảo nhu cầu thị trường và doanh nghiệp để từ đó xây dựng khung chương trình, kiến thức đào tạo, đánh giá sinh viên… phù hợp với yêu cầu của thực tiễn và yêu cầu của doanh nghiệp trong từng giai đoạn. Đối với doanh nghiệp, cần thông tin cho các trường về nhu cầu nguồn nhân lực của doanh nghiệp, cùng tham gia đào tạo thông qua đóng góp ý kiến về xây dựng, đánh giá và cải tiến chương trình đào tạo cho phù hợp với tình hình thực tế.

Ông Nguyễn Đức Cường, Trường Cao đẳng Miền núi Bắc Giang cho biết, trường đang thực hiện chức năng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ở trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp đối với ngành nghề liên quan đến ngành công nghiệp bán dẫn, như: Điện tử công nghiệp; kỹ thuật sửa chữa, lắp ráp máy tính; công nghệ thông tin (ứng dụng phần mềm); quản trị mạng máy tính; hàn; cắt gọt kim loại; công nghệ ô tô…

Để phát triển nguồn nhân lực công nghiệp bán dẫn trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, theo ông Cường, cần tập trung xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên giảng dạy đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, nâng cao về trình độ và chất lượng chuyên môn, kỹ năng.

Bên cạnh đó cần đẩy mạnh cập nhật công nghệ, bảo đảm giáo viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng mới nhất trong lĩnh vực sản xuất bán dẫn. Tiếp tục nâng cao chất lượng chương trình đào tạo, thường xuyên điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động trong ngành công nghiệp bán dẫn; chương trình đào tạo phải có sự tham gia của doanh nghiệp…

Bắc Giang: Tập trung xây dựng và phát triển nguồn nhân lực bán dẫn
Ký kết thoả thuận hợp tác tại hội thảo

Kết luận Hội thảo, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn đánh giá, những ý kiến đóng góp của các đại biểu có ý nghĩa hết sức quan trọng, làm cơ sở giúp tỉnh Bắc Giang xây dựng và triển khai các giải pháp đồng bộ, toàn diện, bảo đảm tính khả thi trong việc đào tạo, phát triển và cung ứng nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn. Đồng thời hình thành hệ sinh thái hợp tác liên kết đào tạo hiệu quả giữa nhà trường và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang nói riêng và các tỉnh lân cận nói chung. Qua đó, nâng cao chất lượng nguồn lao động của tỉnh đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới, góp phần tăng năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế và tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để thu hút đầu tư ngành công nghiệp bán dẫn trên địa bàn tỉnh.

Ông Mai Sơn đề nghị các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, căn cứ Kế hoạch số 20/KH-TU ngày 21/6/2021 của Tỉnh ủy về đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lao động của tỉnh đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới, tích cực và khẩn trương phối hợp với Sở LĐTB&XH đề xuất các nội dung liên quan để tham mưu cho tỉnh kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực ngành bán dẫn, AI giai đoạn từ nay đến năm 2030; góp phần thu hút ngày càng nhiều các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bán dẫn đến đầu tư tại tỉnh, bảo đảm mục tiêu đưa Bắc Giang trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030.

Tại hội nghị, các đại biểu đã chứng kiến ký kết thoả thuận hợp tác đào tạo giữa một số trường đại học, cao đẳng và các doanh nghiệp Hàn Quốc trong lĩnh vực bán dẫn.

Nguồn: Thế Giới Ảnh

Bài Viết Liên Quan

Back to top button