“Sập bẫy” lừa “hợp đồng giả cách” – Kỳ 7: “Ám ảnh” những công ty “ma”
“Do nhẹ dạ cả tin và thiếu hiểu biết pháp luật, hàng ngàn người dân tại huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội đã trắng tay do sập bẫy kẻ lừa đảo, những công ty “ma” trở thành nỗi ám ảnh với người dân địa bàn…”.
Đây là chia sẻ của luật sư Tạ Anh Tuấn – Trưởng Văn phòng Luật sư Bách Gia Luật và Liên danh với Diễn đàn Doanh nghiệp xung quanh câu chuyện bẫy lừa “hợp đồng giả tạo” đã khiến hàng loạt nạn nhân là những người dân trên địa bàn huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội) phải rơi vào tình cảnh “màn trời chiếu đất”, hơn 10 năm qua sống thấp thỏm với nỗi lo không còn chốn để về.
Cũng theo luật sư Tạ Anh Tuấn, “bẫy lừa” này không chỉ xảy ra trên địa bàn huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội mà thực tế đã xuất hiện tại nhiều địa phương trên cả nước, thậm chí “bẫy lừa” này đã trở thành một vấn nạn. Thực tế đã có hàng ngàn doanh nghiệp được thành lập ra chỉ để làm “vỏ bọc” cho các đối tượng lừa đảo. Nhiều nạn nhân chia sẻ lý do “sập bẫy” là do quá tin tưởng từ người thân, bạn bè giới thiệu nên sẵn sàng cho các đối tượng mượn giấy tờ nhà đất để thế chấp vay ngân hàng mà không cần suy nghĩ.
Đáng chú ý, để khiến các nạn nhân tuyệt đối tin tưởng khi mượn giấy tờ nhà đất, những doanh nghiệp này đều đưa ra những lời cam kết sẽ trả nợ vay ngân hàng đầy đủ, đúng thời hạn và sẽ giải chấp nhà đất để trả lại giấy tờ cho gia đình bất kể lúc nào cần thiết…
Thế nhưng, sau khi vay được tiền của ngân hàng rồi thì doanh nghiệp đã bỏ mặc, không quan tâm đến việc trả nợ cho ngân hàng, có chăng họ chỉ trả được một vài tháng tiền lãi, sau đó thì dừng hẳn, một thời gian sau thì thông báo tạm ngừng kinh doanh hoặc có những vi phạm khác làm cho cơ quan đăng ký kinh doanh rút giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cơ quan thuế khóa mã số thuế. Sở dĩ những doanh nghiệp dạng này không trả được nợ cho ngân hàng là vì doanh nghiệp không có hoạt động kinh doanh gì; các doanh nghiệp này được lập ra chỉ để làm “vỏ bọc” cho các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tiền của ngân hàng.
Vụ việc Công ty CP Thép Hồng Trang tại huyện Sóc Sơn đem hồ sơ nhà đất của hàng chục hộ dân thế chấp vay ngân hàng 60 tỷ đồng rồi “bỏ nợ” là một ví dụ điển hình. Trong vụ án này, tại thời điểm vay tiền, Công ty CP Thép Hồng Trang thành lập được khoảng 6 tháng, hoạt động kinh doanh chưa mang lại lợi nhuận và cũng không phải là doanh nghiệp có khả năng tài chính tốt.
Theo tìm hiểu, Công ty CP Thép Hồng Trang có địa chỉ tại số nhà 73, 74, khu 3, quốc lộ 2, Xã Phú Minh, Huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội, người đại diện pháp luật là ông Trần Quang Thuận. Hiện công ty này đang trong tình trạng “không hoạt động tại địa chỉ đăng ký”. Theo thông tin từ các nạn nhân cung cấp cho biết, đối tượng Trần Quang Thuận và Công ty CP Thép Hồng Trang cũng là cái tên “quen thuộc” tại Tòa án nhân dân huyện Sóc Sơn với hàng chục vụ án khác trong những năm qua.
Trong một vụ án tương tự mà Tòa án nhân dân huyện Thạch Thất vừa xét xử, Gia đình ông Nguyễn Văn Thực (SN 1968) và bà Quách Thị Mai (SN 1969) cùng trú tại xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội cũng đã mất trắng tài sản khi ký vào hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất để bảo lãnh khoản vay cho Khuất Duy Lộc (SN 1990, thường trú ở xã Lại Thượng, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội) tại một Ngân hàng Cổ phần có chi nhánh ở tỉnh Lạng Sơn. Đáng nói, doanh nghiệp mà đối tượng Khuất Duy Lộc đứng tên vay vốn chỉ mới thành lập được 2 ngày.
Cụ thể, hộ kinh doanh Khuất Duy Lộc được phòng Tài chính – Kế hoạch huyện Gia Lâm (TP Hà Nội) cấp đăng ký lần đầu ngày 1/11/2012, đến ngày 3/11/2012, Khuất Duy Lộc đi vay vốn.
Ở trong một vụ án khác mà Diễn đàn Doanh nghiệp đã liên tục thông tin trong thời gian qua, đó là trường hợp gia đình bà Trần Thị Hiền tại thôn Song Mai Đông, xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội. Theo đó, toàn bộ giấy tờ nhà đất của gia đình bà Hiền đã bị Công ty TNHH dịch vụ và Đầu tư Hùng Việt (có địa chỉ đăng ký tại số 44 đường Phan Kế Bính, Phường Cống Vị, Quận Ba Đình, TP Hà Nội), đem thế chấp tại một ngân hàng có chi nhánh ở huyện Đông Anh.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty TNHH dịch vụ và Đầu tư Hùng Việt có địa chỉ đăng ký tại số 44 đường Phan Kế Bính, Phường Cống Vị, Quận Ba Đình, TP Hà Nội, người đại diện là ông Nguyễn Ngọc Long, ông Nguyễn Ngọc Long còn là đại diện pháp luật của Công ty TNHH Đầu tư Công nghệ Nhân Việt, có địa chỉ đăng ký tại Số 177 Phúc Tân, Phường Phúc Tân, Quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội và Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Nhân Việt, có địa chỉ đăng ký tại số 1/178 đường Giải Phóng, Phường Phương Liệt, Quận Thanh Xuân, Hà Nội. Đáng chú ý, cả 3 Công ty này hiện nay đều trong tình trạng “không hoạt động tại địa chỉ đăng ký” và “ngừng hoạt động”.
Trở lại thông tin về các vụ án lừa đảo bằng “hợp đồng giả tạo” đã xảy ra trong nhiều năm qua, luật sư Tạ Anh Tuấn cho biết, việc điều tra, xét xử các vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa ngân hàng (bên cho vay) – doanh nghiệp (bên vay) – người liên quan (bên thế chấp) của nhiều tòa án trong hệ thống tòa án nhân dân chưa được khách quan, toàn diện và công bằng, bởi phần lớn các đối tượng lập ra các doanh nghiệp lừa đảo nói trên vẫn “bình an vô sự”.
“Nếu không có biện pháp xử lý hữu hiệu và ngăn chặn được thì sẽ còn có thêm hàng trăm, hàng ngàn người dân bị lừa mất nhà, sẽ có nhiều ngân hàng bị lừa đảo mất tiền, làm cho nợ xấu ngân hàng không ngừng gia tăng, đe dọa đến sự an toàn của cả hệ thống tín dụng, sự ổn định và phát triển của nền kinh tế”, luật sư Tạ Anh Tuấn nói.
Còn nữa…