Phụ huynh Hà Nội ‘nóng ruột’ khi thấy trẻ TP.HCM tới trường

Trong khi học sinh mầm non, tiểu học ở TP.HCM đã trở lại trường, Hà Nội vẫn chưa chốt phương án cho hai nhóm này ở quận nội thành.

6h sáng 14/2, bé Mai (7 tuổi, TP.HCM) bật dậy ra khỏi giường mà không cần tiếng chuông báo thức như mọi ngày. Nhanh như sóc, cô bé đánh răng rửa mặt, thay bộ đồng phục được mẹ ủi phẳng tối hôm trước, nhanh nhảu ra ăn bữa sáng.

Trên đường đi, bé tíu tít nói chuyện với mẹ, chốc chốc lại thủ thỉ “lâu lắm rồi con không được đến trường, không biết dạo này bạn Quang, bạn Bình thế nào nhỉ”. Niềm vui của Mai lây sang cả mẹ của bé là chị Đào Linh.

Con vui như ngày đầu đi khai giảng. Đường phố TP.HCM trở lại cảnh nhộn nhịp như trước kia, còn tôi không phải vất vả gọi con dậy, coi chừng con học hàng ngày“, người mẹ trẻ cười.

14/2 là ngày đầu tiên bé Mai cùng cả triệu học sinh mầm non, tiểu học của TP.HCM trở lại trường sau 10 tháng học online. Chị Linh nói vui đây là ngày “giải phóng phụ huynh”.

Trẻ đi học, người lớn yên tâm đi làm

Trong suốt 10 tháng con học online, chị Linh luôn trăn trở vì bé khó tập trung trong thời gian dài trước màn hình máy tính. Con rất khó tiếp thu được hết bài giảng do mạng ở nhà thi thoảng chập chờn. Việc ngồi nhà quá lâu cũng khiến bé Mai chán nản do không được gặp gỡ bạn bè, thầy cô.

Về phần mình, chị cho rằng bản thân may mắn vì được cơ quan tạo điều kiện làm việc tại nhà, có thể tiện chăm sóc và giúp con học. Tuy nhiên, việc này kéo dài khiến chị mệt mỏi.

Gia đình mình còn may mắn hơn nhiều người là có bà phụ giúp nấu nướng, chứ nếu chỉ có mấy mẹ con thì khó để xoay xở“, chị Linh bày tỏ.

Ngày bé Mai trở lại trường, người mẹ trẻ “như trút được gánh nặng”. Nhà trường lên phương án ứng phó trường hợp trong lớp có bạn là F0 nên chị Linh không quá lo lắng.

Phụ huynh Hà Nội 'nóng ruột' khi thấy trẻ TP.HCM tới trường
Học sinh lớp 1 trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (quận 1, TP.HCM) học trực tiếp tại trường từ ngày 14/2. Ảnh: Phương Lâm.

Tương tự, chị Ngọc Anh (quận 3, TP.HCM) chia sẻ về sự vui sướng của con mình. Là học sinh lớp 1, đây là lần đầu tiên bé được gặp gỡ bạn bè và giáo viên trực tiếp, thay vì “cửa sổ màn hình” bé tý.

Khi con trở lại trường, chị đồng thời có thêm thời gian riêng. Đưa con đến trường xong, Ngọc Anh có thể thong thả ăn sáng, sau đó đến cơ quan làm việc…

Trong thời gian con học online, tôi phải thường xuyên theo dõi camera ở nhà xem cháu học có tập trung không, rồi gọi điện về cho người ở nhà nhắc nhở cháu. Rất mệt mỏi“, chị Ngọc Anh nói.

Suốt 5 tháng bé học online tại nhà, người mẹ 32 tuổi cho biết việc học của bé do chị kèm cặp, sắp xếp do bé mới vào lớp 1, khả năng tập trung còn kém. Đồng thời, việc giáo viên dạy tập đọc, luyện chữ khi học online không hiệu quả, con tiếp thu được rất ít bài giảng trên lớp.

Con được đi học thì không chỉ con vui, mà mẹ cũng vui“, Ngọc Anh chia sẻ.

Phụ huynh Hà Nội vẫn thấp thỏm

Trái ngược với niềm vui của phụ huynh ở TP.HCM, anh Nguyễn Lâm (39 tuổi, trú tại Ba Đình, Hà Nội) cho biết vẫn cùng vợ vật lộn trong việc lên kế hoạch cho con học online hàng ngày. Nhà anh có hai bé học lớp 4 và lớp 6, đều chưa được đến trường trong suốt 10 tháng qua.

Hàng ngày, anh và vợ phải phân chia thời gian, công việc để trông coi các con. Anh đã thử nhiều cách như nhờ ông bà ở quê lên trông cháu, thuê người giúp việc để vừa nấu ăn, vừa có người để mắt đến con… nhưng đều có vấn đề.

Gần Tết, do công việc của hai vợ chồng quá bận, anh phải gửi con về quê để ông bà trông giúp.

Sau Tết, nhận thấy việc nhờ ông bà hoặc thuê người giúp việc không phải là cách lâu dài, vợ chồng tôi buộc phải để hai cháu tự học online ở nhà và bố mẹ giám sát từ xa qua camera. Hai cháu đều ngoan và đã biết tự nấu cơm, nên chúng tôi đi làm cũng yên tâm hơn“, anh Lâm nói.

Dù vậy, anh cho rằng việc học online của hai con khiến phụ huynh không thể yên tâm làm việc. Để các con ở nhà một mình chỉ là giải pháp bất đắc dĩ, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Trong khi đó, bố mẹ cần phải đi làm, không thể lúc nào cũng thấp thỏm ngồi nhìn camera giám sát con.

Tương tự nhiều phụ huynh khác, anh Lâm từng ngày chờ đợi quyết định của Hà Nội về việc cho trẻ từ lớp 1 đến lớp 6 ở các quận nội thành tới trường.

Chỉ có như vậy, phụ huynh mới có thể yên tâm đi làm, các con cũng sẽ vui hơn khi được đến trường gặp thầy cô, bạn bè”, anh Lâm nói.

Phụ huynh Hà Nội 'nóng ruột' khi thấy trẻ TP.HCM tới trường
Nhiều phụ huynh Hà Nội mệt mỏi khi vừa phải làm việc, vừa phải trông con do trẻ mầm non và trẻ từ lớp 1 đến lớp 6 ở nội thành chưa thể đến trường. Ảnh: Duy Hiệu.

Trao đổi với Zing, PGS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), nhận định lộ trình mở cửa trường học của Hà Nội đang quá thận trọng. Trong khi đó, việc cho học sinh trở lại trường học là vấn đề cần thiết do thời gian học online của các cháu đã kéo dài quá lâu, có thể ảnh hưởng đến tâm lý và quyền được học tập của trẻ.

Do độ phủ vaccine cao, đồng thời trẻ nhiễm bệnh cũng ít triệu chứng, chỉ như cảm cúm thông thường, Hà Nội có thể yên tâm cho trẻ trở lại trường học, kể cả trẻ mầm non. Quá trình đến lớp, các em chỉ cần đảm bảo 5K, sát khuẩn, xét nghiệm nhanh khi có triệu chứng hoặc yếu tố dịch tễ, không cần xét nghiệm thường xuyên và đại trà.

Nếu trong lớp có một học sinh là F0, chỉ cần bạn đó về nhà cách ly, điều trị. Những em khác trong lớp xét nghiệm, nếu âm tính thì đi học bình thường.

Nhà trường nên làm công tác tư tưởng để phụ huynh không quá lo lắng nếu trong lớp con em mình có bạn nhiễm bệnh. Việc này giờ là bình thường“, ông Nga phân tích.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa nhiễm – Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, khẳng định với diễn biến dịch hiện nay, các tỉnh, thành phố hoàn toàn có thể yên tâm cho trẻ em đi học trực tiếp. Đi học không nhất thiết phải gắn với việc tiêm đủ cho trẻ 5-12 tuổi.

Nếu có ca F0 trong trường học, bác sĩ Khanh cho rằng chỉ cần cách ly ca đó và người liên quan trực tiếp ở phạm vi nhỏ nhất. “Vì bối cảnh bây giờ đã khác trước nhiều nên không cần làm rối lên mỗi khi có ca nhiễm nữa”, ông Khanh lưu ý.

Nguồn: Zingnews.vn

Bài Viết Liên Quan

Back to top button