Chuyển động mới tại SGN

Công ty CP Phục vụ mặt đất Sài Gòn (HoSE: SGN) vừa có thêm cổ đông mới là Công ty CP Kinh doanh Địa ốc Him Lam (Him Lam Land).

Việc Him Lam Land trở thành cổ đông mới của SGN sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp này trong các giao dịch mua- bán dịch vụ.

Chuyển động mới tại SGN

Cơ cấu cổ đông của SGN tại ngày 1/6/2023. Đvt: %

Hội tụ các cổ đông lớn

Theo cơ cấu cổ đông của SGN, Công ty có đến 82,4% cổ phần thuộc cổ đông lớn; 17,55% thuộc cổ đông nhỏ và 0,15% cổ phiếu quỹ.

Sự có mặt của Him Lam Land không làm thay đổi các tỷ lệ trong cơ cấu cổ đông do tỷ lệ cổ phần mà Him Lam Land sở hữu (7,6%) đúng tỷ lệ sở hữu mà CTCP Đầu tư Khai thác Cảng (IMP Corp) vừa thực hiện thoái vốn tại SGN.

Các cổ đông lớn của SGN theo thứ tự tỷ lệ sở hữu từ cao đến thấp gồm có ACV (48,03%), Vietjet Air (9,11%), SSI (7,61%) và Him Lam Land (7,6%). Có thể thấy trong cơ cấu này, ngoại trừ SSI là công ty chứng khoán, cả 3 cổ đông lớn còn lại đều là doanh nghiệp trong ngành hàng không (trực tiếp hoặc gián tiếp), trong đó nếu như ACV và Vietjet Air được xem là doanh nghiệp kỳ cựu trong ngành, thì Him Land Land là “tay chơi mới” được cho là đang lộ diện sở hữu và tham gia tái cấu trúc hãng hàng không Bamboo Airways.

Việc Him Lam tham gia vào SGN được cho là khá dễ hiểu. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho SGN trong các giao dịch mua- bán dịch vụ. Chưa kể, đây cũng có thể khoản đầu tư tài chính hứa hẹn tỷ suất sinh lời dài hạn (tuy Him Lam Land có lẽ không hướng đến mục tiêu này).

7,6% là tỷ lệ sở hữu của Him Lam Land tại Công ty Cổ phần Phục vụ mặt đất Sài Gòn từ ngày 1/6/2023.

Đường bay xa cần mặt đất vững

Tại cuối năm 2022, SGN thống kê giao dịch người và công ty có liên quan thành viên HĐQT đến từ nhóm ACV, đã chi cổ tức 2021 hơn 40 tỷ đồng, mua dịch vụ hơn 104 tỷ đồng, bán dịch vụ 14,3 tỷ đồng. Ngoài ra, giao dịch mua dịch vụ giữa ACV với CTCP Phục vụ mặt đất Sài Gòn – Cam Ranh (SGN nắm 51% cổ phần tại doanh nghiệp này) cũng ghi nhận 8,5 tỷ đồng…

Có thể thấy các dịch vụ phục vụ trọn gói cho các hãng hàng không đều là những công đoạn mà bất kỳ hãng bay nào cũng phải cần để đảm bảo hoàn thiện chuỗi cung ứng vận tải.

Với một thị trường vận chuyển nội địa được kỳ vọng sẽ sớm lấy lại tốc độ tăng trưởng trung bình 15% sau đại dịch COVID-19, theo dự báo của Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA), thì chỉ tính riêng mục tiêu đáp ứng nhu cầu bay và vận chuyển hàng nội, các hãng hàng không đã có lý do để đầu tư, sao cho có thể chủ động nhất từ dịch vụ mặt đất trước khi “lên trời”. Do đó, việc “cắm rễ” tại các công ty phục vụ mặt đất được xem là cách thức tốt nhất để chủ động mắt xích này.

Trong năm 2023, theo đánh giá của SGN, hoạt động của doanh nghiệp phục vụ mặt đất hàng không sẽ có những khó khăn nhất định. Cụ thể, sức mua toàn cầu giảm và các hãng sẽ khó khai thác mạnh tần suất bay, SGN cũng khó tăng trưởng slot do hạ tầng quá tải, tổng sản lượng phục vụ quốc tế bị ảnh hưởng… Tuy nhiên, SGN vẫn đặt đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 1.280 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 205 tỷ đồng, lần lượt tăng hơn 35% và 46% so với thực hiện năm 2022.

Với tiến độ và kết quả ghi nhận, khả năng đạt kế hoạch ĐHCĐ giao của SGN có thể không là vấn đề. Song, SGN vẫn sẽ gặp khó khăn nhất với việc thu hồi công nợ, đây sẽ là câu chuyện không chỉ riêng 2023. Bởi lẽ, các khoản phải thu ngắn hạn của SGN hiện đều đến từ hãng bay (có cổ đông), trong đó, Bamboo Airways dẫn đầu hơn 40 tỷ đồng, theo sau là Vietravel Airlines với 20 tỷ đồng…

Bài Viết Liên Quan

Back to top button