25/4: Tiếp tục đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng phiên thứ hai

Theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục phiên đấu thầu vàng miếng thứ hai sau khi nghỉ một ngày kể từ phiên đấu thầu lần thứ nhất (23/4) trong năm 2024.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước nêu, nhằm tiếp tục thực hiện quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về triển khai ngay các giải pháp bình ổn thị trường vàng để xử lý tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tổ chức phiên đấu thầu bán vàng miếng SJC vào ngày 25/04/2024 (Thứ Năm).

25/4: Tiếp tục đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng phiên thứ hai
NHNN tiếp tục có phiên đấu thầu vàng miếng thứ hai trong năm nay. Ảnh minh họa
Tổng khối lượng vàng miếng dự kiến đấu thầu tiếp tục là 16.800 lượng. Tỷ lệ đặt cọc là 10%.

Khối lượng đấu thầu tối thiểu của một thành viên là 1.400 lượng, khối lượng đấu thầu tối đa của một thành viên là 2.000 lượng.

Nhà điều hành không thông báo giá tham chiếu để nhận đặt cọc như ở phiên thứ nhất. Các thể thức khác như ở phiên một, đơn cử “Mỗi thành viên dự thầu chỉ được đăng ký một mức giá tối thiểu bằng hoặc cao hơn giá sàn do NHNN công bố”, hay “trong trường hợp không mua được kim loại quý từ thị trường quốc tế do đối tác không đủ cung, kết quả sẽ bị hủy”, cũng không được nêu chi tiết với báo chí trong thông báo này.

Động thái tổ chức phiên đấu thầu lần thứ hai của Ngân hàng Nhà nước, sau phiên thứ nhất có kết quả 2 doanh nghiệp trúng thầu với 3.200 lượng vàng miếng và còn “ế” 13.400 lượng vàng miếng của cơ quan quản lý, được giới chuyên môn cho là “nhịp nghỉ” cần thiết để thăm dò thị trường.

Bất chấp có nhiều quan điểm cho rằng trong phiên thứ nhất, với giá thị trường đang giao dịch mua bán trong 80,0-82,5 triệu đồng/ lượng, nhà điều hành đã tổ phiên đấu với giá khởi điểm chào thầu 81,230 triệu đồng/ lượng là cao; cùng với đó, giá trúng thầu cũng cao với trúng cao nhất 81,330 triệu đồng/ lượng – giá trúng thầu thấp nhất 81,320 triệu đồng/ lượng cũng cao và các doanh nghiệp khó có lãi, thậm chí có rủi ro…; một chuyên gia cho rằng, đã đấu thầu sẽ có cao và thấp bù trừ. Chẳng hạn, ông này chỉ ra, ngay sau phiên đấu thầu thứ nhất, giá vàng trong nước có biến động lên và xuống, và khép phiên ở mức thấp khiến nhiều người “lo doanh nghiệp lỗ”, song chỉ qua hôm sau (tức 24/4), biến động thị trường đã khiến giá vàng khác đi.

Tại chiều 24/4, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 82,5 – 84,5 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra), tăng 1,5 triệu đồng/lượng so với chốt phiên 23/4.

Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 82 – 84 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra); tăng 2 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 1,5 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên liền trước.

Như vậy, cả giá mua và bán trong giao dịch thị trường chiều 24/4 đều đã có biên độ rộng so với giá tham chiếu và giá trúng thầu xét ở mức thấp nhất của phiên đấu thầu đầu tiên. “Theo đó, khó có thể đưa ra kết luận ngay sau một phiên đấu giá là doanh nghiệp lời hay lỗ chỉ dựa trên giá trúng thầu và giá thị trường cùng ngày hôm đó”, chuyên gia nhấn mạnh.

Dù vậy, vị chuyên gia cũng thừa nhận mục tiêu đấu thầu để các nhà kinh doanh hấp thụ hết  và tái phân phối ra thị trường 16.800 lượng vàng miếng của NHNN là khá khó khăn, do vàng miếng đang ở vùng giá cao, khối lượng lớn khiến yếu tố “chôn vốn” trong khi biên lợi nhuận kỳ vọng có thể mỏng và rủi ro cao, sẽ là vấn đề mà các TCTD và doanh nghiệp tham gia đấu thầu phải cân nhắc. Đáng chú ý là từ phía các TCTD, lãi suất OMO đã được đẩy lên khá cao khiến họ càng phải tính toán về vấn đề cân đối và sử dụng nguồn vốn sao cho tối ưu nhất.

Cùng quan điểm, TS. Đinh Thế Hiển, Chuyên gia kinh tế cho rằng, đấu thầu vàng miếng chỉ nên được xem là giải pháp can thiệp để xử lí tình thế trong ngắn của nhà điều hành. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, đây không phải là giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng chênh lệch giá vàng bất hợp lý.

Theo ông Hiển, chìa khóa xử lý vấn đề chênh lệch vàng vẫn phải là cân đối cung cầu, làm sao để người dân không còn động lực “chạy theo” nhu cầu tích trữ vàng. Trong đó, vấn đề giải quyết chênh lệch cung cầu phù hợp và trực tiếp, kích thích nguồn lực tư nhân, vẫn là nên tính toán để cho các tổ chức – một số tổ chức – được nhập khẩu vàng để thị trường được liên thông. Cùng với đó, để người dân không chạy theo vàng, điều quan trọng nhất là phải giữ được giá trị của đồng nội tệ. Tức là không thể xảy ra nguy cơ lạm phát cao, bong bóng tài sản đầu cơ, Chính phủ làm tốt nhiệm vụ đảm bảo giá trị tiền Đồng.

Nguồn: diendandoanhnghiep.vn

Bài Viết Liên Quan

Back to top button