Có “nhóm lợi ích” trong những “cuộc chiến” chung cư?

Chung cư gia tăng nhanh ở các đô thị luôn kèm theo không ít tranh chấp. Bên cạnh những cuộc tranh đấu vì lợi ích chính đáng cũng có những cuộc tranh chấp ẩn hiện bóng dáng của một “nhóm lợi ích”…

Có “nhóm lợi ích” trong những “cuộc chiến” chung cư?
Chung cư B6 Giảng Võ (Hà Nội). Ảnh: N.G

Thời gian qua, việc nhiều khu chung cư phát sinh tranh chấp, khiếu kiện giữa người dân, doanh nghiệp với Ban quản lý, Ban quản trị chung cư vẫn là một vấn đề nhức nhối. Mới đây, một doanh nghiệp sở hữu bất động sản hợp pháp tại chung cư B6 Giảng Võ (Hà Nội) phải cầu cứu cơ quan chức năng vì liên tục bị Ban quản trị chung cư này “o ép” đến mức thiệt hại nặng nề lại tiếp tục dậy sóng dư luận.

Theo chia sẻ từ doanh nghiệp này, từ khi triển khai hoạt động kinh doanh tại đây đã gặp phải hàng loạt sự cản trở bất hợp pháp từ phía Ban quản trị tòa nhà, khiến hoạt động kinh doanh hoàn toàn bị ngưng trệ. Thậm chí, các hạng mục doanh nghiệp  và đối tác  đã đầu tư cũng hoàn toàn bị “phá bỏ” lãng phí, để lại thiệt hại về kinh tế vô cùng nghiêm trọng.

Đáng chú ý, trao đổi về những hành vi “bất thường” của Ban quản trị toà chung cư này, đại diện Chủ đầu tư dự án cho biết, đến đơn vị là chủ đầu tư cũng đang “khổ sở” vì bị Ban quản trị này “hành”. Theo đó, nhiều năm qua, dù chủ đầu tư đã gửi đến 11 văn bản đề nghị làm việc để hoàn tất thủ tục bàn giao các hạng mục thiết bị của tòa nhà, tuy nhiên luôn bị Ban quản trị từ chối với nhiều lý do.

Trao đổi thông tin về hoạt động của Ban quản trị chung cư B6 phường Giảng Võ, đại diện chính quyền phường Giảng Võ cũng thẳng thắn cho biết, Ban quản trị tại đây hoạt động yếu kém, mất đoàn kết, không minh bạch. Thậm chí thường xuyên không phối hợp với chính quyền địa phương.

Đáng nói, những cuộc tranh chấp tương tự như B6 Giảng Võ cũng đã và đang diễn ra phổ biến tại nhiều nơi. Vậy, vì sao những Ban quản trị này lại bất chấp pháp luật để “làm càn”? Vì sao  “cuộc chiến” tại các chung cư vẫn dai dẳng tại nhiều nơi? Trả lời cho câu hỏi này, nhiều ý kiến hoài nghi rằng, dường như phía sau đó có bóng dáng của một nhóm lợi ích(?!)

Cần phải nói, theo quy định, phí bảo trì nhà chung cư bằng 2% giá bán diện tích do các chủ sở hữu chung cư đóng vào thời điểm trả tiền mua nhà. Quỹ bảo trì này là tài sản chung của tất cả những chủ sở hữu trong nhà chung cư. Với chung cư nhiều căn hộ, số tiền bảo trì có thể lên tới cả trăm tỷ đồng.

Theo quy định, các thành viên Ban quản trị chung cư quản lý và được sử dụng quỹ bảo trì này. Tuy nhiên, cũng từ đây không ít tiêu cực đã xảy ra.

Mới đây, Công an quận Bình Thạnh (TPHCM) đã khởi tố bị can với một người nguyên là Trưởng ban quản trị chung cư Miếu Nổi về tội danh tham ô tài sản tiếp tục như một hồi chuông báo động về tình trạng nhức nhối trong việc quản lý nhà chung cư.  Và sự việc một lần nữa cho thấy sự phức tạp của vấn đề.

Còn nhớ, hồi tháng 6/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM đã vào cuộc điều tra, xác minh đơn của chủ đầu tư tố cáo Ban quản trị chung cư chiếm đoạt tới 46 tỷ đồng quỹ bảo trì tòa nhà; chiếm giữ trái phép 37,9 tỷ đồng tiền khai thác tầng hầm chung cư.

Vụ việc cho thấy số tiền các Ban quản trị chung cư nắm giữ là rất lớn. Cũng chính vì nắm giữ khối tiền lớn, việc giám sát thu chi lại lỏng lẻo nên không ít người trong Ban quản trị đã sinh lòng tham, xà xẻo, chiếm đoạt… Trong khi một số người ngại trách nhiệm, phiền phức nên không muốn tham gia Ban quản trị thì không ít người đã coi việc có chân trong Ban quản trị chung cư như một thứ quyền lực, một “nghề” kiếm sống.

Có “nhóm lợi ích” trong những “cuộc chiến” chung cư?
Doanh nghiệp sở hữu bất động sản tại chung cư B6 Giảng Võ bị thiệt hại nặng nề bởi sự cản trở trái pháp luật của Ban quản trị. Ảnh: N.G

Nhiều chuyên gia pháp lý cho biết, tại nhiều dự án chung cư đã đi vào sử dụng, bên cạnh những cư dân đấu tranh cho quyền lợi chính đáng thì cũng không ít một số nhóm cư dân vì động cơ nào đấy chuyên đứng sau “giật dây” đẩy mâu thuẫn chung cư lên cao trào. Họ nhắm vào một số lỗi của chủ đầu tư, nhiều mâu thuẫn giữa cư dân và chủ đầu tư bị đẩy lên cao trào vì những lý do như “chất lượng dịch vụ chưa xứng với phí quản lý” “phí giữ xe dù đúng quy định nhà nước nhưng cao hơn các chung cư cùng khu vực”…..

Không chỉ những dự án chung cư đã đi vào hoạt động, hiện ở một số dự án sắp bàn giao, cũng đã nảy sinh tình trạng căng thẳng giữa cư dân và chủ đầu tư, từ chung cư bình dân cho đến cao cấp. Một chủ đầu tư đã đưa vào vận hành nhiều dự án tại Hà Nội và TP HCM cho biết, có những người tự nhận là ban đại diện cư dân nhưng thực tế chỉ là một nhóm nhỏ muốn thâu tóm lợi ích về mình.

Nhận định về tình trạng lợi ích nhóm trong cuộc chiến chung cư hiện nay, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nhận định, có xuất hiện dấu hiệu nhóm lợi ích khi cố tình tạo nên sự lộn xộn ở các chung cư.

Thậm chí, tại một số dự án, có đối tượng móc nối với thành phần xã hội đen, khống chế cộng đồng dân cư ở đó để được bầu vào Ban quản trị, nhằm thao túng và trục lợi các quỹ. Trong số đó, số tiền lớn nhất được những nhóm lợi ích này “ngắm” đến đều tập trung vào quỹ bảo trì ở mỗi chung cư lên tới hàng chục tỷ đồng.

Thiết nghĩ, mâu thuẫn, tranh chấp liên miên tại nhiều chung cư thời gian qua đã trở thành vấn đề phức tạp trong xã hội, làm ảnh hưởng tới an ninh trật tự tại nhiều địa phương. Tuy nhiên, đến nay vấn đề này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm do nhiều kẽ hở pháp lý. Chính vì vậy, trong khi chờ các cơ quan chức năng vào cuộc thì ngay chính người dân sống tại các khu chung cư cũng phải hết sức tỉnh táo để tránh bị cuốn vào vòng xoáy tranh đấu chỉ để phục vụ cho nhóm lợi ích!

Đặc biệt, với chính quyền địa phương, khi có tranh chấp, khiếu kiện tại khu chung cư thì cần khẩn trương vào cuộc, không thể coi đó là chuyện nội bộ của chung cư, càng không thể để mâu thuẫn tích tụ kéo dài. Chống tiêu cực, ngăn chặn “nhóm lợi ích” từ Ban quản trị chung cư (nếu có) là cần thiết để bảo vệ quyền lợi người dân; đặc biệt trong bối cảnh chung cư ngày càng phát triển.

Nguồn: diendandoanhnghiep.vn

Bài Viết Liên Quan

Back to top button