Xây dựng văn hóa doanh nghiệp thời đại công nghiệp 4.0
Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình đã tích cực tham gia cải thiện môi trường kinh doanh, tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, xây dựng nét đẹp văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân.
Đồng hành…
Theo ông Đỗ Văn Vẻ – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình, với sứ mệnh tập hợp, đoàn kết và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho doanh nghiệp, những năm qua, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh luôn sát cánh đồng hành với hội viên và cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thi đua đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh tham gia góp ý xây dựng thể chế, chính sách của Nhà nước về lĩnh vực đầu tư,
Hiệp hội còn tích cực tuyên truyền, phổ biến, tư vấn pháp luật cho hơn 2.000 lượt cán bộ quản lý doanh nghiệp nắm vững kiến thức về các hiệp định thương mại FTA mới có hiệu lực và các chính sách mới về thuế, đất đai…, giúp doanh nghiệp vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội để mở rộng đầu tư, sản xuất và gia tăng xuất khẩu, hội nhập kinh tế quốc tế thành công.
Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cũng phối hợp với các cơ quan, đơn vị của trung ương, của tỉnh tổ chức nhiều lớp tập huấn nâng cao trình độ quản lý, quản trị doanh nghiệp và xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo kết nối cùng phát triển cho cộng đồng doanh nghiệp, nhất là khơi dậy tinh thần khởi nghiệp cho đội ngũ doanh nhân trẻ, thanh niên có khát vọng làm giàu.
Thời gian qua, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã thực hiện tốt chức năng hỗ trợ, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Thông qua các cuộc kiểm tra, tiếp xúc, động viên, Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, kịp thời phản ánh, kiến nghị và đề xuất nhiều giải pháp giúp UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương giải quyết, tháo gỡ. Bình quân mỗi năm Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh có hơn 50 kiến nghị gửi các cấp, các ngành xem xét giải quyết những tồn tại, bất cập trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp.
Nhằm góp phần tạo ra môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, những năm qua, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh triển khai nhiều chương trình, hoạt động thiết thực. Tiêu biểu phải kể đến việc Hiệp hội đã ký quy chế phối hợp với 6 cơ quan, đơn vị: Đảng ủy Khối doanh nghiệp, Cục Thuế, Chi cục Hải quan, Trường Đại học Thái Bình, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thái Bình. Đồng thời, thành lập Trung tâm tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp giúp doanh nhân, doanh nghiệp nâng cao kiến thức pháp luật, nắm vững thủ tục hành chính, cơ chế, chính sách thu hút đầu tư của tỉnh và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tổ chức các đoàn nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm công tác Hội và kỹ năng quản trị doanh nghiệp, tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường tại các tỉnh, thành phố như Quảng Ninh, Phú Thọ, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hà Nội, Khánh Hòa, Bắc Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Ninh Bình.
Một trong những hoạt động được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao là Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh chủ trì xây dựng, triển khai thực hiện Bộ chỉ số DDCI của tỉnh. Kết quả của Bộ chỉ số DDCI là tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp góp phần tích cực vào công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh đồng nghĩa với tạo ra môi trường ngày càng tốt hơn cho doanh nghiệp đầu tư phát triển.
Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 10.000 doanh nghiệp và chi nhánh văn phòng đại diện đăng ký hoạt động. Sự phát triển không ngừng về số lượng và chất lượng doanh nghiệp đã đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh những năm qua. Năm 2022 mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh vẫn cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước. Riêng cộng đồng doanh nghiệp Thái Bình đã nộp ngân sách nhà nước năm 2022 nộp gần 10 nghìn tỷ đồng.
Xây dựng bản sắc văn hóa doanh nghiệp
Mới đây, Hội nghị chuyên đề “xây dựng văn hóa doanh nghiệp thời đại công nghiệp 4.0” do Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tổ chức. Hội nghị này có hơn 200 doanh nhân đại diện các hội thành viên và doanh nghiệp tiêu biểu của tỉnh tham dự hội nghị.
Tiến sĩ Lê Doãn Hợp – nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam đã chia sẻ các nội dung cơ bản chủ trương, chính sách, chiến lược của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế số; những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với sự phát triển của doanh nghiệp; thực trạng công tác chuyển đổi số trong các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp hiện nay…
Đặc biệt, các doanh nhân, doanh nghiệp được tiếp cận hệ thống kiến thức nền tảng về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, về văn hóa doanh nghiệp và những vấn đề ứng dụng số hóa để xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay.
Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh mong muốn, những kiến thức quan trọng này sẽ giúp doanh nhân, doanh nghiệp Thái Bình hiểu rõ, hiểu sâu được tầm quan trọng của hoạt động chuyển đổi số, nhân diện được thời cơ, thách thức từ đó sớm chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Cụ thể, các doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình số hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh, thiết lập các kênh cung cấp dịch vụ số hiệu quả. Các doanh nghiệp cũng tận dụng tối đa lợi thế của công nghệ số phục vụ xây dựng văn hóa doanh nghiệp góp phần đưa doanh nghiệp phát triển bền vững và hội nhập thành công.
Những năm qua, Hiệp hội luôn coi nhiệm vụ xây dựng văn hóa doanh nghiệp là nền tảng ý thức, điều kiện quan trọng quyết định sự thành công bền vững của mỗi doanh nghiệp. Vì vậy, thường xuyên tuyên truyền, vận động, tư vấn cho hội viên, các doanh nghiệp xây dựng và thực hiện chuẩn mực đạo đức, văn hóa kinh doanh như chấp hành nghiêm quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế; giữ gìn và bảo vệ hình ảnh, uy tín của Việt Nam, của Thái Bình trên thị trường; kinh doanh hiệu quả gắn với chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.
Theo đó, trong khó khăn của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp chấp nhận hy sinh lợi nhuận, quyết tâm duy trì sản xuất nhằm tạo việc làm, thu nhập, ổn định cuộc sống cho hàng vạn người lao động; tiêu biểu phải kể đến Công ty Cổ phần Sản xuất hàng thể thao Chi nhánh Thái Bình (Công ty Tân Đệ), Công ty Cổ phần Tập đoàn Hương Sen, Công ty Cổ phần Quốc tế Bảo Hưng, Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed, Công ty Cổ phần Sợi Trà Lý, Công ty Cổ phần Hải sản Thái Bình, Công ty Cổ phần Gốm sứ Long Hầu…
Theo ông Đỗ Văn Vẻ – Chủ tịch Hiện hội doanh nghiệp tỉnh: Không chỉ bảo vệ, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh, thời gian qua Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh còn tích cực đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp xây dựng nét đẹp văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp Thái Bình 4.0. Với 3 đặc trưng tiêu biểu, đó là bản lĩnh, trách nhiệm, nghĩa tình. Cùng với sự động viên, khích lệ và hỗ trợ tập huấn nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp, kết nối hợp tác tiêu thụ sản phẩm của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, sự năng động của mỗi doanh nhân đã đưa doanh nghiệp vượt qua mọi khó khăn, giành thắng lợi trên mặt trận sản xuất, kinh doanh.
Đứng trước thách thức cam go của dịch COVID-19, trong khi không ít doanh nghiệp ở các địa phương trong cả nước phải ngừng hoạt động, phá sản thì các doanh nghiệp Thái Bình cơ bản vẫn duy trì sản xuất ổn định, tìm được hướng tăng trưởng doanh thu từ 10 – 30%/năm. Kết quả đó khẳng định bản lĩnh can trường, sự quyết đoán, sáng tạo của các doanh nhân, doanh nghiệp Thái Bình.Doanh nhân Thái Bình không chỉ có tầm mà cũng rất có tâm, luôn trách nhiệm xây dựng nét đẹp văn hóa với xã hội và nghĩa tình với cộng đồng.