Tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư từ Nhật Bản
Với sự nỗ lực trong xúc tiến đầu tư, đến nay Nhật Bản đã trở thành một trong những đối tác hàng đầu của Bắc Ninh hợp tác trên nhiều lĩnh vực như: Đầu tư FDI, viện trợ, hợp tác giao lưu văn hóa… Các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư ở Bắc Ninh có bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng và phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Sản xuất các loại loa tại nhà máy của Công ty TNHH Điện tử Foster (Bắc Ninh)
Xác định thu hút đầu tư, nhất là nguồn đầu tư nước ngoài có ý nghĩa, vai trò rất quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế – xã hội bền vững, những năm qua Bắc Ninh đặc biệt chú trọng triển khai đồng bộ và hiệu quả các giải pháp thu hút đầu tư trên địa bàn, nhất là đối với các đối tác Nhật Bản vốn có thế mạnh về trình độ, công nghệ…
Hiện nay, trong tổng số hơn 2.040 dự án đến từ 39 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Bắc Ninh thì Nhật Bản có 101 dự án còn hiệu lực, với số vốn đăng ký hơn 1,68 tỷ USD (chiếm gần 7% tổng vốn đầu tư FDI toàn tỉnh), là đối tác đầu tư lớn thứ 3 của Bắc Ninh (sau Hàn Quốc và Singapore). Các doanh nghiệp Nhật bản chủ yếu đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất công nghệ cao như linh kiện điện tử, cơ khí chế tạo…
Tiêu biểu phải nhắc đến là Công ty TNHH Canon Việt Nam (vốn đầu tư 130 triệu USD), tạo việc làm cho gần 10.000 lao động. Trong đó, nhà máy tại Quế Võ chuyên sản xuất các loại máy in laser; nhà máy tại KCN Tiên Sơn chuyên sản xuất các loại máy in phun và in laser. Canon Bắc Ninh phát triển hơn 30 nhà cung cấp linh kiện, nguyên liệu, điển hình là các nhà đầu tư vệ tinh như: Foxconn, Dragon, Công ty Việt Đức… Công ty TNHH Foster Electric Bắc Ninh (KCN VSIP), vốn đầu tư 55 triệu USD, đi vào hoạt động từ năm 2010, chuyên sản xuất tai nghe điện thoại và loa ôtô, giải quyết việc làm cho hơn 3.000 công nhân, đạt mức tăng trưởng bình quân gần 20%/năm. Cùng nhiều doanh nghiệp khác như: Seiki (126 triệu USD), Hanacans (114,4 triệu USD), Nippon Zoki (90 triệu USD), Nitto (66 triệu USD), Toyo ink (55 triệu USD), Sumitomo (53 triệu USD), Fujikin (52,45 triệu USD),Tenma (51,56 triệu USD), THK (50 triệu USD), Tabuchi Electric… Trong lĩnh vực môi trường, Công ty JFE Engineering Corporation đã thực hiện dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng với tổng vốn đầu tư hơn 58 triệu USD tại xã Ngũ Thái (thị xã Thuận Thành). Với vị trí thuận lợi, môi trường đầu tư hấp dẫn cùng sự đồng hành, hỗ trợ của tỉnh Bắc Ninh; các doanh nghiệp Nhật Bản phát huy được thế mạnh, luôn coi Bắc Ninh là “cứ điểm” ưu tiên đầu tư sản xuất tại Việt Nam.
Chính vì vậy, ngay sau khi được cấp phép, các doanh nghiệp Nhật Bản phát triển mạnh mẽ và thành công, được xem là hình mẫu về sự kỷ luật, trung thực và tính hiệu quả trong đầu tư. Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2023, riêng 76 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại các KCN Bắc Ninh đã tạo ra hơn 32,8 nghìn tỷ đồng giá trị sản xuất công nghiệp, việc làm cho hơn 23,2 nghìn lao động địa phương… Các doanh nghiệp Nhật Bản đã thực sự đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Bắc Ninh, là cầu nối thúc đẩy mối quan hệ giữa địa phương và Nhật Bản ngày càng phát triển về mọi mặt.
Trong thời gian tới, Bắc Ninh sẽ tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản, trong đó chú trọng lựa chọn các dự án sản xuất công nghệ cao, gắn với định hướng kinh tế tri thức, phát triển bền vững theo tiêu chí “2 ít, 3 cao”: sử dụng ít đất, ít lao động, suất vốn đầu tư cao, hàm lượng công nghệ cao và hiệu quả kinh tế cao; khuyến khích liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm, tạo điều kiện cho công nghiệp địa phương tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu…
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn khẳng định Nhật Bản là quốc gia có thế mạnh trong các lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là các ngành nghề như công nghiệp ICT, kỹ thuật số, kỹ thuật nano, công nghệ sinh học, vật liệu mới,… đây là lĩnh vực mà tỉnh đang kêu gọi đầu tư để đưa Bắc Ninh trở thành Vùng Phát triển Công nghiệp, Công nghệ cao.
Nguồn: Vietnam Business Forum