Thuế thu nhập cá nhân – Điều chỉnh thế nào để khuyến khích người lao động?
Trước hàng loạt các bất cập đã và đang tồn tại, vấn đề về thuế thu nhập cá nhân tiếp tục gây “nóng” dư luận, câu hỏi đặt ra hiện nay, điều chỉnh thế nào để khuyến khích người lao động?
Luật Thuế thu nhập cá nhân được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2007, có hiệu lực từ ngày 01/01/2009, trong quá trình thực hiện, để tháo gỡ kịp thời những vướng mắc phát sinh, phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội từng giai đoạn, luật thuế này đã hai lần được sửa đổi, bổ sung và đang tiếp tục chuẩn bị được sửa đổi, bổ sung một lần nữa để phù hợp với thực tế.
Theo kết quả rà soát toàn bộ 35 Điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân, Bộ Tài chính đã xác định có 22 Điều cần phải sửa đổi, bổ sung, trong đó, chủ yếu liên quan đến thu nhập chịu thuế, thu nhập miễn thuế, mức giảm trừ gia cảnh… Ngoài ra còn có các nhóm vấn đề mang tính kỹ thuật khác.
Thực tế cho thấy, có 2 bất cập của Luật Thuế thu nhập cá nhân được dư luận và các chuyên gia đặc biệt quan tâm, là cách tính thuế lũy tiến theo 7 bậc quá rườm rà và quy định về mức giảm trừ gia cảnh không phù hợp thực tế.
Cụ thể, theo quy định của luật hiện hành, cá nhân được trừ các khoản bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp, giảm trừ gia cảnh, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, phụ cấp, trợ cấp, số còn lại là thu nhập làm căn cứ tính thuế thu nhập.
Trong đó, cách tính thuế thu nhập cá nhân theo biểu lũy tiến 7 bậc, mỗi bậc thu nhập có thuế suất tương ứng: Mức thu nhập từ 5 triệu đồng/tháng trở xuống chịu thuế suất 5%; mức 5-10 triệu đồng 10%; mức 10-18 triệu đồng 15%; mức 18-32 triệu đồng 20%; mức 32-52 triệu đồng 25%; mức 52-80 triệu đồng 30% và từ 80 triệu đồng/tháng trở lên 35%.
Các chuyên gia đều cho rằng, việc quy định biểu thuế thu nhập cá nhân lũy tiến với 7 bậc và khoảng cách giữa các bậc thuế là quá dày cộng với thuế suất cao, đã tạo ra gánh nặng không nhỏ đối với người nộp thuế, bởi thu nhập vừa mới “nhích lên” đã rơi vào bậc thuế cao hơn.
Đáng nói, theo khảo sát mức sống dân cư năm 2022 của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân đầu người năm 2022 ước đạt 4,67 triệu đồng/người/tháng, tăng 9,5% so với năm 2021. So với thu nhập bình quân đầu người công bố năm 2006 chỉ ở mức 636.000 đồng (tăng 31,3% so với năm 2004 – thời điểm soạn thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân), thu nhập của người dân tăng hơn 7 lần trong vòng 16 năm.
Trong khi đó, Luật thuế thu nhập cá nhân được áp dụng từ năm 2007, sau 2 năm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế (từ 4 triệu đồng/tháng lên 9 triệu đồng/tháng và 11 triệu đồng/tháng năm 2020) thì mức tăng chưa đến 3 lần. Ngoài ra, bình quân mỗi người chi tiêu năm 2008 khoảng 792.000 đồng/tháng thì tới năm 2020 lên hơn 2,8 triệu đồng/tháng, tương ứng tăng 3,6 lần.
Đặt trong bối cảnh hiện nay, Luật Thuế thu nhập cá nhân đã bộc lộ sự lỗi thời cần xem xét và chỉnh sửa toàn diện để tránh việc “thu không đủ chi” nhưng vẫn phải đóng thuế…
Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng, tình hình đã thay đổi rất nhiều, Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện nay chưa phản ánh được thực trạng cuộc sống. Mức khởi điểm chịu thuế rồi giảm trừ gia cảnh đã không còn phù hợp, hơn nữa, Luật Thuế thu nhập cá nhân mà không phù hợp cũng không khuyến khích được những người tài năng cống hiến, khó thúc đẩy năng suất lao động.
Thông tin với báo chí, TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia kinh tế – ngân hàng cho rằng, trong thời gian 10 năm vừa qua, mức sống của người dân ở thành thị tăng cao, dĩ nhiên kéo theo đó là giá cả hàng hóa tăng cao. Trong khi đó việc điều chỉnh lương lại chậm hơn nhiều mặc dù đó là điều cần thiết, tuy nhiên, vấn đề điều chỉnh lương chỉ là một vế ở trong công thức tính thu nhập sau thuế của người dân có ổn định hay không? Việc điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh dẫu sao cũng chỉ mới dựa trên những quyết định về ngân sách chứ chưa phù hợp với mức tăng lạm phát. Nhiều mặt hàng có giá tăng cao hơn nhiều so với tỷ lệ lạm phát được Cục Thống kê công bố. Chính vì thế, vấn đề điều chỉnh thuế thu nhập cá nhân sao cho phù hợp với người dân là cực kỳ quan trọng.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, cần điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của người phụ thuộc tăng lên gấp đôi từ 4,4 triệu đồng lên 8 – 9 triệu đồng, đây là điều rất có lợi cho người dân để có thể bắt kịp với mức tăng trưởng về lạm phát, khi đó người dân sẽ có tiền để chi tiêu nhiều hơn, kích thích nền kinh tế.
“Bên cạnh đó, với những thuế suất theo những mức lương khác nhau, tôi nghĩ rằng, để có sự kích thích mạnh hơn nữa thì cần một “liều thuốc” đó là giảm thuế suất bình quân, giảm thêm 5% của thuế suất hiện nay cho mỗi mức thu nhập đã định trong Luật Thuế thu nhập cá nhân”, TS. Nguyễn Trí Hiếu bày tỏ.
Còn theo TS. Nguyễn Đức Độ – Viện Phó Kinh tế tài chính, Học viện Tài chính, đã đến lúc cần nâng mức giảm trừ gia cảnh, bởi tình hình kinh tế thay đổi nhưng chính sách thuế thu nhập cá nhân đã duy trì gần 10 năm nên đã lạc hậu, tuy nhiên, việc thay đổi, nâng mức giảm trừ gia cảnh lên mức nào cần có sự nghiên cứu, đánh giá ảnh hưởng với người dân và nền kinh tế.
“Thực tế cho thấy, mức sống của người dân đã tăng cao hơn với số người nộp thuế thu nhập cá nhân ngày càng nhiều hơn, vì vậy, chính sách phải thay đổi theo thực tế, một chính sách duy trì gần 10 năm là chưa phù hợp. Để đảm bảo mức sống cho người dân, mức thu nhập đóng thuế và mức giảm trừ gia cảnh cần tăng lên”, TS. Nguyễn Đức Độ nhận định.