Thúc đẩy quyền trẻ em thông qua doanh nghiệp

Chương trình làm cha mẹ cho phát triển toàn diện trẻ thơ (IECD) sẽ từng bước hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm của mình đối với người lao động.

Tập huấn cho Hướng dẫn viên của khối doanh nghiệp trong khuôn khổ Chương trình làm cha mẹ cho phát triển toàn diện trẻ thơ vừa được tổ chức tại Hà Nội bởi Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam (UNICEF Việt Nam) và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Thúc đẩy quyền trẻ em thông qua doanh nghiệp
Bà Anjanette Saguisag, Trưởng phòng Chính sách Xã hội & Quản trị, UNICEF Việt Nam phát biểu khai mạc Chương trình đào tạo.

Đây là Chương trình được điều chỉnh từ chương trình đào tạo “Không ai hoàn hảo” của Cơ quan Y tế Công cộng Canada và được triển khai và mở rộng tại Việt Nam với sự phối hợp giữa UNICEF Việt Nam, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (MOLISA), The Human Safety Net – tổ chức vì cộng đồng toàn cầu thuộc tập đoàn Generali và VCCI.

Gia tăng lợi ích

Chương trình được thiết kế cho phụ huynh có con từ 8 tuổi trở xuống với mục tiêu tăng cường nhận thức của cha mẹ về sức khỏe, an toàn và hành vi của con em họ, nâng cao lòng tự trọng, kỹ năng ứng phó và hỗ trợ lẫn nhau và ngăn chặn bạo lực gia đình. Chương trình đã được triển khai ở nhiều địa phương và một số doanh nghiệp với phản hồi tích cực từ cả lãnh đạo công ty cũng như người lao động.

Thúc đẩy quyền trẻ em thông qua doanh nghiệp
Ông Nguyễn Tiến Huy, Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững, VCCI phát biểu khai mạc tại Chương trình.

Tham gia Chương trình này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như củng cố danh tiếng, giá trị thương hiệu và hình ảnh công ty; tăng cường mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động và cải thiện năng suất và phúc lợi của nhân viên.

Bên cạnh đó, Chương trình cũng góp phần tăng cường năng lực học hỏi và sáng tạo đổi mới của người lao động do tăng khả năng tự quyết và giảm bớt các căng thẳng trong công việc và cuộc sống. Ngoài ra, việc thực hiện các chính sách và Chương trình thân thiện với gia đình có thể nâng cao khả năng thu hút và giữ chân người lao động và giảm tỷ lệ thay đổi nhân sự, đóng góp vào việc cải thiện công tác tuyển dụng và giữ chân người lao động.

Bà Nguyễn Thị Thu Phương, trưởng nhóm đào tạo và tuyển dụng thuộc phòng HR của Công ty TNHH Pouchen Việt Nam, đồng thời là giảng viên nguồn của Chương trình Kỹ năng làm cha mẹ “Không ai hoàn hảo” (tên cũ của dự án) năm 2018 chia sẻ: “Sau khóa học, người lao động tại doanh nghiệp đã tự tin hơn trong việc chăm sóc, dạy dỗ con cái. Con cái khỏe mạnh hơn, gần gũi với cha mẹ hơn và gia đình vui vẻ hơn. Người lao động rất thích chương trình và có người ngạc nhiên khi biết được rằng để trẻ phát triển trí thông minh không phải là điều gì đó xa vời hay vượt quá tầm tay của họ”.

Chương trình Kỹ năng làm cha mẹ đã giúp người lao động của chúng tôi với tư cách là cha mẹ cảm thấy tự tin hơn khi ở với con cái họ, tự hào về con trẻ và tôn trọng con trẻ. Vì vậy, người lao động không chỉ cảm thấy yên tâm làm việc khi con cái họ được khỏe mạnh và gia đình họ được hạnh phúc, mà còn cảm thấy vui vẻ ở nhà và tâm trạng tốt khi ở công ty”.

Thúc đẩy quyền trẻ em thông qua doanh nghiệp
Các học viên tham gia sôi nổi tại chương trình

Theo bà Nguyễn Thị Y Duyên, Chuyên gia bảo vệ trẻ em, UNICEF Việt Nam, một số kết quả từ dự án thí điểm, hợp phần khối doanh nghiệp cho thấy: Các doanh nghiệp tham gia dự án giúp tăng cường phúc lợi cho người lao động, mang lại lợi ích cho trẻ em và lợi ích cho doanh nghiệp. Cha mẹ phản hồi tích cực: tăng cường thời gian vui chơi, tương tác với con, biết cách kiểm soát căng thẳng và áp dụng kỷ luật không bạo lực. Chương trình cũng giúp cải thiện mối quan hệ giữa các công nhân và giữa công nhân với đội ngũ quản lý.

Vai trò của doanh nghiệp

Thực tế cho thấy, Chương trình IECD của UNICEF và các đối tác ghi nhận vai trò quan trọng của khu vực tư nhân trong kế hoạch hành động.

Bà Anjanette Saguisag, Trưởng phòng Chính sách Xã hội & Quản trị, UNICEF Việt Nam nhấn mạnh: “Thông qua các hoạt động về quyền trẻ em và các nguyên tắc kinh doanh, chúng tôi khẳng định rằng khối doanh nghiệp vừa có trách nhiệm tôn trọng quyền trẻ em vừa cần hỗ trợ quyền trẻ em thông qua các chính sách tại nơi làm việc của họ. Hình thức tham gia này với khu vực tư nhân có thể thúc đẩy việc chăm sóc nuôi dưỡng vì đây phải là trách nhiệm của mọi người, bao gồm cả các doanh nghiệp”.

Thúc đẩy quyền trẻ em thông qua doanh nghiệp
Các học viên được trao Chứng nhận sau khi hoàn thành Chương trình.

Ông Nguyễn Tiến Huy, Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững, VCCI tin tưởng rằng Chương trình này sẽ từng bước hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm của mình đối với người lao động, đồng thời đóng góp thúc đẩy thực hiện quyền trẻ em. Các hỗ trợ trách nhiệm chăm sóc trẻ em cho người lao động giúp doanh nghiệp tránh được các rủi ro về uy tín, cải thiện quan hệ lao động, giảm tỷ lệ đình công cũng như tình trạng “làm cho có lệ”.

“Đối với doanh nghiệp đã có tầm nhìn chiến lược dài hạn thì đầu tư hỗ trợ chăm sóc trẻ em cũng chính là đầu tư vào thế hệ người lao động kế cận với hy vọng rằng thế hệ sau và sau đó nữa cũng đến làm việc tại công ty mình.”- ông Nguyễn Tiến Huy chia sẻ.

Nguồn: diendandoanhnghiep.vn

Bài Viết Liên Quan

Back to top button