Thúc đẩy giải ngân tín dụng sớm
Được giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024, các ngân hàng đang chủ động về điều kiện cần để thúc đẩy giải ngân sớm.
Tuy nhiên, vướng mắc tiếp cận tín dụng vẫn là vấn đề lớn cản trở giải ngân vốn của các ngân hàng.
Từ thực tế ngân hàng
Để giải quyết vướng mắc nói trên, kinh nghiệm ở năm 2023 – năm đặc biệt khó khăn về giải ngân tín dụng, được ông Nguyễn Đình Tùng – TGĐ Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) chia sẻ, là ngân hàng này đã tập trung hướng đến tháo gỡ các khó khăn cho khách hàng trong phân khúc chiến lược của ngân hàng.
“Chúng tôi đã phân loại khách hàng. Những khách hàng vẫn đang hoạt động tốt thì chúng tôi sẵn sàng triển khai các chương trình hỗ trợ giảm lãi suất, giảm chi phí, thậm chí giải quyết nhanh các nhu cầu gia tăng tín dụng. Đối với nhóm khách hàng khó khăn, thì ngân hàng vẫn tiếp tục khoanh lại nợ cũ, nợ mới sao cho khách hàng vừa thực hiện được phương án kinh doanh mới, trả được khoản vay mới nhưng vẫn trả được khoản vay cũ”, ông Tùng cho biết.
Các giải pháp cụ thể hơn nữa cũng được ngân hàng áp dụng linh hoạt, chẳng hạn có thể xem xét nâng hạn mức tín dụng tùy từng ngân hàng, gỡ khó tỷ lệ cho vay/tài sản thế chấp nếu khách hàng phải có phương án kinh doanh, và ngân hàng phối hợp kiểm soát rất chặt nguồn thu. Thậm chí, có khách hàng không còn tài sản thế chấp thì ngân hàng cũng xem xét gỡ khó bằng cho vay tín chấp…
Đến những giải pháp chung
Theo TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam, nền kinh tế luôn phải dựa trên các trụ cột tổng cầu gồm: tiêu dùng của các hộ gia đình, đầu tư tư nhân, chi tiêu của Chính phủ và xuất khẩu ròng. Khi 4 yếu tố này được cộng hưởng, nền kinh tế mới khởi sắc.
TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn nhấn mạnh về các chính sách tài khóa, muốn tăng sức cầu, cần tăng tiêu dùng của hộ gia đình. Cùng với đó là xem xét chính sách thuế. Riêng với tư nhân thì các chính sách tăng cường tiếp cận vốn vay là quan trọng nhất.
Từ ngày 1/1/2024, chính sách giảm 2% thuế VAT sẽ góp phần thúc đẩy tiêu dùng, và sẽ kích thích tăng nhu cầu tín dụng được tính vào tăng trưởng tín dụng của năm 2024.
Bên cạnh đó, là cộng hưởng kỳ vọng các gói chuyên biệt sẽ tăng lực đẩy cho các khối ngành sản xuất. Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, các gói hỗ trợ như gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho lâm thủy sản đã giải ngân hiệu quả. “Các Hiệp hội doanh nghiệp đánh giá đây là gói hiệu quả. Do đó, nếu giải ngân hết, NHNN sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ”, ông Tú nhấn mạnh.
Tại địa bàn TP. HCM, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP HCM Nguyễn Đức Lệnh cũng cho biết, kể cả ngay cả khi thị trường ổn định, lãi suất ổn định và thấp, thì việc đưa ra gói tín dụng ưu đãi vẫn rất cần thiết và có ý nghĩa đối với chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp. Do đó, đây đang và sẽ là một trong những giải pháp trọng tâm để thúc đẩy giải ngân tín dụng hiệu quả của ngành ngân hàng trên địa bàn trong năm 2024.