Sức hút mạnh mẽ mang tên du lịch di sản
Nhiều địa phương đang từng bước đưa du lịch khu vực phát triển mạnh mẽ, đảm bảo tính bền vững và bảo tồn phát triển các giá trị văn hóa.
Du lịch di sản là trụ cột vô cùng quan trọng của Việt Nam với các giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên đặc sắc. Hiện nay, Việt Nam với 8 di sản thiên nhiên được UNESSCO công nhận gồm: Vịnh Hạ Long, Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, Hoàng thành Thăng Long, Thành nhà Hồ, Cố đô Huế, phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, khu danh thắng Tràng An. Mới đây, Vịnh Hạ Long – Cát Bà đã trở thành di sản thiên nhiên thế giới thứ 9 của Việt Nam được thế giới công nhận.
Theo ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, sự vinh danh và ghi nhận của quốc tế là minh chứng cho sức hút mạnh mẽ mang tên du lịch di sản.
“Sức hấp dẫn đó là nguồn động lực vô cùng mạnh mẽ để khách du lịch trên toàn thế giới biết đến và tiếp tục coi Vịnh Hạ Long – Cát Bà là điểm đến lí tưởng, điểm đến hàng đầu để trải nghiệm và tận hưởng du lịch. Tạo cơ hội cho Hải Phòng, Quảng Ninh tiếp tục đầu tư phát triển cũng như nâng tầm Hạ Long – Cát Bà lên một tầm cao mới. Trong nước, Vịnh Hạ Long – Cát Bà vẫn tiếp tục là điểm đến, thương hiệu lớn để quảng bả du lịch Việt ra quốc tế”, ông Siêu cho biết.
Thiên nhiên đã ban tặng cho Việt Nam nhiều danh lam thắng cảnh, cũng như các di sản văn hóa phi vật thể được thế giới ghi nhận. Cũng theo phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, những giá trị di sản bao trùm cả về di sản thiên nhiên, di sản văn hóa, đặc biệt là di sản tư liệu cũng như phi vật thể vô cùng đặc sắc, phong phú đã luôn luôn cuốn hút, tạo sức hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
Trên thực tế, thời gian qua các địa phương có nhiều di sản như: Quảng Ninh, Huế, Quảng Nam, Hà Nội đã khai thác rất hiệu quả chủ đề du lịch di sản.
“Đặc biệt, Việt Nam đang ngày càng khai thác một cách phong phú, đa dạng về di sản phi vật thể cùng không gian văn hóa gắn với lối sống sinh kế của người dân địa phương, tạo nên sức hấp dẫn mới và khác biệt với các điểm đến. Các địa phương hiện nay đang khuyến khích đầu tư vào các sản phẩm vui chơi giải trí, du lịch đêm, hơn hết là tạo ra không gian văn hóa có sự tương tác giữa người dân địa phương với khách du lịch. Ngoài ra, các sản phẩm về lĩnh vực ẩm thực, đồ thủ công mỹ nghệ, lễ hội văn hóa truyền thống luôn được quảng bá tích cực, khai thác trở thành điểm nhấn cho du lịch của các địa phương”, ông Siêu nhận định.
Hải Phòng và Quảng Ninh, hai địa phương đã và đang liên kết vùng để bảo tồn phát huy những giá trị nổi bật của di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà. Hiện tại, hai địa phương đã từng bước đưa du lịch khu vực phát triển mạnh mẽ, đảm bảo tính bền vững và bảo tồn phát triển các giá trị văn hóa.
Về phía các quyền địa phương, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hải Phòng, ông Lê Khắc Nam cho biết: “UBND Thành phố Hải Phòng cũng như UBND Tỉnh Quảng Ninh đã làm việc với nhau hết sức cụ thể về các lĩnh vực bảo vệ môi trường, an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông hai địa phương đã có sự thống nhất rất cao”.
Cũng theo quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: “Chúng tôi cũng đặt rất nhiều hi vọng, cùng nhau nghĩ ra giải pháp phát triển du lịch ở những vùng xanh. Khai thác các thị trường du lịch tiềm năng của cả hai địa phương, đặc biệt là những tập đoàn kinh tế lớn, thị trường du lịch lớn mà có thể cùng nhau khai thác. Thúc đẩy nhân rộng tiềm năng, phát huy giá trị nhằm mục đích tạo công ăn việc làm cho nhân dân địa phương”.
Cùng với việc được UNESSCO công nhận những di sản thiên nhiên thế giới, gần đây nhất Việt Nam 5 lần được bình chọn là điểm đến hàng đầu châu Á và lần thứ 2 liên tiếp đạt giải điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á. Điều này cho thấy các địa phương đã ngày càng phát huy mạnh mẽ giá trị thiên nhiên của mình. Những giải thưởng này là sự ghi nhận của bạn bè, đối tác quốc tế dành cho du lịch Việt Nam.
Không những vậy đây còn là động lực để Việt Nam tiếp tục khai thác tiềm năng du lịch to lớn, không ngừng đổi mới sáng tạo, lan tỏa sức hấp dẫn, thu hút khách quốc tế trên toàn cầu đến khám phá và trải nghiệm trọn vẹn tại Việt Nam. Tuy nhiên, để thực sự thu hút được du khách, công tác quảng bá, xúc tiến cần phải được mở rộng với các hình thức phong phú hơn nữa. Các địa phương cũng như các doanh nghiệp du lịch phải không ngừng làm mới, nâng cao giá trị sản phẩm du lịch Việt Nam.