“Sức hút” của STB
Cổ phiếu STB của NHTMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) liên tục có mặt trong danh mục đánh giá triển vọng dài hạn tích cực của nhiều công ty chứng khoán.
Đây là một điều đặc biệt bởi cách đây chưa lâu STB còn đang trồi sụt với đề án tái cơ cấu lại, nợ xấu của hệ lụy sáp nhập trước đây được “gác” lại với trái phiếu VAMC trừ dần và dù lãi, ngân hàng vẫn chưa được chia cổ tức.
Hái quả ngọt
Kết thúc 2023, STB ước tính lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng 50% so năm 2022, đạt 9.500 tỷ đồng và hoàn thành 100% kế hoạch ĐHCĐ giao. Tổng tài sản ước đạt gần 664.000 tỷ đồng, trong đó tài sản có sinh lời chiếm 90,3%. Tổng huy động ước đạt hơn 574.000 tỷ đồng; cho vay ước đạt hơn 487.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 2%.
Đáng chú ý, STB cũng là ngân hàng dẫn đầu tăng trưởng lợi nhuận của ngành trong 9 tháng đầu năm 2023 với mức tăng 66% – giai đoạn mà rất nhiều ngân hàng đã phải dùng trích lập dự phòng, bộ đệm dự phòng điều tiết khoản dự trữ bù đắp cho lợi nhuận và chờ lợi nhuận quý cuối tăng tốc cùng giải ngân cho vay, để kéo tăng trưởng lợi nhuận cả năm.
Để có được kết quả này, bên cạnh nỗ lực thanh lý tài sản, STB xử lý các vấn đề vướng đọng trong tái cơ cấu. Tính đến hết tháng 11/2023, STB đã thu hồi, xử lý được hơn 92.600 tỷ đồng, trong đó hơn 72.000 tỷ đồng là các khoản thuộc Đề án, đạt 84% kế hoạch tổng thể Đề án đến năm 2025. Nhờ đó, nợ xấu và tài sản tồn đọng thuộc Đề án giảm 75%, giảm tỷ trọng trong tổng tài sản từ 28,1% năm 2016 xuống còn 3,5%.
Gần đích tái cơ cấu
Theo kế hoạch đầu năm, STB muốn đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu theo đề án hoàn tất vào cuối năm. Tuy nhiên tại cột mốc kỷ niệm 32 năm thành lập, đại diện STB mong muốn hoàn tất đề án vào nửa đầu năm 2024. Như vậy, tính đến nay STB vẫn còn “vướng nợ” của đề án này và có thể tới kỳ ĐHĐCĐ năm nay, nếu tổ chức sớm, cổ đông STB vẫn chưa thể được nhận cổ tức.
9.500 tỷ đồng là lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước tính năm 2023 của STB, tăng 50% so với năm 2022.
Tuy nhiên, đây cũng chính là một trong khoản mà các cổ đông đặt kỳ vọng “cơm không ăn, gạo còn đó” – một khi đã “thoát vòng” tái cơ cấu và được chia cổ tức, ngân hàng sẽ dùng hết lợi nhuận giữ lại để chia, giúp những ai nắm giữ STB đều sẽ được hưởng lợi.
Mặc dù đã có ước tính kết quả kinh doanh, song tại thời điểm hiện nay, STB mới chỉ công khai BCTC đến quý III/2023. Do đó, chưa thể biết STB đã sạch nợ trái phiếu VAMC hay chưa, mức độ trích lập và chi tiết nhóm nợ xấu ra sao; cũng như các khoản có giá trị tài sản lớn – chẳng hạn nợ được thế chấp bằng tài sản KCN Phong Phú rao bán nhiều lần chưa biết đã hoàn tất thanh lý hay chưa…
Như vậy, bức tranh chất lượng tài sản của STB tại cuối 2023 thực tế chưa thể hình dung cụ thể. Song năm 2023, Moody’s đã nâng xếp hạng tín nhiệm của STB từ “ổn định” lên “tích cực”, ghi nhận năng lực tín dụng liên tục được cải thiện nhờ xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng, có thể kỳ vọng ngân hàng đã rất gần với đích hoàn tất tái cơ cấu.
Điều này giúp STB liên tục duy trì triển vọng cao và được đặt trong nhóm các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt và duy trì tốc độ tăng trưởng vượt trội so với ngành trong dài hạn, cùng với ACB, BID, MBB, MSB, TCB, VCB, VIB, HDB hay nhóm ngân hàng có câu chuyện riêng.
Câu chuyện giúp cổ phiếu STB tăng sức hút có lẽ vẫn là khả năng bán vốn gần 33% cổ phần. Điều quan trọng là khả năng này liệu có thực sự diễn ra trong 2024, ngay sau khi hoàn tất một đề án đã kéo dài gần chục năm?