Siêu hạn hán có thể khiến Hồ Muối Lớn cạn sạch

Utah (Mỹ) đang phải đối mặt với siêu hạn hán và tiêu thụ nước quá mức. Điều này có thể khiến Hồ Muối Lớn khô cạn, tạo ra vùng bụi độc hại ảnh hưởng tới hơn 2,5 triệu người.

Siêu hạn hán có thể khiến Hồ Muối Lớn cạn sạch

Khi mực nước hồ xuống thấp lịch sử trong những tháng gần đây, hơn 2.070 km2 đáy hồ đã lộ ra. Đây là phần đất chứa các chất độc tự nhiên và nhân tạo như thủy ngân, asen và selen tích tụ hàng thế kỷ. Khi lớp bùn đó biến thành bụi và bị gió thổi tung lên, góp phần vào đợt ô nhiễm không khí mùa đông tồi tệ hàng đầu trên toàn nước Mỹ, các nhà khoa học cảnh báo rằng hồ nước khổng lồ này có thể bốc hơi thành một hệ thống hồ nhỏ lẻ, không có sự sống trong vòng 5 năm, dần dần trở thành Chảo Bụi Độc Lớn.

Bonnie Baxter, giám đốc Viện Hồ Muối Lớn tại Cao đẳng Westminster, thành phố Salt Lake, Utah, cho biết: “Đây là một thảm họa sinh thái và sẽ trở thành thảm họa sức khỏe con người. Chúng ta đã biết đến những cơn bão bụi, về ô nhiễm bụi mịn, kim loại nặng, và tác động tồi tệ của chúng đến con người. Chúng ta đang thấy một khủng hoàng sắp ập đến”.

Nguy cơ biến mất trong năm năm

Còn gọi là “hồ nước đọng”, Hồ Muối Lớn có nguồn nước từ mưa, tuyết và nước chảy xuống, nhưng không có sông để dẫn nước ra biển, do đó muối và khoáng chất tích tụ dần theo thời gian. Chỉ ruồi nước muối và tôm có thể sống trong nước tại đây, tạo nên hệ sinh thái là nguồn thức ăn của 10 triệu con chim di cư.

Chỉ có thuyền buồm và thuyền mái chèo hoạt động ở đây. Hồ nước yên bình đến mức 80.000 con bồ nông trắng lớn làm tổ trên các đảo của hồ mỗi năm, dù không có cá.

Nhưng khi nước bốc hơi mà không có nguồn thay thế, lòng chảo đệm toàn là bùn, các loài săn mồi có thể đi ra các tổ chim, và đáy chuỗi thức ăn sụp đổ.

“Hồ nước thu hẹp, môi trường sống khô cạn, và số nước còn lại quá mặn, ngay cả tảo và vi sinh vật cũng khó sống nổi” – bà Baxter cho biết.

Siêu hạn hán có thể khiến Hồ Muối Lớn cạn sạch
Hình ảnh vệ tinh cho thấy mực nước hồ giảm rõ rệt từ năm 1987 (ảnh trái) đến năm 2022 (ảnh phải).

Bà đến Utah để nghiên cứu hệ sinh thái này 15 năm trước, và nhanh chóng nhận ra số phận của loài tôm nước mặn có liên quan trực tiếp đến tương lai của thành phố Salt Lake. Khi không dạy học, bà ghé thăm các ngôi trường, viện dưỡng lão và buổi họp mặt trang trại để truyền đi thông điệp rằng mọi giọt nước đều quý giá, nhất là bây giờ.

“Khoa học thường không kịch tính như vậy, bà cho biết, nhưng hơn 30 nhà khoa học và nhà bảo tồn đã công bố một báo cáo đáng lo ngại, trong đó có thông tin rằng hồ nước đang trên đà biến mất trong vòng 5 năm.

Những người khác cũng đã tham gia lời kêu gọi có những biện pháp khẩn cấp. Một chương trình hợp tác mới giữa các nhà nghiên cứu đại học và nhân viên chính phủ giám sát nguồn tài nguyên, nông nghiệp và thực phẩm, đã hình thành “Đội tác chiến Hồ Muối Lớn”, và phát hành một báo cáo để thúc đẩy các nhà lập pháp sửa đổi luật quản lý nước.

Steed, giám đốc điều hành của Viện Đất đai, Nước và Không khí Janet Quinney Lawson tại Đại học Bang Utah, đồng chủ tịch đội tác chiến, nhấn mạnh: “Chúng ta phải cho thêm nước vào hồ. Trong một thời gian dài, tôi không nghĩ mọi người lên tiếng đủ nhiều cho hồ. Giờ đây, tôi nghĩ có rất nhiều người quan tâm, cả thống đốc bang và bên lập pháp”.

Ông đã đến Đại học Utah, nơi phòng thí nghiệm của John Lin, giáo sư Khoa học Khí quyển, đo lường mức độ gắn bó mật thiết giữa không khí và nước.

“Chất lượng không khí gồm hai phần. Tất cả đều muốn không khí sạch, và cần làm điều gì đó” – giáo sư Lin cho biết.

Kế hoạch hành động cho tương lai

Hơn 2 triệu người sống ở thành phố Salt Lake và dọc bờ Wasatch, từ Ogden đến Provo, đã phải chịu đựng ô nhiễm không khí mùa đông tồi tệ thuộc hàng nhất nước Mỹ, với các hạt bụi nhỏ tạo thành những đám mây màu nâu đặc. Theo Lin và Steed, việc Hồ Muối Lớn khô cạn thêm có thể dẫn tới tình trạng ô nhiễm nặng hơn.

Họ lấy ví dụ về hồ Owens của California, hồ nước từng bị các nhà phát triển rút cạn nước vào những năm 1920 để xây dựng Los Angeles, cảm hứng của bộ phim Chinatown công chiếu năm 1974. Đến năm 1926, hồ nước đọng này đã cạn khô và tạo ra những đám mây bụi mịn độc hại. Chúng được biết đến với cái tên “sương mù Keeler” sau khi buộc người dân ở thị trấn Keeler phải chuyển đi nơi khác.

Siêu hạn hán có thể khiến Hồ Muối Lớn cạn sạch
Thị trấn Keeler, California, nằm cạnh hồ Owens đã cạn khô vào tháng 3/2022.

Một thế kỷ sau, mỗi lần một người dân Los Angeles trả hoá đơn nước, một phần được trích ra để khắc phục sai lầm đó, thông qua chương trình giảm nhẹ bụi được điều hành bởi Sở Nước và Điện của thành phố sau khi thành phố nhận trách nhiệm. Sau hàng thập kỷ chuyển nước và sỏi để kiểm soát bụi, chi phí cho việc hút cạn hồ Owens là 2,5 tỷ USD và tiếp tục tăng.

Nói về bài học đau đớn của California, ông Steed cho biết: “Chính lựa chọn của con người dẫn đến sự kiện thảm hoạ đó. Hồ Muối Lớn đang ở tình thế tương tự, lúc này ta có thể tránh khỏi thảm hoạ, để không phải tiêu tốn hàng tỷ đôla sửa sai trong tương lai, nếu ta đưa ra lựa chọn từ hôm nay”.

“Rõ ràng, có nhiều ý kiến tranh cãi. Tuy nhiên, điều đem lại cho tôi hy vọng là chúng tôi đang thấy nhiều sự hợp tác hơn bất cứ lúc nào, đặc biệt là quanh một thứ như Hồ Muối Lớn. Đã có lúc, mọi người nghĩ rằng nước xuống đó là nước bỏ đi. Giờ chúng ta thấy rằng những gì xuống đó thực tế rất quan trọng đối với tất cả chúng ta ở đây” – ông nói thêm.

Các đề xuất tức thời để cứu hồ nước này gồm một kế hoạch dẫn nước từ Thái Bình Dương, giải pháp tốn kém tiền bạc và gây ô nhiễm khiến Trái Đất nóng lên.

“Phương trình carbon rất khổng lồ”, bà Baxter mô tả về lượng năng lượng cần để bơm hàng tỷ khối nước qua quãng đường 12.000 km. Bà cho biết: “Chi phí rất lớn. Và như thế là đem nước muối đến đây, thực ra không phải điều chúng tôi cần. Chúng tôi không cần thêm muối. Chúng ta muốn ít muối hơn”.

Siêu hạn hán có thể khiến Hồ Muối Lớn cạn sạch
Một ngọn núi nổi bật trên nền bùn cạn khô của Hồ Muối Lớn.

“Tôi nghĩ giải pháp giá rẻ nhất là bang nên mua quyền sử dụng nước của một số nông dân, và cho một phần số nước này vào hệ thống tự nhiên. Tôi biết những nông dân tôi đã nói chuyện, họ muốn là một phần của giải pháp. Họ cũng sống ở đây” – bà chia sẻ.

Và trong khi chờ đợi sự thay đổi, bà Baxter chỉ có thể hy vọng tuyết theo sau những cơn bão gần đây sẽ nâng mực nước hồ lên khoảng 30 cm.

“Nhưng năm ngoái, nước hồ tăng khoảng 30 cm, rồi sau đó giảm gần một m. Tầng chứa nước đã khô, nên chúng ta phải đổ nước vào đó trước. Nước mưa trực tiếp rơi xuống hồ sẽ cho khoảng 30 cm và điều đó thật tuyệt vời. Tuy nhiên, lượng nước chảy xuống vào mùa xuân có thể sẽ không nhiều như chúng tôi hy vọng” – bà nói.

Mục Du lịch – Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.

Nguồn: zingnews.vn

Bài Viết Liên Quan

Back to top button