Việt Nam sẽ có thêm một Công viên Địa chất toàn cầu tại tỉnh Phú Yên
Hiện nay, Việt Nam có 04 Công viên Địa chất toàn cầu gồm: Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, Công viên địa chất Lạng Sơn. Trong tương lai, tỉnh Phú Yên hướng tới là địa phương thứ 05 của Việt Nam được UNESCO công nhận Danh hiệu Công viên Địa chất toàn cầu.
Thực hiện Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về nội dung liên quan đến Đề án thành lập Công viên địa chất Phú Yên hướng tới Danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, sau nhiều phiên họp, thảo luận, lấy ý kiến của các cơ quan chuyên môn, ngày 6/9/2024, UBND tỉnh Phú Yên đã ký quyết định phê duyệt Đề án “Đề án thành lập Công viên địa chất tỉnh Phú Yên hướng tới danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO”.
Khu vực mà UBND tỉnh Phú Yên dự kiến thành lập Công viên địa chất Phú Yên là tập hợp các điểm di sản nằm trên 7 huyện, thị và thành phố: Thành phố Tuy Hòa, Thị xã Sông Cầu, huyện Tuy An, Huyện Phú Hòa, một phần Thị xã Đông Hòa, Huyện Sơn Hòa, Huyện Tây Hòa. Đường ranh giới của CVĐC được xác định trên nguyên tắc lấy trọn vẹn đến địa giới đơn vị hành chính cấp xã thuộc 7 huyện, thị xã, thành phố nói trên nhưng không có nghĩa là lấy toàn bộ diện tích theo địa giới hành chính của 7 địa phương này. Bên trong đường ranh giới, CVĐC sẽ được tổ chức thành các tuyến du lịch đặc trưng, kết nối các điểm di sản, cơ sở dịch vụ lưu trú, ăn uống, các điểm phục vụ khách du lịch, các nhà cung cấp đối tác của CVĐC, nhằm khai thác tổng hợp giá trị của CVĐC và phát huy hiệu quả tài nguyên du lịch trên toàn tỉnh.
Việc thành lập Công viên địa chất xuất phát từ thực tế Phú Yên là một tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ có bờ biển dài với nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia, tuy nhiên tỷ trọng du lịch trong cơ cấu kinh tế Phú Yên còn thấp, trong khi các địa phương lân cận như Khánh Hòa, Bình Định đang phát huy thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên cho phát triển du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế chủ lực trong phát triển kinh tế xã hội địa phương. Trong những năm gần đây, kinh tế dựa vào du lịch và dịch vụ của Phú Yên đã có khởi sắc hơn và đang trở thành một kỳ vọng của chính quyền các cấp và người dân địa phương. Do vậy, phát triển kinh tế – xã hội theo một mô hình mới, bền vững, đặc biệt là trên cơ sở một số danh hiệu quốc gia, quốc tế, chẳng hạn như Di sản Thế giới, Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới hoặc CVĐC Toàn cầu… là giải pháp phù hợp cho Phú Yên.
Tuy nhiên, trong khi “Di sản Thế giới” là một danh hiệu vô cùng khó của UNESCO, cả về khía cạnh văn hóa lẫn thiên nhiên, thì “Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới” lại đòi hỏi một giá trị đa dạng sinh học vô cùng đặc sắc, và cả hai mô hình đó đều thiên về bảo tồn. Vì thế, danh hiệu CVĐC Quốc gia/Toàn cầu, một mô hình phát triển kinh tế – xã hội linh hoạt hơn, hướng đến vừa bảo tồn vừa phát triển với trọng tâm là du lịch địa chất và các hoạt động/dịch vụ đi kèm, sẽ khả thi cho Phú Yên. Việc xây dựng CVĐC sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh một cách bền vững trên cơ sở bảo tồn và phát huy giá trị tổng thể các loại hình di sản. Vì vậy việc xây dựng, phát triển CVĐC Toàn cầu được xem là nhiệm vụ quan trọng cần triển khai trong giai đoạn hiện nay của tỉnh Phú Yên.
Để đạt được Danh hiệu Công viên Địa chất toàn cầu do UNESCO công nhận phải được các chuyên gia khoa học thuộc nhóm các chuyên gia đánh giá của Mạng lưới CVĐC toàn cầu thẩm định theo các tiêu chí của UNESCO. Công viên địa chất toàn cầu được yêu cầu sử dụng di sản địa chất kết nối với tất cả các di sản thiên nhiên và văn hóa, nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết về trái đất và các tai biến địa chất, phục vụ cho phát triển bền vững kinh tế xã hội của địa phương, quốc gia và của thế giới.
Trước đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã nghiệm thu đề tài độc lập cấp quốc gia “Nghiên cứu, đánh giá giá trị di sản địa chất và các di sản khác làm cơ sở khoa học hướng tới thành lập Công viên địa chất toàn cầu UNESCO ở tỉnh Phú Yên”. Bộ Khoa học và Công nghệ đã có phân tích, đánh giá về giá trị của các di sản địa chất và cảnh quan theo các tiêu chí của UNESCO. Kết quả Phú Yên hoàn toàn đủ điều kiện để thành lập CVĐC và hướng đến đề nghị UNESCO công nhận là CVĐC toàn cầu UNESCO.
Hiện nay, Việt Nam có 04 CVĐC: Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, Công viên địa chất Lạng Sơn. Trong tương lai, tỉnh Phú Yên hướng tới là địa phương thứ 05 của Việt Nam được UNESCO công nhận Danh hiệu Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO.
Việc UBND tỉnh Phú Yên ký quyết định phê duyệt Đề án “Đề án thành lập Công viên địa chất tỉnh Phú Yên hướng tới danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO” đã thể hiện tính chủ động, linh hoạt trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống của địa phương nhằm thúc đẩy tiềm năng du lịch và trong tương lai tỷ trọng ngành du lịch sẽ dần được cải thiện và trở thành một động lực góp phần thúc đẩy nền kinh tế, xã hội của địa phương và hướng tới mục tiêu chung đó là phát triển du lịch bền vững.
Đỗ Long