Phòng ngừa rủi ro tỷ giá: Có nên sử dụng công cụ tài chính phái sinh?
Trước thực trạng tỷ giá USD/VND tăng biến động trong thời gian qua, theo chuyên gia, để phòng ngừa rủi ro, các doanh nghiệp nên sử dụng những công cụ tài chính phái sinh.
Theo đó, kể từ đầu năm đến nay tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng đã tăng khoảng gần 2%, trong khi đó tỷ giá tại thị trường tự do ghi nhận mức tăng cao hơn (xấp xỉ 3%).
Trong phiên giao dịch sáng 7/3, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tỷ giá USD trung tâm của đồng Việt Nam tăng 5 đồng, đạt mức 24.017 đồng, tiến về gần hơn với mức tỷ giá trung tâm cao lịch sử 24.700 đồng ghi nhận vào năm 2022. Tính từ đầu năm đến nay, tỷ giá trung tâm đã tăng 146 đồng/USD, trong khi cùng kỳ năm 2023 chỉ tăng 25 đồng/USD.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc tỷ giá tăng cao thời gian sau Tết Nguyên đán xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó xuất nhập khẩu là nguyên nhân đầu tiên tác động đến tỷ giá, cùng với đó là yếu tố đầu cơ.
Thực trạng đã nêu tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến nhiều rủi ro cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, bởi nó không chỉ khiến chi phí bị đội cao, mà còn làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ.
Theo đại diện Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), đối với ngành thép, nguyên liệu phục vụ cho sản xuất chủ yếu là nhập khẩu, đặc biệt là quặng sắt, thép vụn phải nhập khẩu phần lớn. Do đó, mỗi khi tỷ giá có biến động mạnh tăng mạnh, các doanh nghiệp “khóc ròng”.
“Biến động tỷ giá có ảnh hưởng rất lớn, bởi nguyên liệu về đến nơi thì giá tăng, làm cho giá thành sản xuất của doanh nghiệp tăng. Trong năm 2023, ngành thép khó khăn do nhu cầu trong nước thấp, xuất khẩu suy giảm, chi phí đầu vào tăng, nay tỷ giá tăng dẫn đến hiệu quả kinh doanh giảm xuống”, đại diện VSA lo ngại.
Còn theo, ông Lê Quang Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics Việt Nam, tỷ giá USD/VND tăng cao khiến chi phí vận chuyển của doanh nghiệp xuất nhập khẩu “đắt đỏ” hơn. Đặc biệt, do căng thẳng ở Biển Đỏ, giá cước vận tải biển từ Việt Nam sang châu Âu và bờ Đông nước Mỹ đã có sự gia tăng đặc biệt, trước đây một container từ Việt Nam sang châu Âu vào khoảng từ 1.800 – 2.200 USD, nay đã tăng lên đến hơn 4.000 USD (tương ứng với mức tăng gấp hơn 2 lần so với trước đây). Đáng nói, dù chi phí “đắt đỏ” hơn nhưng giá bán sản phẩm vẫn phải giữ như đã cam kết đối với khách hàng.
“Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ phải giảm lợi nhuận trong trường hợp hợp đồng vận chuyển ký bằng USD mà doanh nghiệp phải thanh toán bằng VND”, ông Trung tính toán.
Để phòng ngừa rủi ro tỷ giá, các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh tỷ giá biến động, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu phải chú ý đến tỷ giá hối đoái để kịp thời điều chính kế hoạch kinh doanh và lựa chọn thị trường xuất nhập khẩu và lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi cho doanh nghiệp mình, giảm dần việc chỉ sử dụng đồng USD.
Về lâu dài, để phòng ngừa rủi ro tỷ giá, doanh nghiệp cũng có thể lựa chọn những ngân hàng có khả năng tài trợ thương mại tốt, sử dụng những công cụ tài chính phái sinh như: mua bán ngoại tệ có kỳ hạn, các hợp đồng hoán đổi (SWAP), đảm bảo cho các hoạt động xuất nhập khẩu được kế hoạch hóa một cách khoa học…
Như đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, việc gia tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, tạo sự khác biệt cho sản phẩm luôn là điều cần hướng tới. Còn với các doanh nghiệp nhập khẩu, việc tối đa hóa nguồn lực nội địa, tìm kiếm các đối tác thay thế, đặc biệt từ trong nước, giảm dần sự phụ thuộc vào nhập khẩu cũng sẽ giúp giảm bớt chi phí.
Đồng tình với quan điểm đã nêu, đại điện Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) cũng cho hay, hiện các doanh nghiệp đang tìm kiếm các nguồn nguyên vật liệu khác trong nước thay thế các nguồn nhập khẩu; tăng cường thu mua thép vụn trong nước, tìm kiếm các nguồn hàng gần thay vì các nguồn hàng xa. Cùng với đó, ngành thép sẽ phải điều tiết bớt sản xuất lại, tìm mọi cách hạ giá thành sản xuất, tiết kiệm chi phí để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
“Đặc biệt, một trong những công cụ mà các doanh nghiệp đang nghiên cứu là bảo hiểm tỷ giá, bởi nếu bỏ ra một khoản chi phí để đảm bảo được tỷ giá trong bối cảnh tỷ giá tăng như hiện nay thì đó cũng là một giải pháp hiệu quả”, đại diện VSA chia sẻ.
Bên cạnh các vấn đề đã nêu, các chuyên gia cũng cho rằng, tỷ giá USD/VND tăng trong những tháng đầu năm phản ánh diễn biến thực tế thị trường tiền tệ, trong đó có yếu tố nhu cầu ngoại tệ tăng. Cụ thể, chênh lệch lãi suất rõ rệt giữa VND và USD, đặc biệt khi FED phát tín hiệu chưa giảm lãi suất khiến đồng USD trở nên hấp dẫn hơn các đồng tiền khác, trong đó có VND, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa tăng trở lại với xu hướng kinh tế phục hồi…
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, với tiềm lực dự trữ ngoại hối và quan hệ cung cầu tiền tệ tích cực, Ngân hàng Nhà nước có đủ công cụ can thiệp thị trường và ổn định tỷ giá nên sẽ không ảnh hưởng tới hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần chú ý đến tỷ giá giữa VND và các đồng tiền khác trong thanh toán ngoại thương, để kịp thời điều chỉnh và lựa chọn thị trường xuất khẩu, nhập khẩu và lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi cho doanh nghiệp mình, giảm dần việc chỉ sử dụng đồng USD.
“Ðặc biệt, nên chú trọng sử dụng công cụ quản lý rủi ro để tăng tính chủ động trước các rủi ro về tài chính tiền tệ, tỷ giá và lãi suất”, TS. Cấn Văn Lực chia sẻ.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn