Nỗ lực vì môi trường kinh doanh thuận lợi
Với nhiều hoạt động sáng tạo, thiết thực, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – Chi nhánh Đồng bằng sông Cửu Long (VCCI ĐBSCL) đã ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển doanh nghiệp (DN) và kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh tại TP.Cần Thơ nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung. Bà Huỳnh Thiên Trang, Phó Giám đốc VCCI ĐBSCL đã có trao đổi với Vietnam Business Forum xung quanh vấn đề này.
Nhận định của bà về sự phát triển của các DN trên địa bàn TP.Cần Thơ và ĐBSCL?
Các DN Cần Thơ và Vùng ĐBSCL hầu hết có quy mô vừa và nhỏ; tập trung ở một số lĩnh vực như: Chế biến nông thủy sản, lương thực, công nghiệp nhẹ, xây dựng – bất động sản, thương mại – dịch vụ;… Các DN chịu khó học hỏi nhưng chậm chuyển đổi; ít nói nhưng làm nhiều; ít tham gia cộng đồng nhưng sẵn sàng khi cần thiết. Quản trị DN chủ yếu dựa trên kinh nghiệm thay cho mô hình/kiến thức;…
Thời gian tới, các DN cần tập trung chuẩn bị, nắm bắt diễn biến nền kinh tế (quy hoạch/ đầu tư/ thay đổi chính sách); tiếp cận cơ hội kinh doanh, đầu tư dựa trên nhu cầu thị trường và lợi thế DN; nhìn lại nội lực để tiến hành tái cấu trúc cho giai đoạn mới; đào tạo và tái đào tạo để thích ứng; tận dụng công nghệ (số hóa) là tất yếu; yếu tố con người/tri thức vẫn luôn là quyết định hàng đầu.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Cần Thơ tuy đạt kết quả tốt nhưng thu hút đầu tư còn hạn chế. Theo bà, ngoài vấn đề về kết cấu hạ tầng thiết yếu, TP.Cần Thơ cần tập trung tháo gỡ vướng mắc nào?
Từ năm 2018 – 2022, điểm số VCCI của Cần Thơ tuy cải thiện nhưng chậm lại so với cả nước. Cụ thể: Năm 2018 đạt 64,98 điểm, xếp 11/63; đến năm 2022 đạt 66,94 điểm (tăng 1,96 điểm) nhưng giảm xuống xếp 19/63 tỉnh, thành phố. Tuy PCI luôn trong Top 20 cả nước nhưng kết quả thu hút đầu tư hạn chế do 03 “nút thắt” là hệ thống hạ tầng giao thông chưa đồng bộ; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao và khuôn khổ pháp lý, quy trình thủ tục còn phức tạp. Theo khảo sát 6 tháng đầu năm 2023 của VCCI xác định 4 vấn đề lớn: Chồng chéo giữa các văn bản luật; điều kiện kinh doanh và hợp tác cần minh bạch hơn; quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch; quản trị và hỗ trợ xuất khẩu.
Thời gian tới, Cần Thơ cần có chiến lược thu hút vốn đầu tư một cách hợp lý, tận dụng triệt để thế mạnh vốn có; đặc biệt cần giải quyết nút thắt quan trọng về thể chế, hành lang pháp lý.
Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI ĐBSCL (đứng giữa) cắt băng khai trương Văn phòng Kết nối Kinh doanh tại Nhật Bản, tháng 5/2023
Hai thập niên qua, VCCI ĐBSCL đã triển khai các hoạt động nào nhằm tăng cường hợp tác với chính quyền, tích cực đồng hành cùng DN?
Có thể nói, chưa bao giờ vai trò của VCCI tại ĐBSCL được đánh giá cao như hiện nay. Cụ thể trên một số mặt:
Thực hiện hiệu quả việc liên kết vùng và phát triển kinh tế địa phương: Chi nhánh đã xây dựng và công bố Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL 2020 chủ đề “Nâng cao năng lực để phát triển bền vững” và Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL 2022 chủ đề “Quy hoạch tích hợp và mô hình chuyển đổi kinh tế”. Đây là những báo cáo nghiên cứu kinh tế đầu tiên và duy nhất về một vùng kinh tế. Báo cáo đã được Ban Kinh tế Trung ương, Văn phòng Quốc hội sử dụng cho các đại biểu làm tài liệu tham khảo trong chất vấn và nghiên cứu chính sách, đồng thời nhiều bộ, ngành, địa phương tham chiếu khi thực hiện các nghiên cứu và xây dựng quy hoạch.
Về thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh: Ngay sau khi VCCI thực hiện bộ chỉ số PCI, Chi nhánh đã tiếp cận và triển khai đánh giá PCI chung khu vực ĐBSCL và từng địa phương. VCCI ĐBSCL đã tổ chức trên 50 hội thảo cấp tỉnh, 16 hội thảo cấp vùng để phân tích, đánh giá và khuyến nghị cải thiện năng lực cạnh tranh. Kết quả, nhiều tỉnh/thành ĐBSCL thuộc Top 10 cả nước.
Từ năm 2020, VCCI ĐBSCL đã phối hợp với các tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau thực hiện Bộ chỉ đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, huyện, thị (DDCI). Tỉnh Hậu Giang đã có năm thứ 3 được tư vấn, kết quả báo cáo đã nhận được sự đồng thuận của lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành, huyện thị và tiếp tục thực hiện trong 05 năm liên tục (2021 – 2026). Các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau cũng có kế hoạch triển khai mời VCCI tư vấn trong thời gian 2 – 3 năm.
Về hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, hợp tác quốc tế: Sau hơn 10 năm thành lập, Câu lạc bộ các Trung tâm xúc tiến Vùng ĐBSCL (Mekong PC) do VCCI chủ trì đã tổ chức thành công nhiều diễn đàn xúc tiến thương mại đầu tư cấp vùng. Chương trình Giao lưu Văn hóa, Thương mại Việt Nam – Nhật Bản được phối hợp với Mekong PC tổ chức từ năm 2016 đến 2019 tạo bước ngoặt quan trọng góp phần thúc đẩy hợp tác thương mại giữa Việt Nam với Nhật Bản. Lần đầu tiên tại ĐBSCL có chuyên cơ chở 200 doanh nhân bay trực tiếp từ Nhật Bản đến Cần Thơ tham dự sự kiện và tham quan, tìm hiểu môi trường đầu tư vùng ĐBSCL.
Hoạt động khởi nghiệp: Từ năm 2018, VCCI đã chủ trì khởi xướng và vận hành Mạng lưới Khởi nghiệp ĐBSCL, mạng lưới khởi nghiệp cấp vùng đầu tiên và duy nhất cả nước. Hàng năm, Mạng lưới triển khai hàng loạt các hoạt động hỗ trợ cho start-up vùng, các hoạt động chính như: Tổ chức cuộc thi khởi nghiệp, thành lập ban cố vấn quốc tế; CLB các chuyên gia tư vấn; thành lập trung tâm khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức các chuyến tham quan, học tập trong và ngoài nước… Mạng lưới với sự ủng hộ, tham gia của 13/13 tỉnh, thành; thành viên Mạng lưới là các cơ quan đầu mối tại 13 tỉnh/thành, được giao chức năng hỗ trợ và thúc đẩy khởi nghiệp của tỉnh.
Hoạt động hội viên và DN: VCCI ĐBSCL đã đẩy mạnh các hoạt động phát triển hội viên và tổ chức các hoạt động sự kiện để cung cấp thông tin tình hình kinh tế, các hiệp định thương mại, dự báo tình hình kinh tế vĩ mô, xây dựng văn hóa DN,… Quan tâm hỗ trợ giải quyết vướng mắc cho DN thông qua vận động chính sách, vận động thành lập các hiệp hội DN, tham gia đối thoại DN với chính quyền địa phương, tham gia vận hành hoạt động Hội đồng Hiệp hội DN,… từ đó tham gia sâu hơn trong các hoạt động hỗ trợ DN.
Hợp tác với tỉnh Hậu Giang khảo sát DDCI
Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 59-NQ/TW ngày 05/8/2020 về xây dựng và phát triển TP.Cần Thơ và Nghị quyết 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân,… đang đặt ra những vấn đề nào đối với sự phát triển DN, cải thiện môi trường kinh doanh của thành phố? Với trọng trách của mình, VCCI ĐBSCL sẽ nỗ lực góp phần thúc đẩy ra sao?
Nghị quyết 41-NQ/TW đã đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ bảo đảm thực hiện các quan điểm, mục tiêu đã xác định, phù hợp với bối cảnh và tình hình mới, trong đó phát huy vai trò của VCCI, các tổ chức đại diện đội ngũ doanh nhân, DN.
Với vai trò và chức năng của mình, VCCI ĐBSCL sẽ: (1) Lắng nghe, tập hợp, phản ánh, phối hợp giải quyết những tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của DN, doanh nhân; (2) Tổ chức các khóa đào tạo bồi dưỡng kiến thức cho doanh nhân, DN; (3) Thúc đẩy phát triển khởi nghiệp, có chính sách hỗ trợ doanh nhân nữ, doanh nhân trẻ phát triển; (4) Tập hợp, liên kết, hợp tác, hỗ trợ DN, doanh nhân phát triển bền vững; (5) Hỗ trợ pháp lý, thực hiện các kiến nghị chính sách cho phát triển DN; (6) Cổ vũ, tôn vinh các DN, doanh nhân có thành tích xuất sắc; (7) Tham gia các ngành có liên quan tại địa phương (Liên đoàn Lao động, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội,…) trong xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa giữa người lao động và DN; (8) Vận động đội ngũ doanh nhân thực hiện chuẩn mực đạo đức, văn hóa kinh doanh,…
Trân trọng cảm ơn bà!
Ngô Khuyến (Vietnam Business Forum)