Nhiều thông tin mới cho doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc
Trong số các thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, Trung Quốc đang giữ vị thế là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ 2, sau Mỹ. Trong bối cảnh tình hình xuất khẩu của Việt Nam gặp không ít khó khăn do kinh tế thế giới phục hồi chậm, nhu cầu tiêu dùng tại EU, Mỹ suy giảm, Trung Quốc vẫn là thị trường nhiều tiềm năng.
Năm 2022, GDP của Trung Quốc đã đạt đến mức trên 19.605 tỷ USD, xếp thứ 2 thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ đạt 23.000 tỷ USD. Không chỉ có lợi thế thị trường lớn với dân số đứng đầu thế giới, Trung Quốc còn có lợi thế về vị trí, tập quán tiêu dùng tương đồng và cũng đã có quan hệ kinh tế thương mại với Việt Nam từ lâu đời.
Trung Quốc cũng đã có thỏa thuận hợp tác song phương với Việt Nam, cũng như các hiệp định đa phương Việt Nam, Trung Quốc (như Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP); giai đoạn tới, Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh việc tham gia vào Hiệp định Đối tác Toàn diện và xuyên Thái Bình Dương (CTCPP)…. Quan hệ kinh tế thương mại với Trung Quốc là một trong những mục tiêu ưu tiên trong chính sách kinh tế đối ngoại của Việt Nam.
Tuy nhiên, với nhiều chủ trương, chính sách mới trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt kể từ khi Trung Quốc dỡ bỏ chính sách “Zero-Covid” sau một thời gian dài hạn chế giao thương và mở cửa trở lại từ hồi đầu năm nay, thị trường gần 1,5 tỷ dân này không còn “dễ tính”. Theo Bộ Công Thương, 3 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt trên 45 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 11,5 tỷ USD, giảm 13,8% so với cùng kỳ năm 2022. Nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc đạt trên 23,5 tỷ USD, giảm 14,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Bên cạnh đó, các nhà xuất khẩu và các thương gia nhiều nước cũng tập trung vào thị trường Trung Quốc sau mở cửa, khiến áp lực cạnh tranh rất lớn. Điều này đòi hỏi các cơ quan, lực lượng chức năng của Việt Nam và các doanh nghiệp cần nắm bắt rõ thông tin, triển khai đồng bộ các giải pháp để hàng hóa xuất khẩu thuận lợi vào thị trường này.
Thông tin kịp thời về những diễn biến mới nhất từ thị trường Trung Quốc, ông Lương Văn Tài – đại diện Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh cho biết tháng 4 vừa qua, Quốc vụ Viện Trung Quốc ban hành “Ý kiến về thúc đẩy ổn định quy mô và cơ cấu ngoại thương”, trong đó đáng chú ý là việc sửa đổi “Biện pháp quản lý thương mại cặp chợ biên giới” nhằm tạo môi trường, chính sách đa dạng hóa thương mại cặp chợ biên giới, tăng cường nhập khẩu từ các nước lân cận. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng quy định về đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài yêu cầu doanh nghiệp nước ngoài hoàn thiện hồ sơ gia hạn trên Hệ thống thương mại một cửa (CIFER).
Bên cạnh đó, đại diện Thương vụ Việt Nam cho biết thêm, Trung Quốc hiện có những động thái siết chặt quản lý kiểm soát dịch cúm gia cầm, dịch tả lợn châu phi, dịch đậu mùa khỉ… Do đó, các Hiệp hội cần tích cực nắm bắt thông tin, diễn biến dịch trên thế giới và nguy cơ lây lan trong nước để kịp thời cảnh báo doanh nghiệp sản xuất có các biện pháp tránh lây nhiễm và đẩy mạnh làm tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm.
Chia sẻ kinh nghiệm về những mặt hàng có thế mạnh XK vào thị trường này như rau quả, thủy sản, thiết bị máy móc, ông Nguyễn Văn Tài lưu ý các doanh nghiệp thủy sản cần chủ động trong việc đăng ký gia hạn xuất khẩu trên hệ thống CIFER, tránh đăng ký gia hạn vào gần thời điểm hết hạn. Các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây cần làm tốt công tác quản lý vùng trồng, đặc biệt là kiểm soát sinh vật gây hại trên sản phẩm.
Cập nhật thông tin mới về tiềm năng xuất khẩu vào thị trường Trùng Khánh, bà Triệu Thúy Nga – Trưởng đại diện Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Trùng Khánh giới thiệu cửa khẩu Quả Viên Cảng thành phố Trùng Khánh đã được nghiệm thu đủ điều kiện về kho bãi giám sát quản lý chỉ định nhập khẩu lương thực tháng 3/2023. Đây là cửa khẩu đầu mối kết nối 3 loại hình vận tải đường thủy, đường sắt và đường bộ, thời gian vận chuyển chỉ khoảng 4-5 ngày. Hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam còn có thể đến Trùng Khánh và kết nối với chuyến tàu liên vận Trung Quốc – Châu Âu, từ Trùng Khánh đi Châu âu (qua Kazakhstan, Nga, Bealrus, Ba Lan, Đức và từ Đức tỏa đi các nước Châu âu khác), thời gian khoảng 20-25 ngày (tuần 2 chuyến). Đây là cơ hội để hàng hóa Việt Nam có thể tiếp cận thêm nhiều thị trường mới.
Dự báo, trong quý II/2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ có sự cải thiện nhất định. Trong nhóm hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Trung Quốc bao gồm: Nhóm hàng chế biến, chế tạo, đạt 9,5 tỷ USD, giảm 11,26% và nhóm hàng nông, thủy sản đạt 1,8 tỷ USD, tăng 2,39%. |
Hương Ly (Vietnam Business Forum)