Nhà đầu tư chú ý gì trước ứng phó khủng hoảng tài sản và nợ của Trung Quốc?
Thị trường đang tìm kiếm một lộ trình rõ ràng về cách Trung Quốc đối mặt với khủng hoảng tài sản và nợ chính quyền địa phương, cũng như giải quyết mất cân đối nợ nần giữa tiêu dùng và đầu tư.
Một năm sau khi mở cửa trở lại với thế giới hậu Covid-19, kinh tế Trung Quốc chỉ bùng nổ trong thời gian đầu, sau đó kinh tế nước này luôn trong áp lực giảm phát tới nay. Quá trình phục hồi không như kỳ vọng khi đầu tư và chi tiêu tiêu dùng đều tăng trưởng chậm hơn dự kiến, cùng với rủi ro lớn đến từ lĩnh vực bất động sản đã tiếp tục kìm hãm tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Nỗi lo trên thị trường vốn
Giá sản xuất giảm do nhu cầu tiêu dùng suy yếu, điều này góp phần khiến giá tiêu dùng tháng 11 ở mức âm – mức giảm nhanh nhất trong ba năm, -0,5% YoY. Doanh số bán lẻ – một thước đo quan trọng về tiêu dùng nội địa – tăng 10,1% vào tháng 11, thấp hơn ước tính 12,9% của các nhà kinh tế. Tuy vậy, kết quả này vẫn tốt hơn con số 7,6% của tháng 10. Thêm vào đó, tình trạng sụt giảm giá nhà ở ngày càng trầm trọng, lo ngại về vòng xoáy giảm phát và tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên ở mức cao.
Một cách dĩ nhiên, thị trường chứng khoán Trung Quốc đang trải qua giai đoạn hỗn loạn. Chỉ số CSI300 chạm mức thấp nhất trong 3 năm vào ngày 15/1. Bên cạnh đó, chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông mất hơn 6 nghìn tỷ USD giá trị thị trường kể từ đầu năm.
Nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đều thừa nhận rằng niềm tin vào nền kinh tế Trung Quốc đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.
Vừa qua, Trung Quốc đã đưa ra nhiều động thái cho thấy Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đang ngày càng lo lắng đến việc ngăn chặn tình trạng niềm tin thị trường sụt giảm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. PBoC đã mạnh tay cắt giảm 50 điểm cơ sở tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR), đưa tỷ lệ RRR tiêu đề xuống còn 10% đối với các ngân hàng, hiệu lực từ đầu tháng 2.
Đây là động thái lớn hơn dự kiến, cho thấy phản ứng mạnh mẽ đối với nền kinh tế đang chững lại, kết hợp với việc chính phủ xem xét gói giải cứu khoảng 2.000 tỷ NDT (280 tỷ USD) có thể khơi dậy niềm tin tích cực.
Tuy nhiên, tác động này sẽ không kéo dài, kể từ sau đại dịch, tác động của nới lỏng tiền tệ đối với chứng khoán đã giảm đi đáng kể. Để tạo ra tác động lâu dài lên thị trường chứng khoán, cần có một cái nhìn rõ ràng hơn về hướng đi của chính sách và triển vọng tăng trưởng. Do đó, mọi câu chuyện sẽ chỉ có ý nghĩa khi các chính sách kích thích mà Bắc Kinh sẽ triển khai trong tương lai được xác định là mang lại hiệu quả thực cho nền kinh tế.
Tác động đến Việt Nam
Nhu cầu tiêu dùng Trung Quốc yếu và kéo dài dai dẳng tác động tới đà phục hồi của kinh tế toàn cầu, tạo áp lực giảm giá lên nhiều hàng hóa, và ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam. Năm 2023, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, trong khi Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực ASEAN. Nhu cầu yếu sẽ làm cầu vào Trung Quốc giảm, ảnh hưởng tới cán cân thương mại trong ngắn và dài hạn, nhà đầu tư cần lưu ý đến các ngành nghề có tỷ lệ xuất khẩu cao sang Trung Quốc như dệt may, thủy sản,…
Tuy nhiên, mặt tích cực là Việt Nam có thể thu hút dòng vốn và đầu tư FDI nhờ sự suy yếu của Trung Quốc. Các nhà sản xuất trên thế giới đang triển khai chiến lược giảm phụ thuộc vào Trung Quốc thông qua chuyển dịch sản xuất qua các thị trường khác. Việt Nam do đó cũng được kỳ vọng sẽ hưởng lợi nhờ nền chính trị ổn định và là điểm sáng trong nền kinh tế toàn cầu. Các ngành như công nghệ thông tin, bất động sản khu công nghiệp, … được kỳ vọng lớn từ triển vọng của làn sóng chuyển dịch này.
Có những câu hỏi được nhiều nhà đầu tư đặt ra đối với kinh tế Trung Quốc và chính sách nới lỏng tiền tệ, hỗ trợ/ giải cứu thị trường bất động sản. Trong đó, liệu rằng với việc cần phải cứu thị trường bất động sản, nhưng cũng không được kích thích quá mức để tạo nên tình trạng bong bóng và tạo áp lực ổn định tài chính lên các ngân hàng, các chính sách hiện tại đã đủ liều lượng và làm thế nào người dân có thể nhìn thấy sự ổn định của thị trường bất động sản, từ đó cải thiện tâm lý và chi tiêu nhiều hơn?
Cũng như, cú sụp đổ của “tượng đài” địa ốc Evergrande Group với khối nợ 300 tỷ USD không có phương án giải quyết và Tối cao Hồng Kông (Trung Quốc) đã phải ra phán quyết thanh lý tài sản, sẽ tác động ra sao thị trường vốn và thị trường bất động sản vẫn đang mong manh của Trung Quốc trong 2024?
Cùng với đó, những khó khăn khi đối mặt khủng hoảng tài sản và nợ địa phương, cộng hưởng chính sách nới lỏng và bơm tiền, vốn kéo đồng NDT có thời điểm xuống thấp kỷ lục so với USD và các đồng tiền chủ chốt, liệu có tiếp tục diễn ra trong 2024 và làm tăng sức cạnh tranh cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc?…
Có thể nói, ở vị thế của Việt Nam, quốc gia có mối quan hệ kinh tế thương mại gắn bó cùng Trung Quốc, những chuyển biến sắp tới đối với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này sẽ ảnh hưởng nhất định và do đó, các dữ liệu liên quan đến Trung Quốc, bao gồm các biến động thị trường vốn, tiền tệ tỷ giá… cần phải được theo dõi sát sao thêm.