Năm 2024 tình trạng vi phạm trong lĩnh vực thông tin điện tử đã giảm đáng kể
Ngày 28/11, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tổng kết, đánh giá hoạt động lĩnh vực thông tin điện tử năm 2024, định hướng năm 2025 và phổ biến và hướng dẫn triển khai Nghị định số 147/2024/NĐ-CP của Chính phủ. Đồng chí Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ TT-TT chủ trì hội nghị.
Báo cáo đánh giá hoạt động ngành năm 2024, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử Nguyễn Thị Thanh Huyền cho biết, trong năm qua, Bộ đã triển khai một số giải pháp nhằm quản lý hoạt động trang TTĐT tổng hợp, MXH như:
– Thường xuyên có văn bản lưu ý, nhắc nhở các tổ chức; doanh nghiệp thiết lập MXH hoạt động theo đúng quy định của pháp luật; – Hướng dẫn các trang TTĐT tổng hợp, MXH điều tiết tỉ lệ thông tin tiêu cực trên không gian mạng, duy trì ngưỡng thông tin tiêu cực trên không gian mạng dưới 15%.
– Hướng dẫn các Sở TT&TT, các MXH triển khai các giải pháp nhằm bảo vệ người sử dụng, phòng chống lừa đảo trên không gian mạng (cảnh báo người dùng, rà quét hành vi lừa đảo…
– Triển khai nhiều giải pháp quyết liệt nhằm chấn chỉnh các hành vi vi phạm khi cung cấp thông tin trên mạng, trong đó xử lý nghiệm các trường hợp có dấu hiệu ”báo hóa” trang TTĐT tổng hợp, MXH.
– Phối hợp với các Sở TTTT địa phương tổng rà soát, siết chặt cấp phép và hoạt động của các trang TTĐT tổng hợp, MXH; không cấp phép cho các trang có tên miền sử dụng những từ, ngữ có thể gây nhầm lẫn là cơ quan báo chí; không cấp phép trang trang TTĐT tổng hợp của cơ quan báo chí.
Theo đồng chí Nguyễn Thị Thanh Huyền, kết quả trong năm 2024, Bộ và Sở TT&TT các địa phương đã kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh 236 trang thông tin điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, tài khoản mạng xã hội. Trong đó, xử phạt 46 trường hợp với tổng số tiền phạt là 1.047.500.000 đồng, nội dung vi phạm chủ yếu: Thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp khi chưa được cấp phép; Thực hiện không đúng quy định trong Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp; Thực hiện không đầy đủ việc đăng ký, lưu trữ và quản lý thông tin cá nhân của người thiết lập trang thông tin điện tử cá nhân trên các mạng xã hội; Không thực hiện chế độ báo cáo định kỳ; Cung cấp dịch vụ không đúng với quy định tại Giấy phép thiết lập mạng xã hội; Không trích dẫn nguồn tin theo quy định.
Ngoài ra, trên cơ sở đề nghị của Bộ, các Sở TTTT địa phương cũng đã thực hiện kiểm tra 1.040 trang TTĐT tổng hợp, MXH, trong đó đã phát hiện, xử lý và chấn chỉnh 290 trang thông tin điện tử có dấu hiệu vi phạm quy định pháp, trong đó có 20 trường hợp biểu hiện “báo hóa”; rà soát xử lý 83 tên miền có dấu hiệu vi phạm và buộc thu hồi 02 tên miền; tiếp nhận và xử lý 23 đơn, thư phản ánh về hoạt động của các trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Nhờ đó, tình trạng vi phạm trong lĩnh vực này trong năm 2024 đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội hoạt động như báo chí gây nhầm lẫn cho độc giả, thể hiện từ hình thức, nội dung trang, đến việc tổ chức nhân lực, hoạt động nghề nghiệp, biểu hiện như:
(1) Trang TTĐT tổng hợp chỉ tập trung tổng hợp các thông tin tiêu cực đang “nóng”, “giật gân”, những bất cập và tồn tại của xã hội để thu hút độc giả, làm tăng lượng truy cập phục vụ việc bán quảng cáo;
(2) MXH tổ chức sản xuất tin bài như báo chí và cho đăng lên dưới hình thức các thành viên mạng xã hội, tạo thành hệ sinh thái, đồng loạt đăng bài tiêu cực, gây áp lực đến tổ chức, cá nhân;
(3) Giao diện, tên miền gây nhầm lẫn khiến độc giả khó phân biệt trang TTĐT tổng hợp, MXH và của cơ quan báo chí;
Ngoài ra, một số MXH trong nước đã có những nỗ lực, bứt phá để thu hút người dùng trong nước và đã lọt top 10 mạng xã hội trên Apple Store Việt Nam, điển hình như MXH YooLife. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng các doanh nghiệp “lợi dụng” giấy phép thiết lập mạng xã hội để cung cấp các dịch vụ ứng dụng chuyên ngành, điển hình là dịch vụ VOD, đào tạo trực tuyến, khám chữa bệnh trực tuyến…
TGA