Một doanh nghiệp tăng trưởng xuất khẩu giữa mùa dịch nhờ nền tảng TMĐT Alibaba.com

Đi vào phân khúc ngách chuyên sản xuất bao bì cho linh kiện điện tử, bao bì công nghiệp, Proline đã tăng trưởng đột phá nhờ chọn phương thức xuất khẩu trực tuyến “không ngách” – B2B – qua Alibaba.com.

Bà Nguyễn Xuân Hải Yến, Phó Giám đốc CTy TNHH Sản xuất và Thương mại Proline chia sẻ cùng Diễn đàn Doanh nghiệp.

Một doanh nghiệp tăng trưởng xuất khẩu giữa mùa dịch nhờ nền tảng TMĐT Alibaba.com
Bà Nguyễn Xuân Hải Yến chia sẻ về kinh nghiệm sử dụng phương thức xuất khẩu trực tuyến B2B tại Hội nghị Quốc Tế Xuất Khẩu Trực Tuyến qua Alibaba.com lần 2 ở TP HCM

Càng tiếp cận sớm TMĐT, càng có sức bật cao

– Năm 2021, được biết, Proline vẫn đạt doanh thu xuất khẩu tăng trưởng 200% so với năm 2020, làm thế nào để Proline đạt được tăng trưởng tích cực như vậy trong bão dịch, thưa bà?

Có thể nói một phần là do… may mắn, bởi khi đại dịch xảy ra công ty đã có nền tảng sẵn có về TMĐT trực tuyến. Công ty đã có định hướng làm xuất khẩu từ 2015 và đi vào bắt đầu từ 2016, thì ngay từ chính những ngày đầu 2015, Proline đã thành lập gian hàng thương mại điện tử (TMĐT) trên Alibaba.com. Đây là một trong những sàn TMĐT B2B lớn nhất thế giới, quy tụ rất nhiều doanh nghiệp trên toàn cầu. Với việc định vị mình là doanh nghiệp sản xuất B2B, bắt buộc phải “đi 2 chân” cả thị trường trong nước lẫn xuất khẩu và việc làm sản phẩm bao bì nên phát triển thị trường xuất khẩu là tất nhiên, do đó việc đầu tư cho gian hàng TMĐT cũng trở thành tất yếu. Đến 2020, do COVID -19, sự dịch chuyển các chuỗi cung ứng toàn cầu đã xảy ra, các doanh nghiệp quốc tế cũng đã quan tâm hơn đến các nhà cung cấp từ Việt Nam. Sự chuẩn bị và tiếp cận với nền tảng TMĐT + thời điểm, đã giúp chúng tôi đạt được sức bật đáng kể.

Việc có gian hàng TMĐT trên nền tảng Alibaba.com từ rất sớm khi chưa có kinh nghiệm gì, có khiến Proline gặp khó khăn gì hay không?

Chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, có cả thất bại và cay đắng nữa. Năm 2015 chúng tôi mở gian hàng trên Alibaba.com, tuy nhiên trong suốt khoảng thời gian gần 3 năm từ 2015-2017, công ty đã không đầu tư đúng mức về tài nguyên (nhân sự, thời gian, công sức) đồng thời tiếp cận sai phương pháp, không có kế hoạch cụ thể nên không hề có hiệu quả, ví như bỏ tiền ra thuê mảnh đất mà không đầu tư để cỏ dại mọc đầy.  Đến 2018, chúng tôi nhận thấy không thể bỏ phí tài nguyên, chi phí thời gian và cơ hội như thế, nhất là trong làn sóng chuyển đổi số đang diễn ra thì TMĐT là kênh chắc chắn phải đầu tư “đến nơi đến chốn”. Do đó tôi nhận đảm trách xây dựng lại gian hàng này. Chúng tôi đầu tư lại từ đầu, từ thiết kế giao diện, hình ảnh để tạo được đầy đủ thông tin mà khách hàng khi vào gian hàng, sẽ nắm được đầy đủ về công ty từ nhà xưởng, nhà máy, sản phẩm, các chứng nhận chất lượng… mới có niềm tin để tiếp tục đặt nền tảng hợp tác với mình.

Ở giai đoạn đầu mới làm lại, chúng tôi không đặt mục tiêu to lớn ngay mà đặt mục tiêu năm đầu phải trở thành gian hàng 3 sao. Bản thân tôi cũng gặp khó khăn vì còn phải lo nhiều công việc khác của công ty, lại chưa hiểu rõ về từng thị trường xuất khẩu ví dụ như thị trường Nhật thì yêu cầu tiêu chuẩn, thị trường Mỹ thì có rào cản ra sao… Tôi vừa bắt đầu tìm hiểu vừa tham gia mọi khóa đào tạo của Alibaba.com, tìm hiểu về thanh toán quốc tế, tìm hiểu về nhu cầu thị trường… từ đó định vị thị trường và sản phẩm và bắt đầu phát triển lên.

“Chúng tôi học chăm sóc khách hàng từ Alibaba”

-Ngoài tham gia các khóa đào tạo của Alibaba.com, Proline được hỗ trợ gì thêm không?

Có thể nói, khâu chăm sóc khách hàng của Alibaba.com rất cao, rất chuyên nghiệp. Tôi luôn lấy đội ngũ Alibaba.com ra làm gương cho các nhân sự làm xuất khẩu trực tuyến của mình, đặc biệt về sự chuyên nghiệp và các giá trị mà đội ngũ họ tạo ra. Chẳng hạn như khi gặp vướng mắc về từ khóa, việc tiếp cận khách hàng không hiệu quả, Proline lập tức thông báo cho Alibaba.com. Đại lý của họ (admin), ngay trong ngày thậm chí hẹn giờ họp online, xử lý ngay, nếu cần có thể mời cả chuyên gia của Alibaba vào để họ tư vấn, cùng mổ xẻ vấn đề, tìm nguyên nhân và tháo gỡ ngay.

Một doanh nghiệp tăng trưởng xuất khẩu giữa mùa dịch nhờ nền tảng TMĐT Alibaba.com
Dây chuyền sản xuất bao bì của Proline. Ảnh: Proline

Ngoài ra, với tệp khách hàng khổng lồ của mình, các tính năng trên Alibaba.com cho phép khách hàng sử dụng hot search, tìm kiếm khách hàng  theo nhu cầu để điều hướng kết nối đến những nhà cung cấp theo đúng trọng tâm, nhu cầu họ đang tìm. Chẳng hạn như Proline làm về bao bì xuất khẩu, thì sẽ có từ khóa liên quan toàn cầu, và từng thị trường khác nhau sẽ có từ khóa khác nhau, các từ khóa hầu hết không giống như mình nghĩ. Đó là tính năng rất hay để khách hàng B2B được chuyên biệt hóa trên từng thị trường.

Vậy từ 2018 – nay khi tập trung cho TMĐT, mảng xuất khẩu tại Proline chuyển động như thế nào?

100% doanh thu xuất khẩu của Proline ghi nhận đều là từ TMĐT. Năm 2020 chúng tôi xuất khẩu được 7 quốc gia, đến 2021 là 12 quốc gia. Trong lĩnh vực Proline kinh doanh, đó là thị trường ngách chuyên về bao bì xuất khẩu đựng các sản phẩm linh kiện điện tử, thì không chỉ Proline mà các doanh nghiệp Việt Nam đều là “sinh sau đẻ muộn”, trong khi các doanh nghiệp láng giềng như ở Trung Quốc họ đã làm nhiều năm, đầy kinh nghiệm và rất tốt. Do đó khi mình “chen chân” vào lĩnh vực này thì sự cạnh tranh là khốc liệt. Nhưng phải nói nhờ sự hỗ trợ của nền tảng trực tuyến, những khó khăn của doanh nghiệp quy mô còn khiêm tốn như Proline cũng được giảm đi rất nhiều. Chẳng hạn như giảm được chi phí tiếp cận, làm thị trường, mà nói thật doanh nghiệp nhỏ thì vốn liếng hầu như đã đầu tư vào nhà xưởng, máy móc hết, nên chi phí làm thị trường là rất eo hẹp. Ngoài ra là hỗ trợ đào tạo nhân sự, hỗ trợ kết nối khách hàng qua rất nhiều chương trình, sự kiện hội nghị trực tuyến, offline. Alibaba.com cũng hỗ trợ cả chi phí thiết kế gian hàng sao cho đẹp mắt, phù hợp tìm kiếm khách hàng, đăng tải thông tin sao cho hiệu quả… Đặc biệt, qua Alibaba.com, việc tiếp cận, tìm kiếm, hợp tác khách hàng khiến chúng tôi rất yên tâm vì họ có “xác thực”.

-Vậy bà có nhận định gì về triển vọng xuất khẩu B2B trên nền tảng TMĐT của doanh nghiệp Việt Nam nói chung thời gian tới?

Tôi cho rằng doanh nghiệp phải có sự mạnh dạn để triển khai TMĐT. Năm 2022, ở phía doanh nghiệp, chúng ta bước vào giai đoạn hậu COVID-19 và chắc chắn sẽ có những chiến lược thích ứng bối cảnh mới. Chiến lược như thế nào cũng nên có sự cân nhắc để bắt tay và đặt mục tiêu dài hơi, ít nhất 5-10 năm với TMĐT. Chúng ta muốn làm ăn lâu dài trên thị trường lớn, bước ra xa lộ, chuyển số và phát triển TMĐT thì tư duy cũng phải “độ” như “độ xe” Lamboghini để thích ứng và chạy với vận tốc tốt nhất trên xa lộ ấy.

Tôi cho rằng ở Việt Nam, hiện thị trường TMĐT B2C đã rất bùng nổ. Thị trường TMĐT B2B thì còn quy mô khiêm tốn  hơn. Tuy nhiên với nhu cầu và xu hướng của toàn cầu, các doanh nghiệp tất yếu sẽ đi tìm kiếm những thị trường rộng lớn, sẽ ngày càng quan tâm đến TMĐT như một kênh kinh doanh hiệu quả và qua đó giúp họ trưởng thành.

Xin cảm ơn bà đã chia sẻ!

Theo L.MỸ (Diễn đàn doanh nghiệp)

Bài Viết Liên Quan

Back to top button