Mở ra ồ ạt, tour trại hè, học kỳ quân đội bớt ‘nóng’
Các chương trình học tập trải nghiệm như tour kỹ năng, tour trải nghiệm nghề nghiệp, đặc biệt là trại hè cho học sinh, phục hồi và bùng nổ vào kỳ nghỉ hè 2022.
Đến hè năm nay, các chương trình này đã bão hòa và tạo sự cạnh tranh gay gắt.
Sau Covid-19, trại hè phát triển ồ ạt
Những ngày cuối của năm học 2022-2023, phụ huynh lớp 5 trường liên cấp tại Hưng Yên rủ nhau cho con tham gia khóa tu mùa hè tại một chùa ở Thanh Trì, Hà Nội. Năm nay, nhà chùa tổ chức hai khóa tu, 5-11/6 và 19-25/6. Chùa không quy định mức phí phải nộp, mà tùy phụ huynh phát tâm ủng hộ.
Không kịp đăng ký khóa 1, nhiều phụ huynh đợi đến khóa 2 vẫn trượt vì nhà chùa khóa sổ. Lý do là bởi số học sinh đăng ký quá đông, nhất là kỳ 2, lên tới trên 650 em trong độ tuổi 12-18. Phần lớn các em đến từ Hà Nội và các tỉnh lân cận như Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương.
“Nhiều bố mẹ xót con nhưng tôi nghĩ khóa tu rất tích cực, giúp con rời xa điện thoại, iPad, biết sống tự lập, yêu thương hòa đồng với các bạn. Chỉ tiếc là tôi chậm chân không kịp đăng ký”, chị Hạnh, một phụ huynh ở Khu đô thị Ocean Park (Hà Nội), nói.
Tham gia đào tạo kỹ năng, học sinh được học cách tự lập, yêu lao động. Ảnh: NVCC. |
Tuy nhiên, không phải khóa tu mùa hè, khóa đào tạo kỹ năng hay trại hè nào cũng đông học sinh đăng ký như vậy.
Ông Lê Công Năng, Tổng giám đốc Wondertour Việt Nam, chuyên gia kỹ năng, cho biết sau khi Việt Nam mở cửa du lịch (ngày 15/3/2022), tour dã ngoại cùng các hoạt động trải nghiệm như tour kỹ năng, tập làm nghề, đặc biệt là trại hè cho học sinh, đã phục hồi và đạt đỉnh vào kỳ nghỉ hè.
Tuy nhiên, sang hè năm nay, tình hình đặt tour và trại hè kỹ năng đã giảm nhiệt so với 2022 và những năm trước đó do sức mua toàn thị trường giảm. Ngoài ra, bởi hiệu quả huấn luyện không cao từ một số đơn vị tổ chức, vận hành trước đó.
Chia sẻ về khóa đào tạo kỹ năng hè năm ngoái con gái 10 tuổi tham gia tại Thái Nguyên, chị Nguyễn Thị Hà ở Khu đô thị Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội) kể chị cho con đi để giúp con gắn bó với thiên nhiên, rèn tính tự lập, chăm chỉ lao động. Tuy nhiên, cơ sở vật chất tại nơi con chị ở lại chưa đảm bảo.
“Đồng ý là các con sẽ không ở trong phòng điều hòa suốt ngày, nhưng đi về thấy con kể chỉ được ở nhà cấp 4, tối dùng quạt điện, muỗi thi nhau đốt. Nhà tắm và nhà vệ sinh là nhà tranh vách đất, mưa thì dột, ẩm mốc, tường rêu bám đầy. Thế nên năm nay vừa nhắc tới chuyện đi trại hè, con gái tôi lắc đầu quầy quậy”, chị Thảo nói.
Trao đổi với phóng viên VietNamNet, bà Dương Kim Tuyến, Giám đốc trung tâm ABA, cũng nhận xét Hà Nội hiện có hàng trăm chương trình trại hè, đào tạo kỹ năng, trong khi 12 năm trước chỉ có ba cơ sở. “Có quá nhiều trại hè ồ ạt mở ra đào tạo kỹ năng sống, dẫn đến bão hòa”, bà nói.
Chưa kể, do khó khăn về kinh tế, hè năm nay, số lượng cha mẹ đăng ký học các chương trình này cho con em giảm rất nhiều, dù trung tâm đã cố gắng duy trì mức phí hợp lý, thậm chí còn giảm giá từ 10-15% cho các con đăng ký sớm so với ngày khai giảng.
Cạnh tranh hơn
Theo số liệu từ Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), thời gian gần đây, một số hoạt động, khóa học được tổ chức ngoài nhà trường như học kỳ quân đội, cảnh sát, lính cứu hỏa, trại hè trong nước và quốc tế, khóa tu mùa hè… thu hút hàng nghìn trẻ em tham gia. Trong đó, học kỳ quân đội từ 100 em đến 600 em, học kỳ công an từ 100 em đến 300 em, khóa tập tu mùa hè từ 300 em đến hàng nghìn em tham gia. Kinh phí mỗi khóa học khoảng từ vài triệu đồng đến hàng chục triệu đồng.
Các trại hè quốc tế cũng nở rộ, chi phí từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, như trại hè Singapore khoảng 50 triệu đồng; trại hè Australia khoảng 65 triệu đồng; trại hè Mỹ khoảng 120-200 triệu đồng.
Kinh phí mỗi khóa học khác nhau, như học kỳ quân đội khoảng 4-7 triệu đồng; trại hè 3-6 triệu đồng. Ảnh: NVCC. |
Thừa nhận thực tế số lượng trung tâm đào tạo kỹ năng, trại hè bùng nổ đáp ứng nhu cầu tăng cao sau 2 năm đại dịch Covid-19, nhưng ông Phạm Duy Nhân, CEO Trung tâm Giáo dục kỹ năng sống và Phát triển tài năng Everest (Hải Dương), cho rằng các bậc phụ huynh sẽ có nhiều lựa chọn. Ông nhận xét mọi năm, các bố mẹ ít quan tâm đến giá cả thì năm nay họ cân nhắc hơn, khảo sát chương trình kỹ hơn, tạo áp lực cạnh tranh về giá, chất lượng dịch vụ lên các trung tâm, trại hè.
Cơ sở nào có giá tốt, lựa chọn địa điểm phù hợp, nội dung hấp dẫn và luôn đổi mới, sáng tạo sẽ thu hút được đông trẻ hơn.
Do đó, hè năm nay, ngoài trại hè ở Côn Sơn – Chí Linh (Hải Dương), trung tâm của ông Nhân có thêm địa điểm Đồ Sơn (Hải Phòng) và Đại học VinUni (Hà Nội). Chương trình đào tạo, thay vì liên quan đến tập huấn về sơ cấp cứu, phòng chống hỏa hoạn, xâm hại trẻ em như năm ngoái, năm nay chú trọng phòng chống đuối nước.
Tuy mức giá có tăng một chút, dao động 4,5-5,5 triệu đồng/em chương trình thường, 6,5-7,5 triệu đồng chương trình VIP, song trung tâm vẫn tăng được số lượng từ 2 lớp lên 3 lớp, mỗi lớp 100 bạn nhỏ.
Cũng nhằm thu hút, lôi kéo học sinh tham gia các tour trại hè, bà Dương Kim Tuyến cho hay, ABA đang đưa các hoạt động này về tổ chức trực tiếp tại các trường, ăn bán trú nửa ngày. Các con sẽ tự nguyện đăng ký tham gia khóa học, với mức phí dự kiến 200.000 đồng/ngày.
Ngoài ra, trung tâm cũng hướng đến phụ huynh nhiều hơn trong việc thay đổi cách tiếp cận, trò chuyện để thuyết phục con rời xa smartphone, thoát khỏi vùng an toàn, tham gia các hoạt động ngoài trời, giao lưu bạn bè và học tập các kỹ năng hữu ích, cần thiết cho trẻ.
Hay Hanoi Tourism vừa đưa vào hoạt động tour Trại hè đa kỹ năng 2023. Điểm khác biệt, theo Tổng giám đốc công ty Nhữ Thị Ngần, là trại hè lần đầu được tổ chức tại Bình Liêu – huyện miền núi của Quảng Ninh. Đây là điểm du lịch nên ngoài học các kỹ năng và khám phá tự nhiên, trẻ còn được đi dã ngoại, thăm cột mốc biên giới, giao lưu với bộ đội biên phòng hay với đồng bào dân tộc trên địa bàn.