Giáo dục đạo đức là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong giáo dục phổ thông

Ngày 25/10, tại Hà Nội Liên hiệp Hội Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu hợp tác phát triển giáo dục tổ chức hội thảo “Giáo dục đạo đức cho học sinh phổ thông – Thực trạng và giải pháp”.

Giáo dục đạo đức là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong giáo dục phổ thông
Hội thảo “Giáo dục đạo đức cho học sinh phổ thông – Thực trạng và giải pháp”

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam, PGS. TS  Phạm Quang Thao cho biết: Đạo đức là nền tảng để phát triển năng lực và các phẩm chất khác của nhân cách. Con đường chủ yếu để hình thành đạo đức là thông qua giáo dục và hoạt động hằng ngày. Đối với nhà trường phổ thông, giáo dục đạo đức cho học sinh là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

Thực tiễn giáo dục đạo đức cho học sinh trong nhiều năm gần đây đang là vấn đề được toàn ngành giáo dục và cả xã hội quan tâm. Các vụ việc vi phạm đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật khiến cho dư luận xã hội hết sức lo lắng, bức xúc với tình trạng xuống cấp, suy thoái đạo đức của học sinh. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các nhà trường phổ thông hiện nay chỉ chú trọng dạy văn hóa mà chưa coi trọng đúng mức về giáo dục đạo đức.

Giáo dục đạo đức là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong giáo dục phổ thông
Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam, PGS. TS  Phạm Quang Thao phát biểu tại hội thảo

Trước thực tế đó, cuộc hội thảo được tổ chức nhằm thu thập ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học về giáo dục, từ đó đề ra những giải pháp ngăn chặn nguy cơ dẫn đến suy thoái đạo đức của học sinh cũng như những kiến nghị đối với cơ quan chức năng về cơ chế, chính sách và phương thức quản lý, giáo dục để ngăn chặn nguy cơ dẫn đến suy thoái đạo đức của học sinh – Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Phạm Quang Thao nói.

Chia sẻ tại hội thảo, PGS.TS. Tô Bá Trượng – Viện Nghiên cứu hợp tác phát triển giáo dục cho biết, giáo dục đạo đức cho học sinh phổ thông hiện nay có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong việc hình thành nhân cách và phát triển toàn diện cho các em. Giáo dục đạo đức giúp học sinh hiểu và thấm nhuần các giá trị đạo đức, từ đó xây dựng nhân cách và lối sống lành mạnh.

Việc tăng cường giáo dục đạo đức và kỹ năng sống đòi hỏi sự nỗ lực và phối hợp từ nhiều phía, bao gồm nhà trường, giáo viên, gia đình và cộng đồng. Bằng cách tích hợp giáo dục đạo đức vào chương trình giảng dạy, sử dụng các phương pháp giảng dạy đa dạng, xây dựng môi trường học tập tích cực và khuyến khích sự tham gia của gia đình và cộng đồng, có thể giúp học sinh phát triển toàn diện và trở thành những công dân có đạo đức và trách nhiệm.

Theo PGS. TS. Phạm Viết Vượng, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội chia sẻ, giáo dục đạo đức là một nội dung giáo dục quan trọng trong nhà trường góp phần giáo dục nhân cách toàn diện cho học sinh, cần sử dụng các phương pháp và hình thức tổ chức đa dạng, hấp dẫn phù hợp với đặc điểm tâm lý lứa tuổi học sinh.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hành vi lệch chuẩn trong đạo đức, lối sống của học sinh. Do vậy cần có những biện pháp ngăn chặn kịp thời những nguy cơ làm suy thoái đạo đức lối sống của học sinh.  Đặc biệt, nhà trường cần phối hợp với gia đình, chính quyền và các cơ quan, đoàn thể địa phương sớm phát hiện những hành vi lệch chuẩn trong và ngoài nhà trường, để cùng tìm ra các biện pháp ngăn chặn, uốn nắn kịp thời.

PGS. TS. Phạm Viết Vượng đề xuất một số biện pháp giáo dục phòng ngừa những hành vi lệch chuẩn trong đạo đức, lối sống của hóc sinh phổ thông, theo đó cần nâng cao năng lực giáo dục gia đình. Ngành giáo dục nên biên soạn các tài liệu về giáo dục gia đình, đạo đức, lối sống truyền thống và hiện đại của thế giới văn minh cho học sinh và phụ huynh tham khảo.

Đồng thời, nâng cao chất lượng giáo dục nhà trường. Khoa học và thực tiễn đều khẳng định, giao dục đạo đức, lối sống cho học sinh tốt nhất là thông qua giảng dạy các môn khoa học nhằm nâng cao năng lực nhận thức và tư duy độc lập cho các em.

Bên cạnh đó là nâng cao chất lượng giảng dạy các môn khoa học xã hội, đạo đức, giáo dục công dân, lịch sử… qua đó nâng cao chất lượng và hiệu quả phối hợp giữa các lực lượng giáo dục, xây dựng mối quan hệ khăng khít giữa gia đình, nhà trường và xã hội để phối hợp giải quyết các tình huống có thể xảy ra đối với học sinh.

Lê Minh

Bài Viết Liên Quan

Back to top button