Giải pháp phát triển dược liệu theo chuỗi gắn với du lịch sinh thái
Sáng 7/7, tại tỉnh Lai Châu, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Diễn đàn khuyến nông với chủ đề: Giải pháp phát triển dược liệu theo chuỗi giá trị gắn với du lịch sinh thái.
Dự diễn đàn về phía trung ương có các đồng chí: Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NN&PTNT); Trần Minh Ngọc – Phó Cục trưởng Cục Y dược cổ truyền (Bộ Y tế); Hà Quang Anh – Giám đốc Trung tâm, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường); Lại Thanh Hải – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lâm sinh, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam (Bộ NN&PTNT); các đồng chí lãnh đạo, chuyên viên các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT…
Về phía tỉnh Lai Châu có các đồng chí: Nguyễn Trọng Lịch – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT; Trần Mạnh Hùng – Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch; các đồng chí đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh có liên quan; UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh…Dự diễn đàn còn có đại diện lãnh đạo Chi cục Phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông các tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Điện Biên và Sơn La; hơn 150 đại biểu đến từ các hội, hiệp hội, doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân tiêu biểu trong phát triển dược liệu tại các tỉnh vùng trung du miền núi phía Bắc.
Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Việt Nam có hơn 5.117 loài và thứ dưới loài được sử dụng làm thuốc chữa bệnh và bồi bổ sức khỏe. Trong đó, hầu hết loài cây dược liệu quý, hiếm, có giá trị kinh tế cao đều phân bố trong các hệ sinh thái rừng tự nhiên, như: sâm Lai Châu, sâm vũ diệp, tam thất hoang, bách hợp, thông đỏ, vàng đắng…
Hầu hết các loài thảo dược quý, có giá trị đều sống dưới tán rừng, nhất là dưới tán rừng nguyên sinh, ở các đai độ cao khác nhau và các độ tàn che khác nhau. Cho đến nay, cả nước có khoảng 14,79 triệu ha đất có rừng, trong đó rừng tự nhiên là 10,1 triệu ha, chiếm gần 70% diện tích rừng của cả nước. Nhiều địa phương đã và đang phát triển dược liệu trong môi trường rừng.
Chỉ riêng năm 2020, nguồn thu của 4 loại dịch vụ trong các hệ sinh thái rừng của nước ta gồm: dịch vụ cung cấp gỗ và lâm sản ngoài gỗ; dịch vụ môi trường rừng; dịch vụ hấp thụ và lưu trữ các-bon; dịch vụ du lịch sinh thái đã mang lại giá trị khoảng 39.039 tỷ đồng. Trong đó, giá trị thu được từ dịch vụ du lịch sinh thái đạt 2.022 tỷ đồng.
Riêng tại tỉnh Lai Châu với tổng diện tích rừng hiện có là 472.676,04ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên 450.392,33ha, tỷ lệ che phủ rừng 51,87% là địa phương có nhiều tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế dưới tán rừng. Diện tích rừng giàu và rừng trung bình chiếm khoảng 13%, diện tích rừng có độ cao tuyệt đối từ 900 – 1.400m khoảng 29%, diện tích rừng có độ cao tuyệt đối từ 1.400m đến trên 3.100m khoảng 32%, phù hợp cho phát triển nhiều loài cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng có giá trị kinh tế cao. Năm 2022, tỉnh Lai Châu có trên 11.000ha các loại cây lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu như: sâm Lai Châu, bảy lá một hoa, lan Kim Tuyến, thảo quả, sa nhân, tam thất, đương quy, hà thủ ô…
Phát huy tiềm năng thế mạnh, hiện Lai Châu tập trung phát triển hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng dưới tán rừng. Giai đoạn 2011 – 2020 đã thu hút được hơn 2 triệu lượt khách du lịch đến với tỉnh, năm 2022 du lịch Lai Châu đón khoảng 762.000 lượt khách du lịch (trong đó: khách nội địa 758.800 lượt; khách quốc tế 3.200 lượt); tổng doanh thu từ du lịch giai đoạn 2011 – 2020 đạt 3.188 tỷ đồng, doanh thu năm 2022 đạt trên 550 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng trung bình du lịch Lai Châu giai đoạn 2010 – 2020 đạt 14,9%/năm, trong đó tốc độ tăng trưởng trung bình khách du lịch quốc tế đạt 12,59%/năm, khách du lịch nội địa đạt 17,32%/năm.
Phát biểu bế mạc diễn đàn, đồng chí Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh: Diễn đàn “Giải pháp phát triển dược liệu theo chuỗi giá trị gắn với du lịch sinh thái” có ý nghĩa quan trọng giúp cho Bộ NN&PTNT, các cơ quan tham mưu cho Bộ từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc đẩy mạnh phát triển dược liệu theo chuỗi giá trị gắn với du lịch sinh thái và đưa ra những cơ chế, chính sách phù hợp, định hướng hoạt động khoa học công nghệ cần tập trung nghiên cứu trong giai đoạn tới, nhằm đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu của thực tiễn sản xuất; Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ tiếp thu và tổng hợp các ý kiến tham gia tại diễn đàn về báo cáo lãnh đạo Bộ NN&PTNT để có chủ trương, giải pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh phát triển dược liệu theo chuỗi giá trị gắn với du lịch sinh thái hiệu quả, phù hợp trong thời gian tới…
Mộc Nhung