Dự án cao tốc và nỗi lo thiếu vật liệu

Hàng loạt dự án giao thông được triển khai tại khu vực miền Trung, Đông Nam Bộ, miền Tây đang đối mặt tình trạng khan hiếm đất đắp nền, cát và đá xây dựng.

Hơn 1 tháng kể từ ngày khởi công, phạm vi triển khai thi công gói thầu XL11 dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn Hoài Nhơn – Quy Nhơn không ngừng được mở rộng, tranh thủ thời tiết thuận lợi. Tuy nhiên, nhà thầu dự án hiện rất lo lắng khi nguồn vật liệu đang rơi vào bế tắc.

Dự án cao tốc và nỗi lo thiếu vật liệu

Dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn Hoài Nhơn – Quy Nhơn không ngừng được mở rộng, tranh thủ thời tiết thuận lợi.

Theo đó, vướng mắc lớn nhất hiện nay là khối lượng đất điều phối cho công tác đắp nền đường lại đang nằm trong phạm vi rừng tự nhiên (Km18 – Km21). Khu vực này nhà thầu chưa thể tiếp cận do thủ tục khai thác chưa được hoàn thiện và phải chờ cấp có thẩm quyền trình Quốc hội xem xét, phê duyệt chủ trương.

Trong khu vực rừng tự nhiên nói trên, bên cạnh điều phối đất đắp, nhà thầu còn tận dụng đá xay nghiền làm móng, mặt đường cho toàn gói thầu với tổng khối lượng đào phá khoảng 1,5 triệu m3, khối lượng tận dụng khoảng 1 triệu m3. Thế nhưng, do chưa tiếp cận công địa, công tác xay nghiền đá chưa thể thực hiện. Trong khi, thời gian chuẩn bị phải mất đến 3 – 4 tháng.

Kế bên dự án Hoài Nhơn – Quy Nhơn, tại dự án thành phần Quảng Ngãi – Hoài Nhơn, nhà thầu cũng đang nỗ lực xoay xở khơi thông vấn đề vật liệu. Đại diện Ban điều hành dự án thuộc Tập đoàn Đèo Cả cho biết, tại gói thầu XL1 đã khởi công, nhu cầu đất đắp khoảng 5,8 triệu m3; cát cần 530.000m3. Tính chung dự án trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, nhu cầu đất đắp khoảng 9,6 triệu m3; cát xây dựng 1 triệu m3. Trên địa bàn Bình Định, đất đắp khoảng 3 triệu m3; cát xây dựng 300.000 m3.

Phục vụ thi công dự án, Quảng Ngãi đã quy hoạch 24 mỏ cung cấp cho dự án (11,6 triệu m3); Bình Định quy hoạch 5 mỏ (8,9 triệu m3). Ngoài ra, nhà thầu cũng đề nghị bổ sung quy hoạch 9 mỏ với tổng trữ lượng khoảng 11,8 triệu m3.

Đáng lo nhất là trong giai đoạn chờ cấp phép các mỏ vật liệu theo cơ chế đặc thù, nhà thầu đã khảo sát các mỏ hiện đang khai thác (mỏ thương mại), song các chủ mỏ đều trả lời là không đủ trữ lượng và công suất để cung cấp cho dự án cao tốc. Họ cũng không hợp tác trong quá trình thương thảo, thông tin giá cả.

“Đơn vị thi công đã đề nghị địa phương tổ chức làm việc với các chủ mỏ, mời các đơn vị nhà thầu, tư vấn, chủ đầu tư cùng tham gia. Trường hợp mỏ nào không tuân thủ, địa phương cần xem xét, thu hồi”, đại diện Tập đoàn Đèo Cả kiến nghị.

Tại hai dự án thành phần đoạn Cần Thơ – Hậu Giang và Hậu Giang – Cà Mau, tình trạng “đói” vật liệu thi công cũng đang hiện hữu.

Ông Phạm Văn Tuân, Phó giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, theo tính toán, tổng nhu cầu vật liệu cát đắp nền của dự án đoạn Cần Thơ – Cà Mau là 18,5 triệu m3, đất đắp 1,49 triệu m3. Kết quả khảo sát địa bàn tỉnh An Giang và Đồng Tháp hiện có hơn 25 mỏ đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, qua làm việc với các địa phương công suất khai thác cát trên địa bàn tỉnh chỉ đủ cung cấp cho các công trình trên địa bàn tỉnh, chưa đủ nguồn cấp cho dự án Cần Thơ – Cà Mau.

Hiện nay mới chỉ có tỉnh An Giang dự kiến cung cấp cho dự án khoảng 1,1 triệu m3 từ nguồn tăng 50% công suất các mỏ đang khai thác. Các tỉnh còn lại chưa có kế hoạch cụ thể bằng văn bản.

Để giải quyết khó khăn, Ban QLDA Mỹ Thuận đã báo cáo Bộ GTVT gửi văn bản đề nghị UBND các tỉnh hỗ trợ tháo gỡ khó khăn về vật liệu.

Theo Bộ GTVT, 10 dự án thành phần từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa có nhu cầu khoảng 17,1 triệu m3 đá, 8,95 triệu m3 cát và khoảng 45,3 triệu m3 đất đắp nền. Tuy nhiên, khả năng khai thác, cung ứng vật liệu theo giấy phép chưa đáp ứng theo tiến độ thi công của các dự án. Cụ thể, còn thiếu khoảng 7,5 triệu m3 đá, 3 triệu m3 cát và khoảng 1,9 triệu m3 đất đắp nền.

Dự án cao tốc và nỗi lo thiếu vật liệu

Tuyến cao tốc Bắc – Nam đoạn Cam Lộ – La Sơn (trái) tại vị trí bắc cầu Tuần (xã Hương Thọ, TP.Huế, Thừa Thiên-Huế).

Được biết, Bộ TN&MT đã có Văn bản số 1411 ngày 18/3/2022 hướng dẫn các địa phương về hồ sơ, thủ tục đăng ký khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và Thông báo số 167 ngày 25/11/2022. Tuy nhiên, các địa phương vẫn còn lúng túng trong việc triển khai do chưa rõ thủ tục thu hồi đất.

“Theo Luật Đất đai, đối với mỏ vật liệu xây dựng thông thường không thuộc diện Nhà nước thu hồi đất mà sẽ thực hiện theo các hình thức như nhượng quyền sử dụng, thuê khai thác, hợp tác kinh doanh… Cục đang đề nghị nhà thầu, chủ đầu tư cùng các địa phương từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa có 10 dự án thành phần đi qua làm việc với người có đất, tổng hợp nhu cầu để xem phương án nào được đề xuất thực hiện nhiều nhất, lấy cơ sở báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét thực hiện”, ông Minh chia sẻ.

Đồng thời cho biết, dưới góc độ đánh giá cá nhân, phương án chuyển nhượng nếu thực hiện được sẽ thuận lợi về vấn đề thủ tục nhất. Khi ấy, chi phí chuyển nhượng sẽ được các địa phương kiểm soát, tránh tình trạng nâng giá, ép giá.

Một vướng mắc khác được đại diện Ban QLDA 2 nhận diện là thủ tục đánh giá tác động môi trường đối với các mỏ khoáng sản nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án nhưng chưa cấp giấy phép khai thác.

Cụ thể là giữa nội dung Văn bản số 1411 của Bộ TN&MT và Nghị quyết 119 ngày 8/9/2022 của Chính phủ có sự khác nhau. “Hướng dẫn về thủ tục môi trường đang có sự vênh nhau đòi hỏi văn bản hướng dẫn, thống nhất cụ thể từ cơ quan có thẩm quyền”, đại diện Ban QLDA 2 cho biết.

Bài Viết Liên Quan

Back to top button