Có nên đồng loạt giảm 2% thuế VAT?

Nhiều chuyên gia cho rằng, cần áp dụng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) cho tất cả các mặt hàng để “gỡ khó” cho doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay…

Có nên đồng loạt giảm 2% thuế VAT?

Việc phân biệt nhóm hàng hóa được giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 8% quả thực gây lúng túng cho rất nhiều công ty. Ảnh minh họa

Mới đây, để giúp doanh nghiệp hưởng lợi trọn vẹn từ chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã kiến nghị Bộ tài chính giảm cho tất cả hàng hóa, dịch vụ từ 10% xuống 8% trong nửa đầu năm 2024 để có thêm nguồn lực phục hồi.

Xung quanh kiến nghị của VCCI, chuyên gia kinh tế – thương mại Vũ Vinh Phú hoàn toàn đồng tình và cho rằng, nên mở rộng giảm thuế VAT cho tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ. Cụ thể, Quốc hội nên giảm thuế VAT ở mức 5% cho tất cả hàng hóa, dịch vụ đang chịu thuế suất 10%. Theo ông Phú, thời gian qua, việc giảm thuế VAT 2% chưa đủ sức lan tỏa. Hầu như chỉ ở các siêu thị, trung tâm thương mại hoặc cửa hàng lớn mới áp dụng còn đại đa số người mua hàng hóa ở chợ truyền thống thì không được hưởng chính sách này vì người bán không xuất hóa đơn thuế VAT. Vì vậy, việc giảm thuế VAT ở mức 5% sẽ sâu rộng hơn, thật sự có tác động đến giá hàng hóa trên cả nước.

“Nới cái này sẽ không thiệt. Tiêu dùng tăng thì sản xuất nhiều hơn, các loại thuế phí khác cũng sẽ thu được nhiều hơn. Đồng thời, xuất khẩu cũng có cơ hội gia tăng thì sẽ thu được nhiều ngoại tệ và cả thuế xuất nhập khẩu cũng cao hơn. Chính sách này cũng góp phần nuôi dưỡng nguồn thu và có lợi ích cho lâu dài đối với cả nền kinh tế nói chung”, chuyên gia Vũ Vinh Phú chia sẻ.

Đồng quan điểm, chuyên gia về thuế, luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, cho hay việc phân biệt nhóm hàng hóa được giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 8% quả thực gây lúng túng cho rất nhiều công ty. Điều này cũng khiến các doanh nghiệp không mặn mà thực hiện và từ đó chính sách giảm thuế này không đến được tay người tiêu dùng như mục tiêu. Lợi ích lớn nhất của việc giảm thuế là để giảm giá hàng hóa đến tay người dân, góp phần tăng sức mua, kích thích sản xuất trong nước khi thị trường thế giới gặp nhiều khó khăn. Nếu như được áp dụng đồng loạt cho tất cả hàng hóa thì doanh nghiệp sẽ dễ dàng thực hiện và chắc chắn hiệu quả sẽ lan rộng hơn.

Không chỉ vậy, Chính phủ cần đề xuất để Quốc hội thông qua việc áp dụng chính sách giảm thuế VAT cho cả năm 2024 để thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp và hỗ trợ người dân; từ đó góp phần thúc đẩy gia tăng sản xuất, phục hồi kinh tế. Theo luật sư Trần Xoa, Bộ Tài chính là cơ quan có số liệu ước tính được số thu sẽ giảm xuống ở mức nào nhưng nếu được Quốc hội thông qua trước khi quyết định mức thu, chi của ngân sách quốc gia năm 2024 thì sẽ không gây áp lực với Bộ Tài chính về nguồn thu trong năm tới. Hơn nữa, việc kích thích tiêu dùng, sản xuất gia tăng thì chắc chắn ngân sách sẽ gia tăng được các khoản thu khác.

Có nên đồng loạt giảm 2% thuế VAT?

Nếu như được đồng loạt giảm thuế VAT cho tất cả hàng hóa thì doanh nghiệp sẽ dễ dàng thực hiện và chắc chắn hiệu quả sẽ lan rộng hơn. Ảnh minh họa

Cũng đồng tình với quan điểm này, tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng không nên áp dụng đối với một số ngành đặc thù như ngân hàng, chứng khoán…bởi những ngành này khi được giảm thuế VAT sẽ không tác động tích cực đến nền kinh tế. “Trong bối cảnh khó khăn như hiện tại càng áp dụng giảm thuế VAT ở nhiều ngành nghề, hàng hóa, dịch vụ thì càng tốt. Tuy nhiên phải cân đối đến nguồn thu ngân sách Nhà nước. Cũng chính vì vậy mà Bộ Tài chính, nhà nước hiện mới chỉ giảm thuế VAT đến cuối năm nay”, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nói.

Ở một góc nhìn khác, Chuyên gia kinh tế, PGS.TS ông Đinh Trọng Thịnh lại cho rằng, mở rộng phạm vi áp dụng giảm thuế VAT ở thời điểm hiện tại là việc làm bất khả thi. “Trước khi đưa ra quyết định giảm thuế VAT chúng ta đã nghiên cứu và bỏ ra ngoài danh sách 13 ngành hàng, dịch vụ không đem lại hiệu ứng phục hồi cho nền kinh tế. Tôi cho rằng đó là việc làm đúng đắn”, ông nói.

Mặt khác, theo ông Thịnh, mở rộng áp dụng giảm thuế VAT cho tất cả các ngành hàng, dịch vụ mà không nghiên cứu, suy xét kỹ lưỡng là áp dụng tràn lan, thậm chí sẽ dẫn đến các tác hại cho nền kinh tế. “Chúng ta mong muốn giảm thuế cho hàng hóa đối với ngành sản xuất kinh doanh. Còn các ngành nghề về dịch vụ, khai thác tài nguyên khoáng sản…các ngành nghề có thể có những tác động không tốt đến môi trường hoặc đến hoạt động kinh tế thì không nên miễn giảm”, ông Thịnh nói.

Bài Viết Liên Quan

Back to top button