“Cháy thuốc” từ sự nóng lòng của chính chúng ta

Việc tích trữ thuốc, thiết bị y tế quá nhu cầu sử dụng đã tạo thành hiệu ứng xấu, gây khan hiếm và tâm lý hoảng loạn cho nhiều người.

Sau khi tiêm phủ vaccine diện rộng, đạt được tỉ lệ bao phủ cần thiết, các bệnh viện chuẩn bị các phương án, tình huống đối phó, nâng cấp các thiết bị y tế, nâng cao năng lực điều trị, thì các biện pháp nới lỏng, mở cửa “thích ứng linh hoạt” là hoàn toàn hợp lý, chính xác.

Bởi nếu kéo dài giãn cách gây đông cứng, tê liệt sản xuất thì hệ thống kinh tế sẽ không được đảm bảo. An sinh, an toàn xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Và chắc chắn, số ca nhiễm không vì giãn cách xã hội mà dừng lại.

Thực tế có vấn đề rất đời thường, đó là muốn đi nhanh thì phải nhẹ. Virus cũng vậy, nếu tốc độ lây lan nhanh thì chắc chắn độc lực sẽ giảm. Nên chăng, thay vì đếm số ca nhiễm, chúng ta chỉ tập trung cho nhóm nguy cơ cao như người cao tuổi, bệnh nền, chưa tiêm vaccine…

“Cháy thuốc” từ sự nóng lòng của chính chúng ta
Người dân tại Hải Phòng tập trung tại các hàng thuốc để mua thuốc và thiết bị y tế.

Có người bạn than thở rằng COVID-19 đang kéo lùi sự phát triển của xã hội lại. Đi mua thuốc bây giờ phải xếp hàng như ở cửa hàng mậu dịch thời bao cấp. Có nhà thuốc mở hé cửa cuốn, người mua phải nằm rạp xuống đất ngóc đầu, ngỏng cổ như rắn để thực hiện giao dịch. Các mặt hàng như thuốc bổ phế, nước muối bắt đầu “khan hiếm”, đặc biệt que kit test thì “cháy” hàng, nhảy giá từng ngày. Người mua được cố mua cho thật nhiều để tích trữ rồi hớn hở khoe, còn lại người không mua được ngậm ngùi quay về với bộ mặt thiểu não.

Chả hiểu từ khi nào mà các nguồn thông tin chính thống lại bị bỏ qua, không được coi trọng, thay vào đó là những “nghe nói”, “thấy bảo” thì lại được tin tưởng một cách mãnh liệt. Các bác sĩ, chuyên gia chống dịch bằng mọi cách tuyên truyền như kêu, như gào thì lại thành tiếng nói lạc long, vô vọng… Trong khi đó, người ta lại chia sẻ cho nhau những cách chữa, bài thuốc theo kiểu “thông tấn truyền mồm”, “rỉ tai lùi sĩ” nào là hàng xách tay, nào là bài thuốc gia truyền bí thuật.

“Cháy thuốc” từ sự nóng lòng của chính chúng ta
Người dân nên mua thuốc và sản phẩm kit test COVID-19 tại các cơ sở y tế uy tín, thuộc danh mục các sản phẩm được Bộ Y tế cấp phép.

COVID-19 mới xuất hiện hơn hai năm mà đã có những bài thuốc gia truyền thì quả là đến chịu. Các bà mẹ lo lắng cho con thái quá khi thấy con bị nhiễm, rồi bị hăm dọa về đủ thứ về “hậu COVID-19”, thế là thi nhau mua, bắt con uống đủ loại đến đờ đẫn cả người. “Thị dược tam phân độc” – Thuốc gì cũng có thành phần tầm bảy phần công hiệu chữa trị còn lại ít cũng ba phần là độc tố gây hại cho sức khỏe con người. Thuốc bao giờ cũng là con dao hai lưỡi, vậy mà mọi người hè nhau lạm dụng một cách thái quá.

“Tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn” – tư tưởng ấy là hoàn toàn đúng đắn, nhưng tham lam, ích kỷ tích trữ quá mức nhu cầu sử dụng trong khi chưa cần dùng đến lại tạo thành hiệu ứng xấu, gây khan hiếm và tâm lý hoảng loạn cho người khác. Muốn nhanh phải từ từ, hãy tỉnh táo đừng để đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình bị tiêu phí bởi những lời đồn thổi không đâu.

Tôi thấy buồn khi một số người hỉ hả khoe nhau mua được thuốc trôi nổi của Nga với giá bằng cả tháng lương của công nhân, rồi băn khoăn tự hỏi làm gì có “thần dược” với giá vài triệu bạc. Nếu thực sự đó là “thần dược” thì dịch bệnh có thể bùng phát đến “quy mô” như hiện nay? Hỏi cũng đã là trả lời.

Những hướng dẫn văn bản chính thống từ các chuyên gia đầu ngành của Bộ Y tế về hướng dẫn điều trị với đầy đủ các phương pháp điều trị và đơn thuốc theo kèm, buồn thay lại không có sức hấp dẫn bằng lời truyền miệng từ người quen. Thật ra họ có ý tốt, nhưng chả ai có thể đủ năng lực để kiểm chứng thành phần tính năng của các loại thuốc thực sự có tác dụng, hoặc các tác dụng phụ lâu dài sau khi sử dụng. Họ cũng chỉ là đi nghe từ người khác, còn việc tin vào nhau đó là thói quen là đặc tính khó mà sửa được của không ít các bà mẹ yêu, chăm lo con mình một cách thái quá.

Tôi biết rõ có gia đình bác sĩ khi nhiễm virus mà không có triệu chứng, họ chỉ theo dõi nhiệt độ, triệu chứng, không hề dùng thuốc gì cho đến khi tự khỏi. Có rất nhiều người bị tăng nặng thêm vì tâm lý quá lo lắng và sợ sệt dẫn đến căng thẳng, nảy sinh các bệnh khác.

Chính bác sĩ khuyên tôi rằng nếu không triệu chứng thì không dùng thuốc. Không bị nặng, khó thở, diễn biến xấu đừng lên nhập viện, gây quá tải cho hệ thống bệnh viện. Người bị nhẹ vào nhìn thấy người bệnh nặng sẽ tâm lý nặng nề, có người trầm cảm, sang chấn tâm lý không hề do COVID-19 mà là do “lợn lành chữa hóa lợn què”.

Đừng để bị lợi dụng của đội người táng tận lương tâm, lợi dụng dịch bệnh để trục lợi, đừng gây “cháy thuốc” bằng chính sự nóng ruột của mình.

Nguồn: diendandoanhnghiep.vn

Bài Viết Liên Quan

Back to top button