Báo chí sẽ kiếm tiền từ đâu và kiếm tiền như thế nào?
Trong xu thế chung của công cuộc chuyển đổi số đang diễn ra trên toàn cầu, báo chí những người làm báo cần làm gì để “sinh tồn” và khẳng định vị thế?
Truyền thông đang ở giai đoạn web 3.0, khi người dùng internet cũng có thể tự tạo ra nội dung và tự kiếm tiền, còn những nền tảng báo chí truyền thống lại đang mất dần độc giả.
Thực tế cho thấy, đại dịch COVID-19 trong 2 năm vừa qua đã mang lại nhiều tác động tiêu cực lên mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội, trong đó có lĩnh vực Báo chí – Truyền thông. Cùng đó, là áp lực từ sự chi phối, cạnh tranh của các nền tảng và mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới.
Câu chuyện làm sao để “sinh tồn” và phát triển trong kỷ nguyên số, trong thời đại công nghệ cao là nỗi lo canh cánh của nhiều nhà quản lý các tòa soạn, cơ quan báo chí.
Có thể thấy, các tiến bộ công nghệ không chỉ thay đổi các thức con người làm việc, giải trí, giao tiếp với nhau mà còn tác động lên công nghệ làm báo, khi hành vi nghe – xem – đọc – chơi của công chúng thay đổi.
Điều này khiến các cơ quan báo chí buộc phải thay đổi cách “làm báo” – từ tuyến nội dung cho đến những mô hình phân phối nội dung, đa dạng hóa định dạng các sản phẩm thông tin.
Từ những thể loại quen thuộc như tin vắn, xã luận, phóng sự, ghi chép… người làm báo giờ đây bước vào thế giới của những clip ngắn, livestream trực tiếp từ hiện trường, megastory, loongform để bắt kịp thời sự hay dẫn dắt độc giả theo từng tuyến nội dung.
Cùng đó, là câu hỏi lớn: “Tòa soạn sẽ kiếm tiền từ đâu và kiếm tiền như thế nào?” để vận hành và phát triển, khi doanh thu từ quảng cáo, từ các hợp đồng truyền thông, từ phát hành báo giấy… đang ngày càng co ngót.
Để tăng nguồn thu, một số tòa soạn đã linh hoạt tìm nguồn thu bằng cách đẩy mạnh mô hình tổ chức sự kiện, tối ưu hóa quảng cáo kỹ thuật số trên báo điện tử, thực hiện các gói dịch vụ thông tin cho các doanh nghiệp, hay thậm chí thử nghiệm “bán” nội dung theo hình thức thu phí…
Trong cuộc chuyển động hối hả đó, dù làm gì, và làm như thế nào, có một xu hướng dễ nhận thấy là sự tích cực đầu tư vào công nghệ của nhiều tòa soạn và cơ quan báo chí.
Đầu tư vào hệ thống quản trị nội dung, đầu tư cho thiết bị và đào tạo nhân sự để thể nghiệm các hình thức phân phối nội dung mới, đầu tư cho việc phân tích dữ liệu, gia tăng trải nghiệm khách hàng…; và cả đầu tư vào quảng cáo kênh thông tin của tòa soạn trên nền tảng trực tuyến (thay vì chỉ đi đăng tải quảng cáo cho “thiên hạ” như cách làm của báo chí xưa nay).
Rõ ràng, khi “cuộc chơi” thay đổi, những người làm báo đã và đang bắt đầu lại trên một đường đua mới để bước vào nền kinh tế số.
Tòa soạn của bạn, và chính bản thân bạn, đã làm gì để có sức bật mạnh hơn khi rời vạch xuất phát?
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn