Yếu tố tiềm năng thúc đẩy thị trường bán lẻ
Thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng tăng trưởng trong trung và dài hạn.
Tác động của suy thoái kinh tế, áp lực lạm phát, người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu khiến sức mua trên thị trường bán lẻ bị ảnh hưởng nhất định. Tuy nhiên, đến hết tháng 7 năm nay, theo Tổng cục Thống kê, hoạt động thương mại và dịch vụ vẫn được đánh giá là điểm sáng của nền kinh tế với tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,4% so với cùng kỳ. Trong thời điểm các động lực tăng trưởng của nền kinh tế như xuất khẩu, đầu tư chưa khởi sắc thì tiêu dùng trong nước được đặt nhiều kỳ vọng.
Thời gian qua, thị trường này tiếp tục ghi nhận sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Nhiều thương hiệu bán lẻ lớn trong và ngoài nước đang và sẽ có kế hoạch đầu tư mở rộng hệ thống phân phối như AEON, Lotte… Trong báo cáo mới nhất, JP Morgan vừa có nhận định lạc quan về tốc độ tăng trưởng tiêu dùng của thị trường Việt Nam. Đặc biệt, khi dân số nước ta cán mốc 100 triệu người, trong đó người tiêu dùng trẻ (dưới 32 tuổi) chiếm đến gần 50% và tầng lớp trung lưu ngày càng tăng.
Những yếu tố trên thúc đẩy sự phát triển của thương mại hiện đại trong những năm tới. Các sản phẩm dịch vụ dự báo có mức tăng trưởng tiêu dùng tốt là thiết bị điện tử, ô tô, du lịch…
Cùng chung nhận định này, bà La Ngọc Việt Thương – Giám đốc điều hành công ty nghiên cứu thị trường Cimigo Việt Nam mới đây cho rằng, Việt Nam đang có thị trường tiêu dùng sôi động nhờ dân số đông, lực lượng lao động dồi dào, chi phí nhân công tương đối rẻ góp phần hỗ trợ khá lớn cho sự phát triển của các ngành sản xuất, tạo ra những điều kiện kinh doanh hấp dẫn, thu hút doanh nghiệp, tác động đến tăng trưởng kinh tế.
Theo dữ liệu nghiên cứu của Cimigo, cả nước hiện có hơn 9.000 cửa hàng thuộc mô hình bán hàng hiện đại, chiếm hơn 26% tổng doanh thu của ngành bán lẻ. Chưa kể, sự bùng nổ của thương mại điện tử với 7,3% tổng doanh thu và dự kiến con số này tiếp tục tăng trưởng nhanh hơn trong thời gian tới. Đến năm 2028, ước tính thị phần của thương mại điện tử có thể đạt trên 20%.
Mô hình bán lẻ hiện đại và thương mại điện tử phát triển góp phần thúc đẩy kinh tế số và hình thành hệ sinh thái tài chính có những tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế cũng như thay đổi xu hướng tiêu dùng. Cũng theo số liệu từ Cimigo, 70% người trưởng thành ở Việt Nam đang sử dụng dịch vụ tại ngân hàng, mở ra nhiều cơ hội cho ngành ngân hàng bán lẻ, nhất là trong mảng tín dụng. Mua sắm trực tuyến ngày càng phát triển, các hình thức thanh toán mới và hiện đại như ví điện tử cũng có sự tăng trưởng theo.
Sự thay đổi cấu trúc dân số và mức sống của người dân đang mở ra nhiều cơ hội mới cho ngành tiêu dùng. Tuy nhiên đi cùng với cơ hội tăng trưởng và mở rộng quy mô thị trường, lĩnh vực này cũng đối mặt với thách thức lớn, nhất là khi người tiêu dùng trẻ đòi hỏi cao hơn về trải nghiệm về công nghệ, sự tiện lợi và nhu cầu đa dạng hơn hay thói quen mua sắm thay đổi. Do đó, các nhãn hàng phải có nhiều chương trình, chiến dịch tiếp cận với người dùng; thay đổi sản phẩm…