Xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 440 tỷ USD
Kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng trưởng cao và chiếm 69,5% kim ngạch cả nước.
Theo Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến 15/12, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 440,15 tỷ USD, tăng 25,4% (tương ứng tăng 89,23 tỷ USD), chiếm 69,5% kim ngạch cả nước.
Trong khi đó, khối doanh nghiệp trong nước đạt 193,07 tỷ USD, tăng 17,4% (tương ứng tăng 28,66 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2020 và chiếm 30,5% kim ngạch cả nước.
Theo Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 12, xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI đạt 11,6 tỷ USD, giảm 8,5%, tương ứng giảm 1,07 tỷ USD so với kỳ 2 tháng 11/2021.
Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/12, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nhóm doanh nghiệp FDI đạt 232,2 tỷ USD, tăng 21,2%, tương ứng tăng 40,68 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, chiếm 73,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Về nhập khẩu, 15 ngày đầu tháng này, kim ngạch của doanh nghiệp FDI đạt 10,86 tỷ USD, tăng 5,6% (tương ứng tăng 576 triệu USD) so với kỳ 2 tháng 11/2021.
Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/12, tổng kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 207,95 tỷ USD, tăng 30,5% (tương ứng tăng 48,55 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 65,9% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.
Từ đầu năm đến 15/12, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài xuất siêu hơn 24 tỷ USD.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đầu tư toàn cầu đã phục hồi rõ nét trong những tháng gần đây, bất chấp những khó khăn do Covid-19 mang lại. Chỉ số theo dõi tâm lý nhà đầu tư nước ngoài (FDI) trong tháng 9 đứng ở mức 939 điểm (tăng 27,9% so với cùng kỳ năm trước). Đây là điểm số cao nhất kể từ tháng 11/2019.
Trong đó, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục tập trung vào các dự án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật số, phát triển lĩnh vực bán dẫn. Ngoài ra, lượng vốn đầu tư vào các dự án nhiên liệu hóa thạch cũng đang tăng cao thay vì năng lượng tái tạo, khi giá dầu và khí đốt gia tăng.
Theo ông Nguyễn Anh Dương – Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương – CIEM), việc Việt Nam nằm trong khu vực phục hồi kinh tế tích cực trong năm 2022, cũng như nằm trong đà phục hồi của mạng sản xuất khu vực châu Á sẽ góp phần quan trọng để tăng tốc thu hút đầu tư nước ngoài.
“Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ nhìn thấy các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt là RCEP. Các hiệp định này sẽ mở ra không gian mới cho các hoạt động kinh tế. Hơn nữa, khi kinh tế của cả khu vực phục hồi, các nhà đầu tư nước ngoài có thể cân nhắc, ra các quyết định đầu tư để đa dạng hóa cơ sở sản xuất”, ông Dương nói.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn