Xuất khẩu xoay xở vượt khó
Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2023 đạt 79,3 tỷ USD, giảm tới 11,8%, tương đương gần 10 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu không vui cho xuất khẩu – “đầu tàu” kinh tế của cả nước.
Cụ thể, có tới 37/45 ngành hàng, lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam suy giảm giá trị, trong đó có những mặt hàng giảm tỷ 40%- gần 99% giá trị kim ngạch. Phân bón các loại giảm giá trị xuất khẩu trên 40%, mặt hàng than suy giảm 98,6% giá trị xuất khẩu, chỉ đạt 1 triệu USD.
Mặt hàng sắt thép các loại cũng suy giảm chỉ xuất được khoảng 1,7 tỷ USD, giảm gần 25% so với cùng kỳ. Điện thoại, mặt hàng xuất khẩu tỷ USD chủ lực của Việt Nam, tuy nhiên 3 tháng đầu năm chỉ xuất được khoảng 13,4 tỷ USD, suy giảm gần 1,4 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực khác của Việt Nam cũng chứng kiến đà giảm đáng kể như thủy sản giảm 27,3% kim ngạch, cao su giảm 35,7%, dệt may, giày dép giảm 17%, các loại sản phẩm thủ công mỹ nghệ suy giảm kim ngạch trên 30%.
Trong bối cảnh xuất khẩu khó khăn, khả năng xuất khẩu “cán đích” mục tiêu 394 tỷ USD, tăng hơn 23 tỷ USD so với năm 2022 không dễ dàng. Hiện tại trong quý I/2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam chỉ trên 79 tỷ USD, thấp hơn gần 20 tỷ USD so với mục tiêu đề ra.
Theo Bộ Công Thương, nguyên nhân của tình trạng xuất khẩu khó khăn bao gồm: Giá nhiên liệu đầu vào, năng lượng toàn cầu vẫn ở mức cao đã tác động đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp trong nước. Lạm phát còn ở mức cao, chính sách tiền tệ chưa nới lỏng; kinh tế thế giới hồi phục chậm và sự sụp đổ của một số ngân hàng trên thế giới có những tác động nhất định đến xu hướng thắt chặt chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ tại một số thị trường tiêu thụ dệt may, da giày, đồ gỗ, linh kiện điện tử lớn như Mỹ, EU khiến nhu cầu nhập khẩu giảm.
Theo ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), tình hình quốc tế thời gian tới được dự báo vẫn còn diễn biến phức tạp. Một số quốc gia dự định áp đặt thêm các quy định cho hàng hóa nhập khẩu như thu phí cacbon, yêu cầu về hàm lượng tái chế đối với hàng nhập khẩu… Nhiều tiêu chuẩn mới, quy định mới sẽ được thiết lập liên quan đến vấn đề an toàn cho người tiêu dùng, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, chuỗi cung ứng, nguyên liệu sạch, lao động, môi trường đối với các sản phẩm nhập khẩu…
Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cũng phân tích thời gian tới, tình hình xuất khẩu của Việt Nam sẽ chịu nhiều tác động bởi các chính sách kinh tế của một số quốc gia. Các mặt hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp có thể kể đến điện tử, dệt may, da giày, đồ gỗ…
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều áp lực cạnh tranh mới. Đơn cử, thuỷ sản của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với 2 đối thủ lớn nhất là Ecuador và Ấn Độ (đang chiếm thị phần chi phối 60% nhập khẩu tôm của Trung Quốc). Với các thuỷ hải sản khác như cá biển, tôm, mực, bạch tuộc…, Việt Nam cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh của các nhà xuất khẩu từ các quốc gia khác.
Cập nhật thông tin từ thị trường Canada, bà Trần Thu Quỳnh – Tham tán thương mại Việt Nam tại Canada cho biết, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Canada có thể bị tác động bởi nhiều khó khăn cả khách quan và chủ quan. Canada tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, vì vậy, có nhiều đối thủ cạnh tranh có cùng mặt hàng và lợi thế về thuế quan nên hàng hoá Việt Nam dễ bị thay thế kể cả khi đã vào được thị trường. Đặc biệt, phong trào “Mua tại địa phương – Buy local” để giảm dấu chân carbon trong tiêu dùng được ủng hộ mạnh ở Canada cũng đang trở thành một hình thức gia tăng bảo hộ mới.
Ngoài các dự báo về khó khăn, Bộ Công Thương cũng dự báo khả năng tăng trưởng tại thị trường Trung Quốc – một trong 3 thị trường xuất khẩu thuỷ sản lớn nhất của Việt Nam với dung lượng lên tới khoảng 23 tỷ USD/năm. Vì vậy, cùng với việc thị trường này dỡ bỏ chính sách “Zero Covid”, Trung Quốc sẽ là thị trường tiềm năng cho nhiều mặt hàng xuất khẩu tại Việt Nam.
Trước những khó khăn từ thị trường, Bộ Công Thương tiếp tục triển khai các giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu như các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, ngành hàng mở rộng và đa dạng hoá thị trường xuất khẩu; hướng đến các thị trường còn tiềm năng như Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ La tinh, Đông Âu… Bên cạnh đó, bộ cũng tạo thuận lợi hoá, tăng cường chuyển đổi số trong công tác cấp Giấy chứng nhận xuất xứ C/O ưu đãi, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do.