Xuất khẩu “gắng gượng” trong khó khăn

Theo thông tin từ Tổng Cục thống kê, 6 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 316,65 tỷ USD, giảm 15,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 12,1%. Cán cân thương mại hàng hóa 6 tháng đầu năm 2023 ước tính xuất siêu 12,25 tỷ USD.

Khó khăn “bủa vây” xuất khẩu

Trong 6 tháng năm 2023, Việt Nam có năm mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 57,8% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Cụ thể, điện thoại và linh kiện dẫn đầu với kim ngạch xuất khẩu 24,29 tỷ USD, điện tử, máy tính và linh kiện với 25,21 tỷ USD. Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác có giá trị xuất khẩu 19,73 tỷ USD, dệt may với 17,75 tỷ USD và giày dép với 10 tỷ USD.

Xuất khẩu “gắng gượng” trong khó khăn

Trong 6 tháng đầu năm 2023 có 27 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 90,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 57,8%).

Bên cạnh những mặt hàng xuất khẩu là “điểm sáng” kể trên, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa nửa đầu năm 2023 đạt 164,45 tỷ USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm trước. Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu giảm do chịu ảnh hưởng từ kinh tế toàn cầu suy thoái, cầu tiêu dùng giảm, khiến sản xuất trong nước gặp nhiều khó khăn.  Kim ngạch xuất khẩu sang một số thị trường lớn giảm: Hoa Kỳ giảm 22,6%; Hàn Quốc giảm 10,2%; EU giảm 10,1%; ASEAN giảm 8,7%; Nhật Bản giảm 3,3%; Trung Quốc giảm 2,2%.

Lạm phát tăng cao tại một số thị trường nhập khẩu lớn cũng dẫn đến nhu cầu tiêu dùng thắt chặt hơn đã ảnh hưởng đến cơ hội xuất khẩu và khai thác thị trường của các doanh nghiệp trong nước.

Ngoài ra, chính sách tiền tệ thắt chặt tác động mạnh đến các doanh nghiệp, các hoạt động kinh tế, đầu tư, tiêu dùng toàn cầu. Kinh tế toàn cầu tiếp tục suy giảm, nhiều nền kinh tế lớn tăng trưởng chậm lại. Kinh tế Trung Quốc đang phục hồi chậm và còn nhiều bất định cũng tác động đến tình hình sản xuất trong nước.

Tổng cục Thống kê cũng nhấn mạnh những nguyên nhân trong nước: sản xuất công nghiệp, xuất khẩu và du lịch chưa phục hồi hoàn toàn, bị tác động bởi khó khăn, thách thức từ bên ngoài. Đơn hàng xuất khẩu giảm sút do nhu cầu tại Mỹ và khu vực đồng Euro yếu đi; Giải ngân vốn đầu tư công – một động lực tăng trưởng vô cùng quan trọng trong bối cảnh hiện nay – cũng chưa có cải thiện đáng kể. Nguồn vốn cho doanh nghiệp khó tiếp cận hơn cũng là một trong những thách thức với xuất khẩu.

Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu

Tổng cục Thống kê dự báo từ nay đến cuối năm, nền kinh tế thế giới rất khó đoán định, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với lạm phát, các doanh nghiệp sản xuất phục vụ xuất khẩu tiếp tục chịu nhiều thách thức từ việc thiếu đơn hàng, lãi suất cao, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn gặp nhiều thách thức, bất lợi.

Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu của Bộ Công Thương là tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng như Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và Đông Âu… và các thị trường ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát và tăng trưởng khả quan (ASEAN), đồng thời tập trung vào các thị trường mới, nơi có tầng lớp trung lưu gia tăng như các thị trường mới nổi E7 (Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Mexico và Indonesia; thị trường Halal (Trung Đông, Malaysia, Brunei).

Bên cạnh đó, đẩy mạnh khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Tạo thuận lợi hoá, tăng cường chuyển đổi số trong công tác cấp Giấy chứng nhận xuất xứ C/O ưu đãi, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA.

Bộ Công Thương cũng chú trọng nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam-Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ. Đồng thời, có giải pháp chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch.

Chính phủ cũng đã và đang triển khai các biện pháp hỗ trợ và khuyến khích xuất khẩu nhằm thúc đẩy sự phục hồi của ngành xuất khẩu. Bao gồm việc tăng cường giải ngân các gói tín dụng xuất khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế, và thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện và Tiến bộ (CPTPP).

Hương Giang (Vietnam Business Forum)

Bài Viết Liên Quan

Back to top button