Xử lý triệt để dự án treo: Quyết tâm là không đủ
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, TSKH. Đào Ngọc Nghiêm cho rằng cần có công cụ thể chế mạnh mẽ hơn vì chỉ có quyết tâm là không đủ.
LTS: Xử lý triệt để dự án treo là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tại Chỉ thị số 01 về việc đôn đốc, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.
– Việc xử lý dự án treo gây lãng phí đất đai là câu chuyện không mới, đã được nhắc đến nhiều năm qua nhưng kết quả vẫn còn nhiều hạn chế, vậy theo ông đâu là những nguyên nhân lớn có thể chỉ ra?
Việc có những dự án chậm triển khai, thậm chí là treo đến hàng chục năm có nguyên nhân từ công tác quản lý. Như tại TP. Hà Nội, những con số về diện tích đất bỏ hoang, sử dụng sai mục đích… được công bố thời gian qua cho thấy, rõ ràng nếu được sử dụng, triển khai tốt thì là động lực rất lớn cho Hà Nội phát triển. Tất nhiên, việc thu hồi các dự án treo là không hề dễ dàng, nhưng không phải là không thể thực hiện.
Thực tế cho thấy, các dự án bất động sản bỏ hoang hiện nay là hệ quả của việc thiếu chính sách, trình tự cụ thể về lựa chọn chủ đầu tư, chưa có hướng dẫn trường hợp nào thì đấu thầu, trường hợp được chọn chủ đầu tư, dẫn đến tình trạng nhiều chủ đầu tư không đủ tiềm lực, thực hiện dự án nửa chừng.
Như vậy, gốc rễ của vấn nạn dự án treo đến từ thể chế và giải pháp cũng phải đến từ thể chế, việc chỉ có quyết tâm thôi là không đủ.
– Theo ông, giải pháp cần được tiếp cận thế nào để phù hợp với thực tiễn hiện nay?
Từ năm 2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai. Tuy nhiên, trên thực tế, đến nay nhiều diện tích đất vẫn còn để hoang hóa, bị bỏ hoang nhiều năm, gây lãng phí đất đai, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân.
Để không xảy ra tình trạng dự án bỏ hoang, nhất là dự án ở khu đất vàng tại các đô thị lớn, đặc biệt là tại Hà Nội, trước tiên, cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất từ lập, thẩm định đến phân cấp trong hệ thống chính quyền địa phương, thanh tra xử lý vi phạm về kế hoạch sử dụng đất.
Về thu hồi, giao đất, cho thuê đất cần quy định rõ hơn về tính chất, loại dự án để giao đất. Về đăng ký đất đai, về thủ tục tách thửa, hợp thửa và chứng nhận dồn điền đổi thửa…
– Còn các doanh nghiệp sẽ đóng vai trò ra sao trong việc “xử lý dự án treo”, thưa ông?
Đầu tiên cần khẳng định nguồn lực từ việc khai thác đất hợp lý và hiệu quả và các doanh nghiệp có một vai trò quan trọng trong đó.
Đặc biệt, các doanh nghiệp cũng cần tự “nâng tầm” cả về quy mô và nội lực với tinh thần làm thật, phát triển dự án bằng năng lực của chính mình, xóa bỏ tư duy lợi dụng kẽ hở của cơ chế, lợi ích nhóm để trục lợi.
Bên cạnh đó, trong công tác lập quy hoạch, khi đã có cơ chế mở, các doanh nghiệp cũng cần có tiếng nói đủ mạnh nhằm tạo ra những quy hoạch chất lượng và khả thi, vừa phù hợp với tầm nhìn phát triển kinh tế xã hội vừa phù hợp với định hướng của doanh nghiệp.
– Xin cảm ơn ông!
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn