Xây dựng cơ chế đặc thù thu hút đầu tư cho điện ảnh
Để xây dựng nền công nghiệp điện ảnh hiện đại, có khả năng cạnh tranh ở khu vực và quốc tế, Việt Nam cần có những chính sách phù hợp.
Theo đó, điện ảnh có vai trò quan trọng trong việc quảng bá, xúc tiến hình ảnh quốc gia, thúc đẩy du khách trong nước và quốc tế đến để trải nghiệm, khám phá đất nước và con người Việt Nam, góp phần thúc đẩy và tăng trưởng du lịch, qua đó, nâng cao vị thế, hình ảnh đất nước. Một trong những mục tiêu quan trọng trong “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” do Chính phủ ban hành và Luật Điện ảnh được ban hành tháng 6/2022 là phát triển điện ảnh là ngành nghệ thuật, vừa là ngành kinh tế. Đặc biệt, từng bước xây dựng điện ảnh Việt Nam trở thành ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hút khách du lịch và tạo vị thế của điện ảnh Việt Nam trong khu vực và quốc tế.
Ở Việt Nam, ngành công nghiệp điện ảnh đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển thăng trầm với nhiều thành tựu, song cũng tồn tại những hạn chế cần được khắc phục. PGS-TS Vũ Ngọc Thanh, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, mỗi giai đoạn đều có những ưu và khuyết điểm riêng, và để điện ảnh Việt Nam có bước phát triển đột phá, cần khai thác thế mạnh văn hóa dân tộc trong phim truyện.
Ông cho rằng các tác phẩm có bản sắc văn hóa dân tộc mới có thể thu hút và được đánh giá cao trên thị trường quốc tế. Đồng thời, cần tăng cường đầu tư và phát triển theo cơ chế thị trường, tìm kiếm các dự án phim được đầu tư và tạo điều kiện cho nghệ sĩ sáng tạo tối đa.
“Bên cạnh việc tìm kiếm các dự án được đầu tư đối với các nhà làm phim, lợi nhuận đặc biệt lớn từ các phim thương mại có thể được trích lại để tái đầu tư cho các dự án phim truyện vốn không hướng tới mục đích bán vé trước tiên… Đồng thời hiện thực hóa việc ra đời và tác dụng tích cực đối với phim truyện của Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh”, PGS-TS Vũ Ngọc Thanh chia sẻ.
Để phát triển công nghiệp văn hóa nói chung, điện ảnh nói riêng, PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, quan trọng nhất là phải tháo gỡ được những điểm nghẽn trong nhận thức. Điều chúng ta thiếu chính là môi trường, thể chế cho các nghệ sĩ sáng tạo. Nếu không tạo ra một hệ sinh thái sáng tạo, ở đó các ngành điện ảnh, văn hóa, du lịch, thời trang… hỗ trợ cho nhau thì rất khó để công nghiệp văn hóa phát triển, trong đó có điện ảnh.
“Nhà nước cần thay đổi chính sách, quy định về điện ảnh, cả trực tiếp liên quan và gián tiếp để tạo ra sự linh hoạt nhiều hơn, đồng thời khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới trong quá trình sản xuất và phát hành phim. Phát triển công nghiệp văn hóa, vai trò của thành phần tư nhân vô cùng quan trọng, Nhà nước chỉ giữ vai trò điều tiết, tạo hành lang pháp lý, môi trường thuận lợi, thông thoáng. Còn tổ chức các hoạt động cụ thể phải do cả thành phần tư nhân, Nhà nước không thể nào làm hết được và cũng không nên làm”, PGS-TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.
Theo chuyên gia, trong lĩnh vực điện ảnh, có các loại phim về thị trường, nhiều nhà sản xuất tư nhân đã vào cuộc, thì những phim tuyên truyền về kỷ niệm, Nhà nước phải đứng ra làm để tạo ra sự đa dạng, cân bằng cho điện ảnh. Từ sự đa dạng, phong phú của các loại hình nghệ thuật đó, có sự tham gia của cả Nhà nước và tư nhân, chúng ta mới tạo ra một môi trường hỗ trợ cho sự phát triển công nghiệp văn hóa – đó là những cái chúng ta cần phải giải quyết. Như vậy, chúng ta phải đưa ra các chính sách phù hợp, Nhà nước làm gì, làm đến đâu, tư nhân làm gì, làm đến đâu, nhà nước hỗ trợ gì cho tư nhân phát triển… và các chính sách này phải cụ thể bằng các quy định pháp luật, không thể chỉ dừng lại ở lời nói.
PGS-TS Bùi Hoài Sơn cho rằng phim “Đào, phở và piano” tạo hiệu ứng bất ngờ ở phòng vé là một tín hiệu tích cực đối với dòng phim Nhà nước đặt hàng. Chúng ta cần định hướng phát triển công nghiệp điện ảnh đúng nghĩa, thực chất để bất kỳ dòng phim nào cũng phải chú ý đầy đủ đến yếu tố thị trường, chú trọng tất cả các khâu, từ kịch bản, đạo diễn, diễn xuất…đến phát hành, quảng bá phim (bằng nhiều phương tiện khác nhau, trong đó có các kênh mạng xã hội) để thu hút khán giả, tạo thương hiệu cho dự án, kết nối với đối tượng khán giả mục tiêu…
Ngoài ra, một vài ý kiến nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo đó, cần đầu tư chương trình đào tạo chuyên sâu và đặc thù cho ngành điện ảnh, tạo ra đội ngũ chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành công nghiệp này. Bên cạnh đó, cần xây dựng kế hoạch đào tạo khẩn cấp cho đội ngũ quản lý điện ảnh, để phát triển ngành theo hướng hiện đại, mang tính dân tộc và nhân văn. Điều này đồng thời góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp của ngành, không chỉ là một lĩnh vực nghệ thuật mà còn là một ngành kinh tế tiềm năng.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp