“Xanh hóa” đại học: Tại sao nhiều trường vẫn ngại bước chân vào công cuộc chuyển đổi tốn kém?

Giáo dục đại học được kỳ vọng không chỉ truyền thụ tri thức mà còn là gương điển hình trong kiến tạo môi trường bền vững và nâng cao trách nhiệm cộng đồng. Tuy nhiên, công cuộc “xanh hóa” đại học vẫn còn nhiều rào cản.  

Báo cáo của IFC – thành viên của nhóm Ngân hàng Thế giới, tổ chức phát triển Hệ thống chứng nhận công trình xanh EDGE – cho biết, 50% các nhà xây dựng đều cho rằng chi phí cao là trở ngại lớn nhất trong việc mở rộng các công trình xanh tại Việt Nam. Trong đó, thiếu nguồn đầu tư là yếu tố lớn nhất khiến cho các công trình xanh hiện nay còn hạn chế.

“Xanh hóa” đại học: Tại sao nhiều trường vẫn ngại bước chân vào công cuộc chuyển đổi tốn kém?
Xanh hóa đại học còn gặp nhiều rào cản từ chi phí, sự không đồng nhất trong nhận thức, năng lực, chuyên môn và cơ chế liên quan

Tuy nhiên, chi phí không phải là rào cản duy nhất, bởi theo ARDOR Green – đơn vị tư vấn công trình xanh tại Việt Nam, với các dự án mới được thiết kế và xây dựng tối ưu, việc xanh hóa hoàn toàn khả thi khi mức gia tăng chi phí chỉ khoảng 1% so với tổng mức đầu tư ban đầu.

Do đó, ông Đặng Hoàng Long – Chuyên gia về thiết kế bền vững tại ARDOR Green cho rằng, xanh hoá đại học còn chậm là bởi nhận thức và năng lực triển khai chưa đồng bộ, thiếu đội ngũ chuyên môn về công trình xanh, thiếu cơ chế khuyến khích và chính sách hỗ trợ chuyên biệt… Tuy nhiên, theo ARDOR Green, đây là bước đi tất yếu, vì một tương lai bền vững hơn, mà môi trường giáo dục luôn là nền tảng.

Xu hướng xanh hóa đã được nhiều trường đại học hàng đầu trên thế giới đầu tư quy mô lớn và triển khai đồng bộ trên toàn hệ thống.

Đại học Stanford (Mỹ) xây dựng hệ thống năng lượng giảm 80% khí nhà kính, dùng 100% điện tái tạo từ 2022 và đặt mục tiêu net zero đến năm 2050. Đại học Oxford (Anh) cũng cam kết đạt net zero carbon và tăng đa dạng sinh học ròng vào 2035 với Quỹ Bền vững lên đến 200 triệu bảng Anh. Oxford triển khai chiến lược xanh toàn diện trên 10 lĩnh vực, thành lập các trung tâm nghiên cứu hàng đầu và hợp tác với chính quyền, doanh nghiệp thực hiện mô hình vùng phát thải thấp và trung tâm năng lượng tích hợp.

“Xanh hóa” đại học: Tại sao nhiều trường vẫn ngại bước chân vào công cuộc chuyển đổi tốn kém?
Xu hướng xanh hóa đã được nhiều trường đại học hàng đầu trên thế giới đầu tư và triển khai đồng bộ

Ở châu Á, Đại học Quốc gia Singapore (NUS) đã ra mắt cụm công trình đầu tiên hướng tới mục tiêu net-zero, gồm ba tòa nhà với giải pháp tái sử dụng công trình cũ và áp dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng tiên tiến. Đồng thời, NUS thành lập trung tâm liên ngành NUS Cities nhằm phát triển các giải pháp đô thị bền vững, kiên cường và đáng sống cho Singapore và khu vực. Ngoài ra, Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) áp dụng mô hình Trường đại học xanh toàn diện từ 1998. Khuôn viên trường duy trì hơn 57% diện tích xanh, thực hiện tiết kiệm năng lượng và giảm ô nhiễm.

Tại Việt Nam, Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) là một trong những ngôi trường tiên phong theo đuổi giá trị xanh kể từ những ngày đặt nền móng đầu tiên. Với chiến lược phát triển bền vững toàn diện, BUV không chỉ chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng xanh mà còn coi trường học là môi trường hình thành ý thức và trách nhiệm môi trường cho thế hệ trẻ.

Giáo sư Rick Bennett – Phó Hiệu trưởng kiêm Phó Chủ tịch BUV, khẳng định trường muốn trở thành hình mẫu thực tiễn để truyền cảm hứng cho sinh viên, những người sẽ đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường.

“Xanh hóa” đại học: Tại sao nhiều trường vẫn ngại bước chân vào công cuộc chuyển đổi tốn kém?
Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) là một trong những đơn vị giáo dục tiên phong trong công cuộc “xanh hóa”

Minh chứng cho tầm nhìn kiên định này, là việc BUV hiện trở thành trường đại học duy nhất tại Việt Nam đạt chứng chỉ EDGE Nâng cao (tiêu chuẩn công trình xanh quốc tế) cho cả 2 giai đoạn khuôn viên với mức yêu cầu tiết kiệm năng lượng tại chỗ ít nhất 40% so với công trình thông thường.

Chia sẻ tại buổi lễ trao chứng nhận EDGE Nâng cao cho BUV ở cả 2 giai đoạn của khuôn viên, đại diện IFC, thành viên Nhóm Ngân hàng Thế giới đánh giá cao nỗ lực của BUV: “Các sáng kiến xanh tại BUV không chỉ kiến tạo môi trường học tập bền vững mà còn góp phần nâng cao nhận thức và thúc đẩy hành động vì môi trường trong cộng đồng sinh viên nói riêng và toàn xã hội nói chung. Việc khuôn viên của BUV đạt chứng nhận EDGE Nâng cao đã đưa trường vào nhóm các đơn vị tiên phong trong phát triển bền vững tại Việt Nam. Những nỗ lực này đã giúp tiết kiệm hàng triệu kWh điện, hàng nghìn mét khối nước và giảm tới 112.000 tấn khí thải CO₂ mỗi năm.”

BUV không chỉ tích hợp nguyên tắc xanh vào chương trình giảng dạy mà còn khuyến khích cán bộ, sinh viên tham gia bảo vệ môi trường. Sinh viên được tham gia nhiều hoạt động thông qua chương trình Nâng cao năng lực và phát triển kỹ năng xã hội (PSG) liên quan đến phát triển bền vững để nâng cao ý thức và trách nhiệm xã hội.

Lê Minh

Bài Viết Liên Quan

Để lại một bình luận

Back to top button