Xác lập mô hình tăng trưởng mới cho Việt Nam giai đoạn 2026-2030, định hướng đến năm 2045
Ngày 15/7 tại Hà Nội, Viện Kinh tế Việt Nam và Thế giới (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức Diễn đàn khoa học với chủ đề “Xác lập mô hình tăng trưởng mới cho Việt Nam giai đoạn 2026-2030, định hướng đến năm 2045”.
Diễn đàn có sự tham dự của hơn 200 khách mời là đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, bộ/ngành như: Hội đồng Lý luận Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tạp chí Cộng sản, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, các Hiệp hội, Ngân hàng, Doanh nghiệp…

“Diễn đàn Xác lập mô hình tăng trưởng mới cho Việt Nam giai đoạn 2026 – 2030, định hướng đến năm 2045” là một hoạt động khoa học thường niên quan trọng, nhằm đánh giá những bất cập, hạn chế, điểm nghẽn, cần phải tháo gỡ của mô hình tăng trưởng hiện nay; tìm ra các luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc đề xuất các giải pháp mang tính then chốt, đột phá để góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng cho Việt Nam.
Theo các nhà khoa học, chuyên gia tại diễn đàn, mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam thời gian qua cũng đang bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém như việc phát triển chưa thật vững chắc, năng suất lao động chậm được cải thiện, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng kinh tế còn thấp; chưa phát huy được lợi thế so sánh và tận dụng các điều kiện hội nhập quốc tế; đầu tư công dàn trải, thất thoát, lãng phí,…Trước thực tiễn đó, đặt ra yêu cầu phải đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng kinh tế.

Phát biểu tại diễn đàn, TS. Đặng Xuân Thanh – Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhật định, mô hình tăng trưởng của Việt Nam hiện nay không trì trệ nhưng cũng không bứt phá, không còn đói nghèo nhưng chưa giàu mạnh. Dù có những bước tiến, nhưng đây là dấu hiệu của bẫy thu nhập trung bình, tình trạng chung của hơn 100 quốc gia đang phát triển trên thế giới chưa thể vượt qua.
Trong bối cảnh thế giới đầy biến động và nhiều rủi ro như hiện nay, mô hình tăng trưởng phải được thiết kế như một cấu trúc phức hợp đa chiều, bao gồm cả yếu tố xã hội, môi trường, thậm chí cả địa chính trị… cần tính toán đến những nhân tố đang tái định hình bối cảnh phát triển. Cụ thể là chuyển đổi số và kinh tế dữ liệu, robot và trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra những chuỗi giá trị, kiểm soát dữ liệu, chuyển đổi xanh và cam kết mục tiêu phát triển bền vững, buộc các nền kinh tế phải chuyển mình nhanh chóng, nếu không muốn bị loại khỏi sân chơi.

Theo TS. Lê Xuân Sang – Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam và Thế giới, kinh tế Việt Nam đang chủ yếu tăng trưởng dựa vào tăng vốn đầu tư, giá rẻ nhân công và thuê mặt bằng kinh doanh; bước đầu chuyển sang tăng hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn dựa chủ yếu vào bên ngoài (nhập khẩu chủ yếu từ đầu vào sản xuất công nghiệp đến nông nghiệp) dẫn đến công nghiệp phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu nước ngoài…
Còn theo nhận định của Ths. Phạm Thành Công, Viện Kinh tế Việt Nam và Thế giới, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam những năm gần đây đang có xu hướng chậm lại, chất lượng tăng trưởng thấp. Phương thức phân bổ nguồn lực xã hội chưa có sự thay đổi rõ rệt; năng suất lao động và năng suất các nhân tố tổng hợp còn thấp. Kinh tế vĩ mô ổn định nhưng chưa vững chắc, bội chi ngân sách còn lớn, nợ công tăng nhanh.

Về định hướng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong kỷ nguyên mới, các nhà khoa học, chuyên gia tại diễn đàn đề xuất, Việt Nam cần thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, tạo cơ hội cho phát triển các thành phần kinh tế. Cụ thể là cần nhận diện và quản lý ảnh hưởng của DN lớn lên chính sách. Chính phủ cần thực hiện các chương trình hỗ trợ DN theo kết quả đạt được, tập trung vào nghiên cứu phát triển, không phân biệt loại hình DN.
Diễn đàn đã nhận được hơn 20 bài tham luận từ các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp, tập trung vào các vấn đề mang tính trọng tâm như: Phân tích các quan điểm về lựa chọn mô hình tăng trưởng kinh tế; Kinh nghiệm về đổi mới, chuyển đổi mô hình tăng trưởng của một số quốc gia trên thế giới; Phân tích thực trạng vấn đề mô hình tăng trưởng hiện tại của kinh tế Việt Nam, các bất cập, hạn chế và các rào cản, điểm nghẽn trong quá trình thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng hiện nay; Phác thảo, nhận diện mô hình tăng trưởng mới của Việt Nam trong giai đoạn 2026-2030 và định hướng đến 2045.

Trên cơ sở các bài tham luận khoa học và các ý kiến trao đổi, thảo luận và đóng góp của các quý đại biểu, Ban Tổ chức sẽ tổng hợp, chắt lọc các ý kiến đóng góp tại Diễn đàn để có báo cáo kiến nghị chính sách kinh tế vĩ mô gửi đến Chính phủ và bộ ngành trung ương, các cơ quan liên quan.
Lê Long