Vướng mắc về định mức chi phí tái chế – Tiềm ẩn hệ lụy gì cho doanh nghiệp?

Không chỉ để lại nhiều ý kiến trái chiều thời gian qua, theo chuyên gia, các vướng mắc về định mức chi phí tái chế nếu được thông qua sẽ tiềm ẩn nhiều hệ lụy cho doanh nghiệp…

Theo đó, như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, xoay quanh những vướng mắc về định mức chi phí tái chế (Fs), phản hồi kiến nghị của các Hiệp hội doanh nghiệp, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, nội dung được đưa ra “không có cơ sở” và “rất khó để so sánh”!?. Thế nhưng, phản biện lại các lập luận được đưa ra từ đại diện cơ quan soạn thảo, các Hiệp hội doanh nghiệp cho rằng, chính cơ quan soạn thảo đang có nhầm lẫn cả về kinh tế học và thực tiễn, đồng thời viện dẫn hàng loạt các ví dụ làm căn cứ…

Vướng mắc về định mức chi phí tái chế - Tiềm ẩn hệ lụy gì cho doanh nghiệp?

Dự thảo quy định về định mức tái chế đã và đang để lại nhiều quan ngại cho nhiều Hiệp hội doanh nghiệp – Ảnh minh họa: ITN

Thực tế cho thấy, về nguyên tắc, trong tất cả các kiến nghị, phản hồi góp ý Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành định mức chi phí tái chế hợp lý, hợp lệ đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì và chi phí quản lý hành chính phục vụ quản lý, giám sát, hỗ trợ thực hiện trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu (Dự thảo), các Hiệp hội doanh nghiệp đều khẳng định, ủng hộ tinh thần của Chính phủ trong việc bảo vệ môi trường cũng như thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, tuy nhiên, để chính sách có thể đi vào thực tế, vướng mắc về định mức chi phí tái chế cần đảm bảo phù hợp.

Và không có Fs phù hợp sẽ không thể triển khai EPR hiệu quả, đặc biệt, nếu không có giải pháp tháo gỡ vướng mắc về vấn đề này sẽ đem đến nhiều hệ lụy tiềm ẩn cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

Liên quan đến các vướng mắc từ Fs, bà Đặng Thị Ngọc Hương – Tổng giám đốc phụ trách đối ngoại và pháp lý Pernod Ricard Việt Nam cho biết, chúng ta cần ghi nhận rằng mục tiêu của EPR là không chỉ tạo nguồn lực để làm sạch môi trường thông qua việc thu gom, xử lý sản phẩm thải bỏ mà EPR còn có mục tiêu cao hơn đó là tác động đến thói quen sản xuất, hướng đến điều chỉnh hành vi của người tiêu dùng, vì một môi trường phát triển bền vững.

Fs là yếu tố rất quan trọng, giữ vai trò nền tảng để đạt được hai mục tiêu này của EPR. Nếu nguyên tắc xác định Fs không toàn diện, hợp lý, có khả năng khiến EPR trở thành chính sách gây khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh.

Vướng mắc về định mức chi phí tái chế - Tiềm ẩn hệ lụy gì cho doanh nghiệp?

Đáng nói, nếu được thông qua, thì hệ số định mức chi phí tái chế được đề xuất được cho sẽ tiềm ẩn nhiều hệ lụy cho các doanh nghiệp – Ảnh minh họa: ITN

Theo bà Hương, bất cập đầu tiên là Dự thảo hiện nay chưa áp dụng kinh tế tuần hoàn khi tính Fs, nên Fs đang rất cao. Ví dụ, từ chai lọ thủy tinh, rác thải vẫn đang được thu gom, mua bán trong cộng đồng mà không cần phải có sự can thiệp từ chính phủ. Hiện nay, các bên tái chế đang có lãi khi thực hiện tái chế thủy tinh. Pernod Ricard Việt Nam đã thực hiện tái chế hai năm nay, chúng tôi không phải trả chi phí tái chế thủy tinh cho nhà tái chế vì họ có lãi.

Thế nhưng, theo Dự thảo, chi phí thu gom và tái chế thủy tinh hiện nay đang được tính rất cao, 3.300 đồng/kg; hệ số điều chỉnh 0.6, dẫn đến Fs đang ở mức cao hơn các quốc gia Châu Á như Hàn Quốc là 4 lần và các nước Tây Âu là 2,12 lần. Có thể thấy yếu tố tuần hoàn không được tính đến khi doanh nghiệp phải chịu thêm chi phí, còn bên tái chế lại thêm lợi nhuận.

“Tôi e rằng sự bất hợp lý này sẽ phá vỡ tính cân bằng, ổn định của thị trường. Khi doanh nghiệp phải gánh chịu thêm chi phí, chúng tôi chỉ có thể tăng giá sản phẩm, hoặc cắt giảm chi phí để đảm bảo lợi nhuận; từ đó, giá vật liệu, giá hàng hóa vô hình chung sẽ trở nên cao hơn hoặc các phúc lợi của người lao động phải giảm đi. Trường hợp nào cũng gây ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển bền vững của kinh tế”, bà Hương bày tỏ.

Cũng theo bà Hương, điều ảnh hưởng tiêu cực tiếp theo là Fs cao có thể làm cho ngành công nghiệp tái chế phát triển, nhưng theo chiều hướng tiêu cực. Bởi hiện nay, chúng tôi không phải trả tiền hay có bất kỳ khoản hỗ trợ nào cho bên tái chế, thế nhưng, sau khi Fs ban hành, các bên tái chế sẽ thay đổi cách kinh doanh, chi phí tái chế sẽ không còn là 0 đồng, và doanh nghiệp sẽ phải trả tiền tái chế, có khi là trả cao.

Trong hoàn cảnh này, mong muốn được góp phần tái chế rác thải, góp phần bảo vệ môi trường của doanh nghiệp chịu sự đả kích; và thay vì thực hiện tái chế, doanh nghiệp có thể chọn giải pháp đóng tiền vì cùng một khoản tương ứng, nhưng doanh nghiệp đỡ phải thực hiện hàng loạt các thủ tục hành chính để thực hiện, theo dõi và báo cáo hoạt động tự tái chế.

“Chính vì vậy, xác định Fs phải đảm bảo tính cân bằng, hài hòa, hợp lý để duy trình trạng thái cân bằng giữa doanh nghiệp và các bên tái chế. Nếu quá cao thì bên tái chế được hỗ trợ, trong khi doanh nghiệp phải chịu khó và không được khuyến khích tham gia tái chế. Hơn nữa, nên có cơ chế cho doanh nghiệp vừa được thực hiện tái chế, vừa đóng góp cho số lượng vật liệu mà doanh nghiệp không đảm bảo tái chế được”, bà Hương góp ý.

Xoay quanh những vướng mắc, bất cập của Fs, trước đó, bà Chu Thị Vân Anh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu- Nước giải khát Việt Nam (VBA) cũng cho rằng, nếu các hệ số đề xuất trong Dự thảo được ban hành thì sẽ ảnh hưởng lớn tới môi trường kinh doanh và “sức khoẻ” của doanh nghiệp.

Theo bà Vân Anh, dù Dự thảo phiên bản cập nhật ngày 26/7/2023 đã có điều chỉnh giảm một số điểm so với Dự thảo trước đó, thế nhưng, một số định mức chi phí tái chế Fs vẫn rất cao, thậm chí cao hơn cả mức Fs trung bình của 14 nước Tây Âu là các nước rất phát triển và có chi phí đắt đỏ, như Fs dự thảo của nhôm cao gấp 1,26 lần, của thủy tinh cao hơn 2,12 lần…

Đơn cử, chỉ tính riêng 3 loại bao bì chính gồm: giấy, nhựa và kim loại, các doanh nghiệp sẽ phải đóng phí tái chế ước tính là 6.127 tỷ mỗi năm, chưa kể phí tái chế cho nhiều loại bao bì, sản phẩm thải bỏ khác. Đây là một khoản chi phí rất lớn, sẽ gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và đẩy giá sản phẩm tăng cao, đặc biệt, trong tình trạng kinh tế khó khăn như hiện nay, khi riêng 6 tháng đầu năm đã có đến 100.000 doanh nghiệp phải đóng cửa, và số người lao động thất nghiệp đã lên tới 1,07 triệu người. Giá sản phẩm cao cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân. Tính trung bình mỗi người Việt Nam, từ trẻ sơ sinh đến người già, sẽ phải đóng góp ít nhất 61.000 đồng mỗi năm, chỉ cho phí tái chế 3 loại bao bì này.

Bài Viết Liên Quan

Back to top button