Vốn đầu tư FDI vào Việt Nam giảm nhẹ so với cùng kỳ
TGA – Tính đến ngày 20/4, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 12,25 tỷ USD, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Như vậy, vốn đầu tư vào Việt Nam đang có dấu hiệu chậm lại, chỉ bằng xấp xỉ so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, xét 3 tháng đầu năm, bất chấp COVID-19, vốn đầu tư nước ngoài vẫn tăng so với cùng kỳ. Cụ thể, quý 1/2021 cả nước thu hút 10,13 tỷ USD vốn FDI, tăng 18,5% so với quý 1/2020.
Vốn đầu tư nước ngoài trong quý 1 tăng cao bởi vì là do trong tháng 3/2021 có Dự án điện khí Long An, với tổng mức đầu tư lên đến 3,1 tỷ USD. Trong khi đó, trong tháng 4 không có dự án quy mô lớn nào. Tuy nhiên, trong tổng số hơn 12 tỷ USD đầu tư vào Việt Nam, số vốn đăng ký mới đã chiếm 8,5 tỷ USD, tăng 24,7% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, vốn tăng thêm là 2,7 tỷ USD, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự sụt giảm của vốn tăng thêm chủ yếu là do trong tháng 4/2020, có Dự án tổ hợp hóa dầu Miền Nam Việt Nam điều chỉnh tăng vốn 1,38 tỷ USD. Đáng lưu ý, vốn đầu tư qua góp vốn, mua cổ phần tiếp tục giảm mạnh, đạt trên 1 tỷ USD, giảm 57,8% so với cùng kỳ.
Cục Đầu tư nước ngoài ghi nhận, có tín hiệu đáng mừng khi hoạt động sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp đã tiếp tục phục hồi sau đại dịch. Vốn thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài trong 4 tháng đạt 5,5 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ.
Thêm một tín hiệu tích cực khác được Cục Đầu tư nước ngoài ghi nhận là quy mô bình quân của các dự án cấp mới và các dự án điều chỉnh vốn đều tăng lên so với cùng kỳ năm 2020.
Cụ thể, tăng từ 6,9 triệu USD/dự án mới trong 4 tháng năm 2020 tăng lên 18,7 triệu USD/dự án mới trong 4 tháng năm 2021 và từ 9,2 triệu USD/lượt dự án điều chỉnh vốn lên trên 10,4 triệu USD/lượt dự án điều chỉnh vốn.
Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17 lĩnh vực. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều vốn đầu tư nhất với 5,2 tỷ USD, chiếm 42,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo, là lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, kinh doanh bất động sản, bán buôn, bán lẻ…
Trong 67 quốc gia đầu tư vào Việt Nam, Singapore tiếp tục dẫn đầu với 4,8 tỷ USD vốn đầu tư bằng 39,6% tổng vốn đầu tư nước ngoài Vào Việt Nam, tiếp theo là Nhật Bản với 2,5 tỷ USD, chiếm 20,5% tổng vốn đầu tư. Đứng vị trí thứ 3 là Hàn Quốc, với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,5 tỷ USD, chiếm 12,1% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Trung Quốc, Hồng Kông, Hoa Kỳ…
Tính lũy kế đến nay, cả nước có 33.463 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 394,9 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 238,36 tỷ USD, bằng 60,4% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Minh Trần