Vì sao Ấn Độ cần BRICS?

Dù bất đồng về địa chính trị với Trung Quốc – một trong những quốc gia sáng lập của BRICS, nhưng Ấn Độ vẫn theo đuổi tham vọng xây dựng khối này.

Vì sao Ấn Độ cần BRICS?
Hội nghị thượng đỉnh Nhóm BRICS lần thứ 15 được tổ chức tại thành phố Johannesburg, Nam Phi

Khi nhà kinh tế học người Anh Jim O’Neill lần đầu tiên đề xuất thuật ngữ BRIC vào năm 2001, có lẽ ông không ngờ rằng cụm từ này sẽ phát triển thành một trong những liên minh lớn trên thế giới. Vào tháng 6/2006, các Bộ trưởng Kinh tế của Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc đã gặp nhau tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg, chính thức hóa thuật ngữ này. BRIC đã ra đời và sau khi Nam Phi gia nhập vào năm 2010, liên minh này đã đổi tên thành BRICS và tiếp tục mở rộng thành BRICS+ vào năm 2024.

Trong nhiều năm qua, các chuyên gia thường dự đoán rằng liên minh này sẽ thất bại. Tuy nhiên, BRICS đã chứng minh được khả năng lớn mạnh không ngờ. Sự thành công của BRICS tồn tại bất chấp những bất đồng về địa chính trị giữa các quốc gia sáng lập, đặc biệt là giữa Trung Quốc và Ấn Độ – những nước có quân đội đã nhiều lần đụng độ dọc biên giới ở dãy Himalaya. BRICS cũng đã vượt qua được các cuộc khủng hoảng tài chính và đại dịch toàn cầu.

Vậy đâu là yếu tố hậu thuẫn cho sự lớn mạnh không ngừng của BRICS? Ông Alexey Kupriyanov, Giám đốc Trung tâm Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Viện Nghiên cứu quốc gia Primakov về kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế (IMEMO) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cho rằng một trong những yếu tố chính làm nên sự bền vững của BRICS là khả năng thích ứng với bối cảnh mới. Kỷ nguyên của các liên minh với tư cách thành viên bắt buộc và các cam kết cứng nhắc đã qua đi. Hệ thống toàn cầu hiện tại yêu cầu những hình thức hợp tác mới, thúc đẩy việc tạo ra các “liên minh tự nguyện”. Những liên minh này không yêu cầu bất kỳ nghĩa vụ nào ngoại trừ những nghĩa vụ tự nguyện của mỗi quốc gia.

Theo các chuyên gia, tư cách thành viên BRICS+ có vai trò vô cùng quan trọng đối với Ấn Độ. Lý do đầu tiên được nhắc tới chính là BRICS+ cung cấp một nền tảng vững chắc để tăng cường tương tác kinh tế với các cường quốc mới nổi khác. Giới lãnh đạo Ấn Độ coi phát triển kinh tế là nền tảng cần thiết để khẳng định vị thế cường quốc. Hiện tại, Ấn Độ là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới, tiềm năng trở thành nền kinh tế lớn thứ ba và hơn thế nữa trong tương lai. Để hiện thực hóa giấc mơ này, Ấn Độ cần đầu tư mới, phát triển công nghệ mới và tăng doanh thu xuất khẩu. Những điều này chỉ có thể đạt được thông qua quan hệ đối tác kinh tế được tăng cường với các quốc gia khác, bao gồm các cơ chế tài chính và thương mại trong BRICS.

Kế đến, vấn đề về địa vị quốc tế của Ấn Độ cần được xem xét. Trong nhiều thập kỷ qua, Ấn Độ đã kiên trì tìm kiếm một ghế thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Ấn Độ, với sức mạnh kinh tế và quân sự hiện tại, không thể thua kém Anh và Pháp. Ấn Độ cũng sở hữu vũ khí hạt nhân và là một trong những thành viên sáng lập của Liên hợp quốc.

“Với giới tinh hoa chính trị Ấn Độ, việc không có ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là một sự thiệt thòi lớn. Ấn Độ đã chọn cách tiếp cận bằng cách tham gia và đẩy mạnh các định chế thay thế như BRICS. Cấu trúc của BRICS cho phép nó được coi là cốt lõi của một kiến trúc thế giới tương lai, đặc biệt nếu Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc không còn tồn tại. Điều này rất phù hợp với mục tiêu của Ấn Độ: trong trường hợp Hội đồng Bảo an biến mất, Ấn Độ sẽ là một phần của cơ quan quản lý cốt lõi của trật tự thế giới mới”, ông Alexey Kupriyanov nhấn mạnh.

Vì sao Ấn Độ cần BRICS?
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi

Ấn Độ từ lâu đã cáo buộc Trung Quốc đang nỗ lực xây dựng một “thế giới đa cực với một châu Á đơn cực”. Đối với Ấn Độ, điều này là không thể chấp nhận được, vì nước này tuyên bố có địa vị ngang bằng với Trung Quốc ở châu Á và trên thế giới. Mặc dù tư cách thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc mang lại cho Trung Quốc một lợi thế về địa vị, nhưng trong BRICS, Bắc Kinh và New Delhi giao tiếp trên cơ sở bình đẳng.

Hơn nữa, Pakistan – quốc gia mà Ấn Độ coi là một phần của ảnh hưởng Trung Quốc – không có mặt trong BRICS. Điều này tạo điều kiện cho BRICS trở thành nền tảng đàm phán các vấn đề quan trọng trực tiếp với Trung Quốc.

Theo ông Alexey Kupriyanov, tầm quan trọng của Ấn Độ trong BRICS được thể hiện ở nhiều cấp độ: Nga coi Ấn Độ là đối tác chiến lược, là lựa chọn thay thế cho Trung Quốc và là một người bạn lâu năm. Sự hợp tác giữa Nga và Ấn Độ đã kéo dài trong nhiều thập kỷ và không phụ thuộc vào hoàn cảnh địa chính trị thay đổi. Với những lý do này, có thể thấy rằng sự tồn tại và phát triển của BRICS là cần thiết cho cả Ấn Độ và Nga, và là một phần quan trọng của trật tự thế giới mới.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Bài Viết Liên Quan

Back to top button