VHC: Chờ đợi nhu cầu phục hồi nửa cuối năm 2024
Nhu cầu nhập khẩu phục hồi nhẹ vào quý IV/2023, cùng với giá cá giống, cá nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi được dự báo có xu hướng giảm, giúp VHC tiết kiệm được chi phí đầu vào.
Trong 7 tháng đầu năm 2023, doanh thu của Công ty CP Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) ghi nhận đạt khoảng 5.783 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu mặt hàng chủ đạo là cá tra fillet đạt 3.280 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ. Các dòng sản phẩm khác giảm từ 16-20% so với cùng kỳ năm trước, riêng các sản phẩm từ gạo đạt 88 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước.
Do đợt đầu năm các nhà máy và cảng biển tạm thời đóng cửa nghỉ Tết Nguyên Đán nên sản lượng và doanh thu quý I của các doanh nghiệp xuất khẩu bị sụt giảm. Đồng thời, lượng hàng tồn kho tích trữ từ cuối năm và lạm phát tăng cao ở các quốc gia nhập khẩu chính, khiến nhu cầu tiêu dùng vẫn duy trì ở mức thấp.
Trong 7 tháng đầu năm 2023, tỷ trọng doanh thu đến từ thị trường Mỹ đạt 32%, giảm 11% so với cùng kỳ, trong khi, tỷ trọng doanh thu từ các thị trường khác tăng khoảng 1-2% so với cùng kỳ, riêng thị trường trong nước tăng khoảng 6%.
Đánh giá về triển vọng của VHC, Chứng khoán VCBS cho biết, với việc hoàn thiện nhà máy thức ăn chăn nuôi thủy sản từ năm 2022, đã giúp VHC nâng công suất thêm hơn 50%. Bên cạnh đó, VHC cũng đang hợp tác với Nhà nước để nuôi trồng con giống, dự án bao gồm 3-4 giai đoạn và đang được triển khai được nửa chặng đường.
“Hiện tại VHC đang duy trì tỷ lệ tự nuôi 65% và 45% sẽ mua từ các hộ chăn nuôi bên ngoài khi các đơn hàng tăng đột biến. Đối với cá giống và cá nguyên liệu mua từ bên ngoài, VHC sẽ hỗ trợ bà con trong quy trình chăn nuôi để đảm bảo chất lượng đầu ra, bên cạnh đó doanh nghiệp còn tư vấn và bán thức ăn chăn nuôi của mình”, VCBS cho biết.
Theo VCBS, nhà máy Thành Ngọc với công suất 23.000 tấn thành phẩm/năm đã hoàn thiện. Dự kiến sẽ bắt đầu bán ra thị trường vào quý IV/2023, đem về doanh thu thuần khoảng 87,5 và 350 tỷ đồng trong năm 2023 và 2024, với lợi nhuận gộp tương ứng là 13 và 52,5 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, việc cải thiện mở rộng nhà máy C&G sẽ được hoàn thiện vào quý IV/2023 hoặc đầu năm 2024. Nâng tổng công suất chế biến C&G lên khoảng 7.000 tấn/năm. Sản phẩm C&G từ cá tra có mức giá rẻ hơn cá hồi và có thể hấp thụ vào cơ thể người tốt hơn do nhiệt độ của cá tra gần với nhiệt độ cơ thể người hơn, nên các sản phẩm C&G từ cá tra có thể sẽ được ưa chuộng hơn trong tương lai.
Doanh nghiệp cũng cho biết tốc độ tăng trưởng của thị trường C&G hiện nay trong khoảng 65-75%, nên VHC sẽ có nhiều tiềm năng để mở rộng biên lợi nhuận. Dự báo, doanh thu thuần và lợi nhuận gộp mảng C&G của VHC sẽ đạt khoảng 1.144 và 469 tỷ đồng trong năm 2023.
Đối với các thông tin của ngành, VCBS cho biết, giá cá tra xuất khẩu liên tục giảm ở các thị trường, đặc biệt là tại thị trường Mỹ với mức giảm khoảng 21-42% so với cùng kỳ năm trước, giá xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và châu Âu giảm khoảng 10-20% so với cùng kỳ. Giá cá giảm chủ yếu do hàng tồn kho ở các nước nhập khẩu vẫn còn nhiều, tình hình lạm phát kéo dài cũng khiến nhu cầu tiêu dùng của người dân sụt giảm.
Trong khi đó, giá cá tra nguyên liệu vẫn tiếp tục đi ngang ở vùng giá thấp từ 25.500-27.500 đồng/kg tùy từng loại size. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp lớn tập trung bắt ao hệ thống liên kết, ao nuôi gia công và ao nhà, khiến thị trường giao dịch cá nguyên liệu size 800g-1,1kg trở nên trầm lắng.
Đối với cá nguyên liệu size lớn (trên 1,3kg), các đơn hàng ký mới tăng nhẹ 5-10% cuối tháng sau một số sự kiện xúc tiến thương mại như Vietfish và Hội chợ thủy sản tại Shang hai, tuy nhiên các nhà máy công ty chưa đẩy hàng tồn kho nhiều, nên nhu cầu sản xuất thêm vẫn chưa được cải thiện đáng kể.
Giá cá giống trong tháng 8 có xu hướng tăng sau khi đã giảm mạnh xuống vùng giá thấp nhất trong tháng 7 (thấp nhất kể từ năm 2022), với tổng mức tăng khoảng 8-10.000 đồng/kg. Sau dịp nghỉ lễ 2/9, giá cá giống tiếp tục tăng nhẹ từ 2-3.000 đồng/kg đạt mức 31-33.000 đồng/kg.
“Tuy có những tín hiệu tích cực, nhịp giao dịch trên thị trường nhìn chung vẫn chậm, nhóm hộ nuôi tư nhân hầu như mua giống với số lượng ít và các công ty vẫn duy trì trạng thái mua lai rai”, VCBS đánh giá.
Giá thức ăn cho cá vẫn tiếp tục duy trì đà giảm từ 22-85% từ quý 2/2023 do giá ngũ cốc giảm. Các chuyên gia nhận định, giá thức ăn chăn nuôi sẽ tiếp tục giảm cho đến đầu năm 2024, do các nhà nhập khẩu đã tích cực tích trữ ngũ cốc từ đầu năm 2023, trước lo ngại hiện tượng El Nino sẽ ảnh hưởng nặng nề đến vụ mùa.
Trong khi, giá cước tàu thủy sau một thời gian dài duy trì đà giảm đã tăng trở lại vào tháng 8, khoảng 17% so với tháng trước, cho tuyến Châu Á – Bắc Mỹ và 33% so với tháng trước, cho tuyến Châu Á – EU.
“Nguyên nhân là do các dịp lễ Giáng sinh và năm mới bên phương Tây đang đến gần khiến nhu cầu mua sắm tăng cao, khiến hàng hóa cũng được lưu thông nhiều hơn. Dự báo giá cước vận tải vẫn sẽ tiếp tục tăng cho đến hết cuối năm nay để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng tăng cao”, VCBS nhận định.
Mặc dù đánh giá, triển vọng của VHC sẽ được nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ. Tuy nhiên, Công ty Chứng khoán này cũng chỉ ra một số rủi ro mà doanh nghiệp sẽ phải đối mặt như: Tồn kho cá tra ở các nước nhập khẩu vẫn ở mức cao, dự báo phải đến hết tháng 6/2024 nhu cầu nhập khẩu mới hồi phục mạnh trở lại; Lạm phát kéo dài ở các quốc gia nhập khẩu ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng.