VCCI: 62 năm lớn mạnh cùng doanh nghiệp và đất nước
62 năm - VCCI tự hào về những đóng góp to lớn, có ý nghĩa tiên phong đổi mới vì sự phát triển của nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp.

Diễn đàn Văn hoá doanh nhân năm 2025 là một trong những hoạt động thực hiện đề án “Thúc đẩy xây dựng đạo đức doanh nhân, văn hóa hóa kinh doanh trong cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam giai đoạn 2024-2030” của VCCI
Cách đây 62 năm, ngày 14/3/1963 tại Hà Nội, Đại hội thành lập Phòng Thương mại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được tổ chức với 93 tổ chức hội viên đầu tiên, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Tiếp đó, ngày 27/4/1963 Thủ tướng Phạm Văn Đồng thay mặt Hội đồng Chính phủ đã ký Quyết định số 58-CP phê duyệt bản Điều lệ Phòng Thương mại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà – nay là Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Và VCCI đã chính thức ra đời, bắt đầu hành trình đồng hành cùng sự phát triển của đất nước, của nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Tiên phong đổi mới
Thực hiện đường lối phát triển đất nước được Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra, Đại hội đại biểu VCCI toàn quốc lần thứ VII tổ chức tháng 12/2021 đã đưa VCCI bước vào giai đoạn phát triển mới với tầm nhìn và sứ mệnh xây dựng “Doanh nghiệp vững mạnh – Quốc gia thịnh vượng”. Đây là tầm nhìn cho giai đoạn mới của đất nước ta, đó là phấn đấu thực hiện mục tiêu và khát vọng đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045.
Đại hội cũng đã thông qua việc đổi tên Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thành Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (tên tiếng Anh và tên viết tắt VCCI vẫn giữ nguyên), đồng thời đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược trong thúc đẩy phát triển cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp và củng cố, phát triển, nâng cao năng lực, vai trò của VCCI. Ba đột phá là: (1) Thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi; (2) Tiên phong xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam; (3) Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong doanh nghiệp. VCCI vừa phát huy các hoạt động truyền thống đã có, vừa đổi mới, phát triển thêm các nội dung và phương thức hoạt động mới để đem lại chất lượng, hiệu quả cao hơn.
62 năm qua, VCCI là tổ chức tiên phong trong phát động và triển khai nhiều hoạt động quan trọng vì sự phát triển của doanh nghiệp. Các hoạt động như hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó đại dịch Covid-19, tổ chức các hội nghị đối thoại với các cơ quan quản lý để tháo gỡ vướng mắc trong kinh doanh, tham gia xây dựng, phản biện và giám sát thực thi chính sách, công bố và phát động thực hiện bộ 6 quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam, định hướng, hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, hoạt động phát triển doanh nghiệp bền vững, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ doanh nhân nữ,… đều được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao.
Từ 93 hội viên ban đầu, đến nay VCCI có mạng lưới hội viên rộng lớn toàn quốc với trên 200 hiệp hội doanh nghiệp và trên 200 nghìn doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực, mọi ngành nghề, mọi thành phần kinh tế.
Luồng gió mới
Tín hiệu của thời kỳ mới được xác định ngay trong năm 2023, khi vào đúng dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới (Nghị quyết 41).
Nghị quyết nhấn mạnh quan điểm “Đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế; xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh”. Như vậy, doanh nghiệp không chỉ lo làm ăn bình thường mà được xác định có vai trò ảnh hưởng lớn hơn là bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Phó Thủ tướng Chính phủ – Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, Chủ tịch VCCI và đông đảo các vị lãnh đạo bộ ngành địa phương tại Hội nghị Gặp gỡ 2025 do VCCI phối hợp với UBND tỉnh Lào Cai thực hiện
Nghị quyết 41 xác định rõ yêu cầu quan trọng là “tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng để doanh nghiệp phát triển và cống hiến là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và đội ngũ doanh nhân gắn với quá trình hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”.
Điểm mới đáng chú ý mà các doanh nghiệp hết sức ủng hộ là “bổ sung chế tài kinh tế phù hợp để xử lý vi phạm, không hình sự hoá quan hệ kinh tế… bảo đảm khuôn khổ pháp luật ổn định, đồng bộ, thống nhất, minh bạch, bình đẳng…”. Như vậy, xu hướng thời gian tới doanh nghiệp sẽ không còn phải lo ngại “hình sự hóa các quan hệ kinh tế”. Điểm đáng chú ý là Nghị quyết 41 nêu rõ yêu cầu “có chính sách đột phá để hình thành, phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu”.
Tất cả những điểm mới chưa từng có này đều là những điều được giới doanh nhân mong đợi và háo hức chờ đón. Với vai trò là điểm tựa và bệ đỡ cho các doanh nghiệp, VCCI sẽ tiếp tục phát huy truyền thống và thế mạnh trong thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ kết nối cộng đồng doanh nhân trong nước và quốc tế, đồng hành thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, mang đến những giá trị cộng hưởng mạnh mẽ trong phát triển kinh tế – xã hội.
Định hướng tương lai
Sứ mệnh của VCCI là hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước và hội nhập quốc tế. Trong quá trình phát triển, VCCI đóng vai trò quan trọng là cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước, tích cực tham gia vào quá trình cải cách và cải thiện môi trường kinh doanh. VCCI cũng hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi của họ.
Chủ tịch VCCI đã nhiều lần nhấn mạnh những đóng góp tích cực của VCCI trong nhiều lĩnh vực.
Về thể chế, VCCI là một trong những tổ chức tiên phong tham mưu cho nhà nước về các thể chế kinh tế, đặc biệt trong giai đoạn đổi mới từ năm 1986 và hội nhập kinh tế quốc tế từ năm 1990. VCCI tham gia vào quá trình thúc đẩy cải cách và tư vấn cho chính phủ trong đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do, cũng như tuyên truyền để doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ các hiệp định này.
Về cải thiện môi trường kinh doanh, VCCI cũng đóng một vai trò quan trọng, thể hiện qua việc công bố hằng năm Chỉ số Năng lực Cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), giúp đánh giá môi trường kinh doanh và năng lực điều hành kinh tế của lãnh đạo các địa phương, qua đó thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh trên cả nước.
Về hỗ trợ doanh nghiệp và hội nhập quốc tế, VCCI tổ chức nhiều hoạt động kết nối kinh doanh hiệu quả giữa doanh nghiệp trong nước và quốc tế, tạo cơ hội gặp gỡ trực tiếp, giúp doanh nghiệp tìm kiếm đối tác và mở rộng thị trường thông qua hội chợ, triển lãm và khảo sát thị trường. VCCI cũng góp phần kết nối các doanh nghiệp nước ngoài với nhau.
Về nâng cao năng lực quản trị, VCCI tổ chức các hoạt động đào tạo, hội thảo, lớp học cho hàng chục ngàn lượt học viên, giúp nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp.
Về phát triển bền vững, VCCI là tổ chức tiên phong thúc đẩy phát triển bền vững cho doanh nghiệp và có các chương trình đánh giá, xếp hạng doanh nghiệp phát triển bền vững.
Trong bối cảnh mới những cơ hội và thách thức ngày càng lớn trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và cạnh tranh gay gắt. Trước tình hình này, VCCI sẽ đẩy mạnh việc kết nối và mở rộng thị trường để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đa dạng hóa thị trường ra ngoài các thị trường truyền thống.
VCCI sẽ tiếp tục góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, hướng tới mục tiêu giảm ít nhất 30% chi phí tuân thủ và đưa Việt Nam vào nhóm 3 nước hàng đầu ASEAN về môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.
Đất nước chuẩn bị bước sang thời kỳ mới – Kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc Việt Nam, thực hiện các mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm thành lập nước. VCCI sẽ nỗ lực hơn nữa trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp gia đình Việt Nam, hình thành những doanh nghiệp dân tộc, phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân dân tộc đóng góp vì một Việt Nam phát triển mạnh mẽ và bền vững – như lời Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nói.
BBT