Vẫn nhiều trắc trở, hàng không hồi phục nhờ đâu?

Kỳ vọng phục hồi của thị trường vận tải hành khách không như mong đợi khiến nhiều doanh nghiệp hàng không vẫn gặp khó, vận tải hàng hoá hàng không được cho là bước chuyển tiềm năng.

Kỳ vọng phục hồi không như mong đợi trong nửa cuối năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 khiến doanh nghiệp hàng không tiếp tục đối mặt khó khăn đặc biệt về vấn đề thanh khoản.

Vẫn nhiều trắc trở, hàng không hồi phục nhờ đâu?

Thời điểm hiện tại, phần lớn hãng bay vẫn bi quan về triển vọng hồi phục phục thị trường cũng như tình hình tài chính.

Vận tải hành khách chưa thể lạc quan

Trước đó, dự báo của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), thị trường hàng không toàn cầu, sản lượng luân chuyển hành khách quốc tế năm 2023 dự kiến bằng 80% so năm 2019 và nội địa đạt khoảng 95% so năm 2019, gần phục hồi bằng giai đoạn trước khi đại dịch càn quét. Tốc độ hồi phục tại các khu vực khác nhau trong đó khu vực trong đó khu vực Châu Á-Thái Bình Dương được dự báo là phục hồi chậm nhất.

Đối với Việt Nam, hết năm 2022, thị trường hàng không nội địa đã phục hồi hoàn toàn và có sự tăng trưởng cao so với giai đoạn năm 2019. Thị trường quốc tế dần hồi phục và dự báo sẽ đạt mức 2019 vào cuối năm 2023.

Như vậy, theo dự báo, thị trường hàng không Việt Nam sẽ hoàn toàn hồi phục vào cuối năm 2023. Tổng thị trường vận tải hàng không Việt Nam năm 2023 sẽ đạt xấp xỉ 80 triệu khách và 1,44 triệu tấn hàng hóa, tăng tương ứng 45,4% về hành khách và 15% về hàng hóa so với năm 2022. So với cùng thời điểm trước dịch COVID-19 (năm 2019), tăng xấp xỉ 1% về hành khách và 14,8% về hàng hóa.

Cụ thể với vận chuyển nội địa, dự báo đạt 45,5 triệu khách, tăng 5% so với năm 2022 và tăng 22% so với năm 2019. Đối với hàng hóa, dự báo tăng 230 nghìn tấn, tăng 55% so với năm 2022 và bằng 85% so với năm 2019. Với vận chuyển quốc tế, dự báo đạt 34 triệu khách, gấp 3 lần so năm 2022 và 83,5% so với năm 2019. Về hàng hóa, dự báo vận chuyển 1,23 triệu tấn hàng hóa, tăng 10% so với năm 2022 và 22,4% so với năm 2019.

Tuy nhiên thực tế có vẻ chưa lạc quan đến vậy, thời điểm hiện tại, phần lớn hãng bay vẫn bi quan về triển vọng hồi phục phục thị trường cũng như tình hình tài chính. Nói như TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam (TAB), không có màu hồng nào cho sức khỏe tài chính các hãng hàng không trong nước. “Các hãng đang ngập trong nợ và đứng trước cuộc khủng hoảng với nhiều rủi ro trong hoạt động”, ông Nam chia sẻ.

Theo ông, trước đây, các hãng lỗ hay nợ nhiều cũng không lo vì chủ cho thuê không đòi máy bay về do cả thế giới đều khó khăn bởi dịch bệnh. Nhưng hiện tại, thị trường cho thuê máy bay đang rất nóng, nhiều nơi thiếu, các hãng Việt Nam không cải thiện được tài chính, không thanh toán được, tàu bay đi thuê sẽ bị thu hồi ngay, hoặc thậm chí kiện ra tòa.

Đồng quan điểm, TS Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cũng đánh giá, khả năng cắt lỗ trong năm 2023 của các hãng bay còn mong manh, rất cần sự tiếp tục hỗ trợ của Nhà nước. Việc duy trì chính sách giảm tiền thuê đất, giãn hoãn tiền thuế, giảm một số loại phí dịch vụ tại các cảng hàng không như năm 2022 là cần thiết.

Bên cạnh những cơ hội cho ngành hàng không, vẫn có những thách thức lớn như hạn chế về hạ tầng cảng hàng không, sự bất ổn của giá nhiên liệu, sự thiếu hụt nhân sự chuyên môn hàng không, xung đột Nga-Ukraine.

Khẩu vị đầu tư thay đổi

Trong khi vận tải hành khách hàng không được cho là chưa thể phục hồi như kỳ vọng, “khẩu vị” nhà đầu tư được cho là chuyển hướng sang vận tải hàng hoá hàng không – “miếng bánh béo bở” vốn chủ yếu nằm trong tay các ông lớn nước ngoài, doanh nghiệp trong nước chỉ nắm giữ khiêm tốn mức 8-10%.

Vẫn nhiều trắc trở, hàng không hồi phục nhờ đâu?

Gần 90% khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường không qua Việt Nam thuộc về các thương hiệu quốc tế lớn FedEx, DHL, Cathay Pacific Cargo.

Tuy nhiên, miếng bánh không hề dễ xơi khi khủng hoảng kinh tế và lạm phát toàn cầu đang kéo theo sự sụt giảm hàng hoá tại hầu hết các ngành hàng xuất nhập khẩu, đồng nghĩa với sự sụt giảm đơn hàng của các doanh nghiệp logistics trong đó có vận tải hàng không. Thực tế, số liệu thống kê từ Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, sản lượng hàng hóa thông qua các cảng hàng không trong hai tháng đạt 168.000 tấn, giảm 28,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, hàng hóa quốc tế là 117.000 tấn, giảm 37,3% so với cùng kỳ. Riêng hàng hóa nội địa đã cải thiện khi đạt 51.000 tấn, tăng nhẹ.

Báo cáo cũng cho thấy, việc vận chuyển hàng hóa do các hãng hàng không Việt đảm trách trong hai tháng đầu năm chỉ đạt 42.500 tấn, giảm 14,2% so với cùng kỳ năm 2022. Nhưng cơ hội đến từ chính những khó khăn, nói như ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Giao nhận vận tải Đông Nam Á (AFFA) nhận định, sự sụt giảm sản lượng của vận tải hàng không cũng chính là cơ hội để các hãng hàng không tiếp cận việc thuê máy bay vận chuyển hàng hoá với chi phí tốt nhất.

Cùng quan điểm ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) cũng nhận định, thị trường vận tải hàng không còn nhiều dư địa để phát triển.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch VABA cũng lưu ý, các doanh nghiệp Việt cần tiếp tục vận chuyển hai chiều, đây là cơ hội để đầu tư mở rộng lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, ngành hàng không cạnh tranh trong môi trường quốc tế và đầu tư lớn. Để có thể cạnh tranh với nhiều hãng có tiềm lực và kinh nghiệm hàng chục năm, các hãng hàng không trong nước cần cố gắng nâng cao năng lực.

Các doanh nghiệp hàng không cũng cần dành sự quan tâm đúng mức và tập trung đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động vận tải hàng hóa.

Đặc biệt, về phía cơ quan quản lý và các địa phương cần sớm đưa ra định hướng, chiến lược, kế hoạch phát triển vận tải hàng hóa trong lĩnh vực hàng không.

Đáng chú ý, nhu cầu về vận tải hàng hóa tăng cao, đang tạo điều kiện cho Việt Nam tiến sâu vào chuỗi giá trị sản xuất thế giới, đặc biệt là các mặt hàng có giá trị cao như điện thoại, laptop, mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện; máy móc, thiết bị, máy ảnh, máy quay phim… những mặt hàng phải vận chuyển bằng đường hàng không. Nói như ông Đặng Anh Tuấn, Trưởng ban Truyền thông Vietnam Airlines: “Nhu cầu vận chuyển hàng hóa chuyên biệt vẫn còn khoảng trống. Các hàng hóa công nghệ, giá trị cao khi vận chuyển rất cần sử dụng các máy bay chuyên dụng để đảm bảo chất lượng”.

Theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, nhà nước và các doanh nghiệp không chỉ cần tập trung thực hiện nhanh, giải quyết những ách tắc hiện nay mà còn phải thu hút thêm nguồn tài chính, nhà đầu tư để dành địa điểm gom tụ hàng lớn và sớm hình thành ga hàng hóa tại các sân bay.

Nguồn: diendandoanhnghiep.vn

Bài Viết Liên Quan

Back to top button