VAFIE nhiệm kỳ 2025 – 2030: Vững tin bước vào giai đoạn phát triển mới
Trong bối cảnh, đất nước bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, nền kinh tế phải tăng tốc để đạt mức tăng trưởng ít nhất 8% trong năm nay và 2 con số trong những năm tiếp theo. Bên cạnh thúc đẩy đầu tư công và đầu tư tư nhân trong nước, việc tăng cường thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao và tận dụng hiệu quả lợi thế của quá trình hội nhập quốc tế là một trong những yếu tố quan trọng để biến mục tiêu tăng trưởng kinh tế thành hiện thực.
Tại Đại hội lần thứ VI nhiệm kỳ 2025 – 2030 diễn ra ngày 24/4/2025, Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) xác định tiếp tục nỗ lực, đổi mới phương thức hoạt động để có những đóng góp xứng đáng vào công cuộc cải cách thể chế, tạo dựng một môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, bình đẳng và minh bạch cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

Trên cơ sở đó, tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nhằm góp phần thu hút FDI và các ngành phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước như ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ thông tin, AI, dữ liệu lớn, năng lượng tái tạo, các dự án thân thiện với môi trường, gắn với chuyển giao công nghệ, có sức lan toả và kết nối với doanh nghiệp trong nước.
Mục tiêu phát triển bền vững cũng đang đòi hỏi VAFIE phải tiếp tục góp phần thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn của doanh nghiệp và các khu công nghiệp.
Để làm được điều đó, đòi hỏi phải kiện toàn một Ban Chấp hành đủ mạnh cả về số lượng và chất lượng, đổi mới phương thức hoạt động, tăng cường công tác phát triển hội viên, theo sát hoạt động của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp hội viên để xứng đáng là Hiệp hội của cộng đồng doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.
Trình bày báo cáo tại Đại hội, TS. Nguyễn Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Thường trực VAFIE cho biết, thực hiện phương hướng, nhiệm vụ đã đề ra, trong nhiệm kỳ vừa qua, hoạt động của VAFIE đã có sự chuyển mình về mọi mặt, đạt được nhiều thành tựu rất đáng tự hào.

Hàng chục hội nghị, hội thảo khoa học đã được tổ chức với sự tham gia của các cơ quan Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, các nhà khoa học và doanh nghiệp trong và ngoài nước. Hàng chục văn bản khuyến nghị chính sách của VAFIE đã được gửi tới các Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương.
Nhiệm kỳ qua ghi đậm dấu ấn nổi bật về hoạt động xúc tiến đầu tư của VAFIE. Chiến lược và chương trình hợp tác với Bắc Úc đã bước đầu được triển khai với nhiều hoạt động thiết thực. Chủ tịch VAFIE đã dẫn đoàn lãnh đạo VAFIE thăm và làm việc với chính quyền Bắc ÚC với sự tham gia của Đại sứ Việt Nam tại Úc – ông Nguyễn Tất Thành; Phó chủ tịch Nguyễn Ngọc Mỹ đã dẫn các đoàn doanh nghiệp Việt Nam thăm và khảo sát tiềm năng cơ hội đầu tư tại Bắc Úc.
Đặc biệt, VAFIE – trực tiếp là Phó chủ tịch Nguyễn Ngọc Mỹ đã thu xếp chương trình thăm và làm việc với chính quyền Bắc Úc của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. VAFIE cũng đã tổ chức hội thảo về tiềm năng cơ hội đầu tư tại Bắc Úc để các doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu quy định luật pháp về đầu tư ra nước ngoài, những thuận lợi và khó khăn khi đầu tư tại Bắc Úc.
VAFIE cũng đã tiến hành xúc tiến đầu tư với các đối tác đến từ châu Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc và một số quốc gia khác.
Công tác Hỗ trợ doanh nghiệp luôn được VAFIE quan tâm và đã bước sang một giai đoạn phát triển mới sau khi Chủ tịch Hiệp hội ký ban hành Quyết định số 08 /QĐ-HHDNĐTNN ngày 19/6/2023 thành lập Ban Tư vấn thuế và hỗ trợ doanh nghiệp. Ngay sau khi được thành lập, Ban đã nhanh chóng triển khai công việc nhằm hỗ trợ, bảo vệ lợi ích chính đáng và hợp pháp của doanh nghiệp. Với các đề xuất của doanh nghiệp, VAFIE luôn nghiên cứu kỹ hồ sơ, trực tiếp trao đổi với các bộ, ngành liên quan và của cơ quan chức năng của địa phương về nội dung vụ việc, đề xuất hướng xử lý phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật.
Công tác phát triển hội viên ngày càng chuyển biến tích cực và đạt kết quả đột phá. Riêng trong năm 2024 đã có thêm 48 doanh nghiệp trở thành hội viên của VAFIE, trong đó có các tập đoàn, doanh nghiệp lớn như: Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam, Công ty TNHH Cảng Container quốc tế Cái Lân, Công ty TNHH GMT Việt Nam, Tổng CTCP Bia rượu Nước giải khát Sài Gòn, Công ty TNHH Nhiệt điện Vũng Áng II, Công ty TNHH Nghi Sơn II, Công ty TNHH Goertek Vina, Công ty TNHH Timberland, Công ty TNHH Nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam, Công ty TNHH Toto Việt Nam… Riêng 10 doanh nghiệp này đã có tổng vốn đầu tư lên tới gần 30 tỷ USD.
Ngoài các Tập đoàn lớn của Việt Nam từng là hội viên VAFIE nhiều năm nay như Tập đoàn Vingroup, năm 2024 cũng chứng kiến sự gia nhập VAFIE của nhiều doanh nghiệp Việt Nam có quan hệ kinh tế với nước ngoài như Công ty Cổ phần Song Ngư Sơn, Công ty TNHH Hoà Bình, Công ty Tập đoàn Cung ứng nguồn nhân lực THL Việt Nam, CTCP Thiết kế và Xây dựng GIZA…
Trong các hội viên mới còn có cả đại diện đến từ các viện nghiên cứu, công ty luật như Viện Công nghệ Năng lượng thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Công ty Luật TNHH Duane Morris Việt Nam, Chi nhánh Công ty luật TNHH Duy ích tại Hà Nội…
Bắt đầu tư năm 2021, VAFIE xuát bản Báo cáo Thường niên song ngữ Việt – Anh về FDI tại Việt Nam. Báo cáo do GS-TSKH. Nguyễn Mại làm chủ biên đã nhận được sự đánh giá cao của các cơ quan Quốc hội, một số bộ, ngành, các cơ sở nghiên cứu, đào tạo, các Hiệp hội doanh nghiệp và các doanh nghiệp. Theo sát tiến trình phát triển của đất nước, mỗi năm bản báo cáo có một tiêu đề riêng.
Năm 2021 là “Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mảng sáng của bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2021”; năm 2022 là “Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tăng trưởng xanh và kinh tế số”; năm 2023 là “Trước thách thức và cơ hội mới – thu hút FDI chất lượng hơn, hiệu quả hơn” và năm 2024 là “Thu hút FDI vào công nghiệp bán dẫn, công nghệ tương lai, năng lượng sạch, khoa học và công nghệ, đào tạo đội ngũ lao động có kỹ năng”.
Lê Long (Ảnh BTC)