Ùn tắc nông sản biên giới: Tăng cường liên kết vùng trồng và nhà máy
Chuyên gia đánh giá, vấn đề lớn nhất là làm thế nào đảm bảo liên kết vùng trồng và nhà máy, đảm bảo số lượng và chất lượng nguyên liệu vào nhà máy.
Trao đổi về thực tế bấp bênh của ngành nông nghiệp, khiến tình trạng ùn tắc nông sản tại biên giới đều tái diễn mỗi dịp cuối năm, ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ nông nghiệp – nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương nhận định, để không rơi vào tình trạng này, chúng ta luôn phải chủ động và hoàn thiện về mặt quy trình sản xuất, xuất khẩu.
“Cũng phải nói là xuất khẩu chính ngạch có thuận lợi như chủ động về nhiều mặt. Doanh nghiệp của chúng tôi đã hoàn thiện quy trình xuất khẩu nên luôn chủ động và hạn chế được rủi ro“, ông Tiến nhấn mạnh.
Vụ trưởng Vụ nông nghiệp – nông thôn đánh giá, hiện nay, khâu kết nối từ sản xuất tới thị trường còn thiếu gắn kết. Trong chuỗi, yếu tố thứ 2 là các kho lạnh, logistic còn yếu. Yếu tố tiếp theo là chúng ta chưa theo đúng chính sách nhập khẩu của Trung Quốc, kiểm soát rất chặt chẽ về tiêu chuẩn chất lượng.
“Vừa qua, các phương tiện thông tin đại chúng đều đã nêu rõ về việc xuất khẩu chính ngạch sẽ được ưu đãi 7% thuế. Ngoài ra, việc các thương nhân, thương lái ở Trung Quốc sang mua bán ở Việt Nam tính rủi ro cao. Vì vậy để ổn định thương mại, tăng sản lượng xuất khẩu cần kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất. Ngoài ra, để giảm thiệt hại cần tăng cường đàm phán“, ông Tiến khẳng định.
Vụ trưởng Vụ nông nghiệp – nông thôn nhấn mạnh, các doanh nghiệp xuất khẩu phải đẩy mạnh chế biến và tránh xuất khẩu các sản phẩm thô, sản phẩm thời vụ.
“Những chính sách về hỗ trợ xây dựng nhà máy chế biến, đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn được Nhà nước ban hành khá đầy đủ. Thời gian 3 – 4 năm qua, nhiều nhà máy lớn đã được xây dựng ở các tỉnh như Sơn La, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ,… đảm bảo nhu cầu chế biến nông sản”, ông Tiến nhấn mạnh.
Tuy nhiên theo ông Tiến, vấn đề lớn nhất là làm thế nào đảm bảo liên kết vùng trồng và nhà máy. Đảm bảo số lượng và chất lượng nguyên liệu vào nhà máy. Về phía các doanh nghiệp, tôi cho rằng họ sẵn sàng xây dựng nhà máy, thậm chí quy mô lớn, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Thêm vấn đề nữa là làm sao tạo ra vùng trồng liên kết giữa các hộ nông dân, hợp tác xã sản xuất theo quy trình an toàn thực phẩm. Từ đó, tạo ra mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý. “Theo tôi, đây mới là vấn đề lớn nhất chúng ta cần giải quyết”,Vụ trưởng Vụ nông nghiệp – nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương nói.
Sản xuất, chế biến, thương mại là 3 khâu cơ bản trong tổ chức của ngành nông nghiệp. Công nghiệp chế biến trong 2, 3 năm nay đã được chú trọng, phát triển rất nhanh. Điển hình như một số doanh nghiệp như TH True Milk, CTCP Đồng Giao,… Đây là một trong những bước đột phá trong sản xuất để tạo ra sản phẩm tốt hơn, hạn chế số lượng nông sản tươi xuất khẩu.
Cũng nhấn mạnh về liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân trong tiêu thụ nông sản, ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ nhận định: “Chỉ khi thu hút được những doanh nghiệp đủ lớn có liên kết sản xuất chặt chẽ với nông dân, có đủ khả năng điều tiết sản lượng thì đầu ra cho nông sản mới không còn bấp bênh”.
Theo Giám đốc VCCI để doanh nghiệp làm được điều đó, nhà nước cần có những chính sách về tài chính để giúp họ đứng ra thu mua nông sản tạm trữ cho người dân khi cần để mua và đưa vào trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản để tạm trữ tìm cơ hội khi có thị trường.
Ở góc độ chuyên gia, GS. TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, sự kết nối không chỉ giữa vùng nguyên liệu với doanh nghiệp sản xuất mà với cả các thị trường xuất khẩu thông qua nắm bắt thông tin từ các đại sứ quán, lãnh sự quán Việt Nam tại nước ngoài.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn