Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ vào thực tiễn nền giáo dục Việt Nam
Vừa qua tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Bác Hồ với giáo dục, giáo dục với Bác Hồ”.

Tham dự Hội thảo có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, các Phó trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Huỳnh Thành Đạt, Vũ Thanh Mai.
Hội thảo được tổ chức nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025); 80 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bức thư đầu tiên gửi học sinh, sinh viên, đội ngũ nhà giáo (15/9/1945 – 15/9/2025) và 80 năm thành lập Bộ Quốc gia Giáo dục, nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo (28/8/1945 – 28/8/2025).

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định: hệ thống tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục và đào tạo, phương pháp, phong cách giáo dục hiện đại mà đậm đà giá trị truyền thống của Người, thực sự là nền tảng, kim chỉ nam định hướng, dẫn dắt tiến trình xây dựng, phát triển nền giáo dục, văn hóa, đất nước và con người Việt Nam.
Năm 1987, Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học, Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã ra Nghị quyết số 24C/18.65 về kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nghị quyết khẳng định: “Những đóng góp quan trọng và nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật chính là sự kết tinh của truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam, và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc mong muốn được khẳng định bản sắc văn hóa của mình và mong muốn tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc”.

Theo Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, trong chặng đường 80 năm kể từ ngày thành lập nước, nhất là gần 40 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, Đảng và Nhà nước ta luôn nhận thức sâu sắc, kiên định quán triệt và thực hiện tư tưởng, phương pháp, phong cách Hồ Chí Minh về giáo dục và đào tạo. Nền giáo dục và đào tạo Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong sự nghiệp nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần tạo nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước.
GS.TS Hoàng Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn nhấn mạnh hội thảo nhằm tiếp tục khẳng định và làm sâu sắc hơn những giá trị tư tưởng, sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời đối với sự nghiệp giáo dục Việt Nam.

Đây là dịp để ôn lại, nghiên cứu và trao đổi về những nội dung cốt lõi trong bức thư Bác Hồ gửi học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo cách đây 80 năm, đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng của giáo dục trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
Phát biểu kết luận hội thảo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, hội thảo hôm nay một lần nữa tiếp tục khẳng định vai trò to lớn của giáo dục trong việc rèn luyện nhân cách, phát triển con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện tư tưởng quan trọng về nhân tính, thể hiện cái nhìn rất nhân bản về con người: “Hiền dữ đâu phải là tính sẵn/ Phần nhiều do giáo dục mà nên”.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm giáo dục không chỉ trang bị kiến thức, mà giáo dục cần chú trọng rèn luyện đạo đức, nhân cách, tình cảm, lối sống, nhằm tạo ra những con người vừa có tài, vừa có đức, trong đó đức là nền tảng. Giáo dục nhằm phát triển con người một cách toàn diện gồm cả đức, trí, thể, mỹ, hội đủ các phẩm chất nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, dũng, liêm, chính,…

Trong bối cảnh mới, Đảng và Nhà nước xác định giáo dục đào tạo cùng với khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, đã và đang có nhiều chính sách quan trọng, đột phá, Bộ trưởng nhấn mạnh, ngành Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục thấm nhuần sâu sắc và vận dụng hiệu quả tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục; tư tưởng, triết lý, tinh thần giáo dục, tinh thần học tập và tự học, học tập suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sau hội thảo, Ban Tổ chức tổng hợp nội dung khoa học, xây dựng báo cáo kiến nghị để gửi tới các bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu và vận dụng để tiếp tục thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển giáo dục và đào tạo theo tinh thần kế thừa và phát huy tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh.
Lê Minh (Ảnh: Moet.gov.vn)