Tư liệu sản xuất mới của doanh nghiệp
Trong thời đại công nghệ và kỹ thuật số phát triển nhanh, quyết định và hoạt động doanh nghiệp có thể dựa vào loại nguyên liệu sản xuất mới.
Bà Trịnh Thị Lan – Giám đốc tư vấn chuyển đổi số, Tổng công ty giải pháp doanh nghiệp Viettel cho biết, trước đây để thấu hiểu nhu cầu của khách hàng và đưa ra các quyết định cho hoạt động của mình, thường thì doanh nghiệp phải thực hiện khảo sát, điều tra bằng bảng hỏi thủ công rồi tổng hợp, phân tích… mất nhiều thời gian, công sức.
Hiện nay, công việc này trở nên nhanh chóng, chính xác hơn nhờ sự hỗ trợ của công nghệ. Doanh nghiệp có thể dễ dàng nhận biết khách hàng VIP, điều hướng, phân luồng, đưa ra gợi ý thông minh… từ việc ứng dụng công nghệ trong toàn bộ hoạt động quản trị và các điểm chạm với khách hàng. Đặc biệt, nhờ công nghệ, doanh nghiệp có thể phân tích dữ liệu theo từng nhóm khách hàng và từng cá nhân riêng lẻ.
Bà Trịnh Thị Lan chia sẻ thông tin từ báo cáo của BCG, nếu làm tốt công việc này, tức là cá nhân hoá trên quy mô lớn có thể giúp doanh nghiệp tăng doanh thu lên tới 10% mỗi năm. Cá nhân hoá càng tốt, doanh nghiệp càng có cơ hội giữ chân và phục vụ khách hàng tốt hơn dựa trên cơ sở đáp ứng đúng, trúng nhu cầu khách hàng.
Đây cũng là quan điểm được ông Trần Tịnh Minh Triết – Giám đốc giải pháp của SAP Việt Nam nhấn mạnh. Thay vì đưa ra quyết định dựa trên cảm tính như giai đoạn 15 – 20 năm trước đây, các doanh nghiệp hiện nay doanh nghiệp đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu.
Ngoài dữ liệu khách hàng, doanh nghiệp còn có nhiều tệp dữ liệu khác nhau đã sẵn có trong nội bộ như dữ liệu về tài chính, về con người, dữ liệu về kỹ năng sản xuất, về nguyên vật liệu, dữ liệu về kho tàng… Từ những nguồn dữ liệu trên, doanh nghiệp có thông tin để phân tích và quyết định đưa ra những sản phẩm phù hợp với độ tuổi, mong muốn của khách hàng.
Giám đốc giải pháp của SAP Việt Nam khẳng định: dữ liệu được nhiều doanh nghiệp định nghĩa là một loại tư liệu sản xuất mới. Nếu doanh nghiệp, tổ chức có dữ liệu mà không biết sử dụng tức là đã làm uổng phí một tư liệu sản xuất và làm mất đi tính cạnh tranh.
Theo tính toán, hiện 25% giá trị của một công ty được định giá dựa trên cơ sở của dữ liệu. Ở nhiều doanh nghiệp lớn, dữ liệu là loại tài sản có giá trị hơn một nhà máy, văn phòng, phần cứng. Nếu tư liệu sản xuất mới này có chất lượng và đầy đủ, theo ông Trần Tịnh Minh Triết, doanh nghiệp hoàn toàn có thể nhìn trước tương lai công việc của mình trong 3 năm.
Dẫn số liệu thống kê của MIT, ông Trần Tịnh Minh Triết cho biết thêm, có 66% CEO cho rằng việc nắm trong tay dữ liệu giúp họ có thể làm việc tốt hơn so với các đối tác và các nhà cung ứng. Không những thế, nhờ có dữ liệu, doanh nghiệp nắm bắt được xu hướng thị trường, phương thức hoạt động, năng lực để thích ứng, thay đổi cho phù hợp với thực tế hoặc tạo thêm mô hình kinh doanh mới và dòng doanh thu mới.