Truyền “năng lượng tích cực” cho học sinh
Thay vì hoảng sợ, lo âu, các vị phụ huynh nên truyền “năng lượng tích cực” để học sinh đến trường học tập và vui chơi an toàn.
Học sinh Trường Tiểu học Phạm Tu (huyện Thanh Trì, Hà Nội) đi học trở lại sau thời gian dài học trực tuyến.
Phụ huynh lo ngại
Theo kế hoạch đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt, từ ngày 2/12 tới, học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 của 12 quận nội thành sẽ trở lại trường học trực tiếp.
Cụ thể, học sinh lớp 1, 2, 3, 4, 5, 6 ở 12 quận nội thành Hà Nội đi học trực tiếp từ 21/2, tức từ đầu tuần tới vào tất cả các ngày trong tuần. Như vậy, thêm khoảng 400.000 học sinh sẽ đến trường vào tuần tới, trường học Hà Nội chính thức mở cửa cho toàn bộ 1,6 triệu học sinh.
Theo quy định của UBND TP Hà Nội, việc trở lại trường của học sinh vẫn đảm bảo nguyên tắc chỉ những vùng có dịch cấp độ 1, 2 được trở lại trường, vùng cấp độ 3, 4 phải học trực tuyến.
Mặc dù UBND TP Hà Nội đã quy định các nhà trường đón học sinh trở lại nhưng vẫn chỉ được dạy 1 buổi/ngày, không tổ chức bán trú. Các trường không tổ chức căng tin bán đồ ăn. Học sinh phải mang bình nước cá nhân theo sử dụng. Giáo viên phải tiêm đủ vắc xin ngừa COVID-19 theo quy định của ngành y tế mới được dạy trực tiếp. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng yêu cầu các nhà trường sắp đón học sinh trở lại phải khử khuẩn, tổng vệ sinh, có phương án đảm bảo giãn cách, kiểm soát sức khỏe học sinh trước khi đến trường, có phương án xử trí khi phát sinh F0 trong quá trình học sinh trở lại trường học trực tiếp. Thế nhưng, vẫn còn nhiều nỗi lo từ chính các phụ huynh, mà điển hình nhất là việc làm sao để giữ an toàn cho con em họ khi đi học trực tiếp.
Chị Nguyễn Thị Duyên (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội) cho biết, nhà chị có 2 con nhỏ cùng học trực tuyến ở cấp tiểu học. Việc học trực tuyến gây nhiều khó khăn cho gia đình khi 2 con còn nhỏ, bố mẹ đi làm suốt ngày nên việc theo dõi, đôn đốc các con học cũng bị hạn chế. Bên cạnh đó, rõ ràng học trực tuyến không chất lượng bằng trực tiếp, lại hại mắt do tiếp xúc quá nhiều với máy tính… “Khi nghe thông tin các con sắp được đến trường học trực tiếp, gia đình tôi rất mừng, nhưng cũng rất lo lắng bởi thời điểm này tỷ lệ F0 ở Hà Nội quá cao, gần chạm mốc 4.000 ca mỗi ngày. Rất nhiều bạn nhỏ dù ở trong nhà suốt ngày vẫn bị COVID-19 vì lây nhiễm từ chính bố mẹ của các bạn khi phải ra ngoài bươn chải kiếm tiền. Liệu cho các con đi học trực tiếp vào thời điểm này có an toàn khi trẻ em từ 5-11 tuổi chưa được tiêm vaccine?” – Chị Duyên đặt câu hỏi.
Bày tỏ sự lạc quan hơn, anh Phạm Văn Hoàng (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội) cho rằng, đã tham khảo nhiều tài liệu và biết rằng trẻ con ít nguy cơ mắc COVID-19 hơn người lớn. Nếu có mắc thì khả năng hồi phục cũng rất nhanh. “Việc trẻ được đi học trực tiếp sẽ giúp con có tinh thần thoải mái hơn bởi được giao lưu với bạn bè, được hít thở không khí bên ngoài. Điều cần thiết bây giờ là nhà trường và các phụ huynh cần hướng dẫn con cách thực hiện tốt 5K để phòng dịch. Nếu tuân thủ 5K, việc lây nhiễm sẽ hạn chế hơn”. – Anh Hoàng nói.
Để học sinh tới trường an toàn
Để học sinh trở lại trường giữa lúc F0 tăng nhanh, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu xây dựng các phương án bảo đảm bố trí đủ cán bộ y tế học đường tại các trường học trong bối cảnh học sinh thủ đô trở lại trường học. TP Hà Nội cũng khuyến khích các trường học thành lập nhóm gia đình tự quản các em học sinh (từ 3-5 học sinh/nhóm) để phối hợp với nhà trường, nắm bắt tình hình sức khỏe học sinh khi trở lại học trực tiếp và tăng cường sự tương tác, gắn kết giữa các học sinh trong lớp học.
Học sinh lớp 1 đến lớp 6 ở các quận nội thành Hà Nội học trực tiếp từ ngày 21/2.
Bên cạnh đó, các các quận, huyện, thị xã cũng đã chỉ đạo các nhà trường phối hợp chặt chẽ với gia đình trong việc giám sát học sinh thực hiện các quy định phòng, chống dịch, quy tắc “5K” và phương châm “một cung đường, hai điểm đến”, kịp thời thông báo với cơ quan y tế trên địa bàn khi học sinh có những biểu hiện nghi mắc COVID-19; làm tốt công tác tuyên truyền, ổn định tâm lý cho phụ huynh, các học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường khi có trường hợp mắc COVID-19…
Cho ý kiến về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu – nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, để mở cửa lại trường học an toàn, theo ông Phu, ngành giáo dục TP cần phải sàng lọc kỹ học sinh khi đến trường. “Trước mắt những học sinh đang là F0 hoặc các em có triệu chứng sốt, ho, khó thở thì không cho đi học. Hoặc gia đình nào có thành viên trong gia đình có F0 thì cũng chưa cho các em tới trường. Còn lại những học sinh nghi ngờ thì nên cho các em xét nghiệm trước khi tới trường, tuy nhiên không nên xét nghiệm tràn lan gây lãng phí không cần thiết”, ông Phu nói.
Ngoài ra, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, các trường học, giáo viên, phụ huynh và học sinh phải thực hiện nghiêm quy trình phòng chống, hạn chế lây nhiễm COVID-19 trong trường học do Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và đào tạo đã hướng dẫn. “Nên yêu cầu các em học sinh đeo khẩu trang khi đến trường, khử khuẩn trước khi vào lớp học. Học sinh nào có dấu hiệu sốt ho, khó thở thì nên đưa các em vào phòng cách ly đã được bố trí trước đó. Đồng thời, tiến hành điều tra dịch tễ và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định”, ông Phu nói thêm.
Theo vị nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng, việc cho học sinh đi học trở lại thời điểm này là rất cần thiết, bởi các em đã nghỉ quá dài. Nếu không cho các em trở lại trường thì không chỉ khiếm khuyết về kiến thức mà còn bị các bệnh về tâm lý như trầm cảm… Đặc biệt, với các cháu học sinh đầu cấp 1 đang cần học nói và học viết mà không được đến trường tương tác với thầy cô, bạn bè thì sẽ ảnh hưởng rất lớn, nhất là về thể chất và tinh thần. “Nhiều người có ý kiến rằng tiêm vắc xin ngừa COVID-19 đủ liều mới cho học sinh đi học, tôi cho rằng không cần thiết, không nên đặt ra điều kiện này. Trẻ em khi mắc COVID-19 thường triệu chứng rất nhẹ hoặc không có triệu chứng”, PGS.TS Phu nêu quan điểm.
Đồng quan điểm với PGS.TS Trần Đắc Phu, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội cho rằng, trong cuộc sống, ai cũng phải đối diện với tình trạng biến động, bất định và phức tạp cao. Do đó, phụ huynh và trẻ cần biết phân biệt giữa nguy cơ – tỷ lệ mắc phải và tự trấn an.
“Nguy cơ trở thành F0 sẽ tồn tại như nguy cơ bị tai nạn khi tham gia giao thông. Dù luôn phải đối diện với nguy cơ tai nạn, nhưng bằng việc tuân thủ đúng luật, quy tắc an toàn giao thông, chúng ta có thể an toàn. Vì vậy, việc đi học trở lại cũng cần được các phụ huynh tư duy mở. Hãy cân nhắc giữa nguy cơ dịch bệnh (có thể kiểm soát được) khi trở lại trường và những hậu quả có thật, trầm trọng, lâu dài khi trẻ ở nhà (từ bạo hành, tai nạn thương tích, tổn thương sức khỏe tâm thần và mất các cơ hội phát triển trong tương lai). Từ đó, nhất quán trong thái độ thể hiện”, PGS.TS Trần Thành Nam nói.
Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội cho rằng, nếu cha mẹ nhất quán rằng, trở lại trường là cần thiết và có lợi thì sẽ tạo được tâm thế tốt cho con, bởi cha mẹ là người có tầm ảnh hưởng quan trọng nhất đến cảm giác an toàn và an tâm của con. Chúng ta rất cần sự hỗ trợ tích cực từ cha mẹ để trẻ có thể yên tâm đến trường học tập và vui chơi. “Để giúp các em thích nghi nhanh hơn với việc trở lại học tập trực tiếp, cha mẹ hãy chuẩn bị để con sẵn sàng hơn về thể chất, tâm thế tình cảm, trí tuệ, cũng như quan hệ xã hội”, PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh.
Bảo Lam
Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp