Trung Quốc tăng vốn đầu tư củng cố năng lực sản xuất chip

Trung Quốc đã thành lập quỹ đầu tư do nhà nước hậu thuẫn để thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn của mình.

Trung Quốc tăng vốn đầu tư củng cố năng lực sản xuất chip
Trung Quốc đã tăng đầu tư vào ngành bán dẫn trong những năm gần đây

Được biết, đây là giai đoạn 3 của chiến lược phát triển vi mạch mà Trung Quốc đang theo đuổi. Trong giai đoạn này, quỹ đã huy động được 344 tỷ nhân dân tệ (47,5 tỷ USD) từ chính phủ trung ương và các ngân hàng cùng doanh nghiệp nhà nước, bao gồm Ngân hàng Công thương Trung Quốc.Trong giai đoạn đầu tiên, quỹ huy động được 138,7 tỷ nhân dân tệ (19,2 tỷ USD) vào năm 2014. Trong giai đoạn thứ hai, tức 5 năm sau đó, quỹ huy động được 204,1 tỷ nhân dân tệ (28,2 tỷ USD).

Cổ đông lớn nhất của quỹ đầu tư này là Bộ Tài chính Trung Quốc. Các công ty đầu tư thuộc sở hữu của chính quyền địa phương ở Thâm Quyến và Bắc Kinh cũng góp vốn vào quỹ.

Dự kiến, quỹ này sẽ tài trợ cho các dự án nghiên cứu và phát triển nhằm nâng cao năng lực AI cho công nghệ sản xuất chip hiện có; đồng thời hỗ trợ tài chính cho các công ty bán dẫn lớn của Trung Quốc để có thể cung cấp các tấm nền silicon, hóa chất… cho thị trường nội địa, nhằm hạn chế sự lệ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài.

Là một phần trong kế hoạch chi tiết đầy tham vọng “Made in China 2025”, các quan chức Trung Quốc đã đặt mục tiêu cho ngành bán dẫn đạt sản lượng 305 tỷ USD vào năm 2030 và đáp ứng 80% nhu cầu trong nước. Năm 2016, Trung Quốc sản xuất chất bán dẫn trị giá 65 tỷ USD và đáp ứng 33% nhu cầu thị trường nội địa.

Linghao Bao, nhà phân tích cấp cao tại công ty nghiên cứu chính sách Trivium China, cho biết: “Động thái này cho thấy Trung Quốc đã tự tin sẽ đạt được tiến bộ có ý nghĩa trong lĩnh vực bán dẫn. Quy mô của việc gây quỹ đã nói lên điều đó.”

Hiện nay, hàng trăm tỷ nhân dân tệ đầu tư vào lĩnh vực này thể hiện rõ nỗ lực của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm đạt được mục tiêu tự cung cấp chất bán dẫn cho Trung Quốc. Cam kết đó đã trở nên cấp bách hơn sau khi Mỹ áp đặt một loạt biện pháp kiểm soát xuất khẩu trong vài năm qua, với lý do lo ngại Bắc Kinh có thể sử dụng chip tiên tiến để củng cố năng lực quân sự của mình.

Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc cho biết khi triển khai giai đoạn đầu tiên của Quỹ vào năm 2014, các khoản đầu tư này nhằm mục đích đưa ngành công nghiệp bán dẫn của đất nước đạt tiêu chuẩn quốc tế vào năm 2030, và tập trung cung cấp vốn cho việc thiết kế, sản xuất chip.

Trung Quốc tăng vốn đầu tư củng cố năng lực sản xuất chip
Quỹ chip mới là một phần trong tham vọng đưa Trung Quốc trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về công nghệ.

Để đáp ứng nhu cầu trong nước, Trung Quốc gần đây đã có nhiều biện pháp tăng cường khả năng sản xuất chip. Nhờ đó, tổng sản lượng mạch tích hợp (IC) của Trung Quốc đã tăng 40% lên 98,1 tỷ sản phẩm trong quý 1/2024.Đây là dấu hiệu cho thấy nước này đang mở rộng sản xuất chip thế hệ cũ trong khi bị hạn chế bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với thiết bị sản xuất chip tiên tiến. Dữ liệu từ Cục Thống kê Trung Quốc (NBS) cho thấy, trong tháng 3 vừa qua, sản lượng IC đã tăng 28,4%, đạt 36,2 tỷ sản phẩm – đạt mức cao nhất mọi thời đại.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, Trung Quốc cần làm nhiều hơn để thúc đẩy ngành chip nội địa tăng trưởng hơn. Một số báo cáo chỉ ra, trong khi Trung Quốc cũng đã đưa ra hơn 142 tỷ USD để xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn trong nước, thì nước này dự kiến chỉ có thể sản xuất được 2% số chip tiên tiến nhất thế giới.

Theo John Neuffer, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của SIA: “Trung Quốc dường như đang đầu tư nhiều năng lượng hơn vào cái gọi là chip truyền thống”. Đối với các chip có phạm vi từ 10 đến 22 nanomet, Trung Quốc sẽ tăng gấp ba lần tỷ trọng công suất sản xuất từ 6% lên 19% vào năm 2032. Nhưng đối với những chip cỡ trên 28 nanomet, Trung Quốc dự kiến sẽ có sự tăng trưởng thị phần từ 33% vào năm 2022 lên 37% vào năm 2032.

Trong khi đó, các biện pháp kiểm soát của Mỹ đối với xuất khẩu chất bán dẫn sang Trung Quốc, đặc biệt là các chip tiên tiến và công cụ sản xuất chip, cũng là một phần nguyên nhân khiến Trung Quốc sẽ tụt hậu rất xa so với Mỹ, mặc dù cả hai đều không có năng lực sản xuất chip tiên tiến vào năm 2022.

Chuyên gia Neuffer cho biết: “Có một số biện pháp kiểm soát có thể đang làm mọi thứ chậm lại”, đồng thời nói thêm rằng “Trung Quốc đang bắt đầu từ nền tảng thấp hơn nhiều cho những con chip tiên tiến nhất”.

Nguồn: diendandoanhnghiep.vn

Bài Viết Liên Quan

Back to top button